- Apple tấn công thị trường Ấn Độ, lên kế hoạch mở nhà máy lắp ráp iPhone
Apple đang tiến hành cải tổ các hoạt động kinh doanh quốc tế của hãng với mong muốn tập trung nhiều hơn vào thị trường châu Á, cụ thể là Ấn Độ.
Nếu kế hoạch của Apple triển khai thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ trở thành thị trường bán hàng chính của Apple. Điều này thể hiện tầm quan trọng của quốc gia này trong mắt Apple, đặc biệt là khi nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử của hãng đang tăng vọt tại đây.
Động thái cải tổ của Apple được cho là do có sự biến động nhân sự trong nội bộ hãng. Phó chủ tịch Hugues Asseman, người phụ trách khu vực Ấn Độ, Trung Đông, Địa Trung Hải, Đông Âu và châu Phi, vừa xin nghỉ hưu. Thay vào đó, cấp dưới trực tiếp của cựu phó chủ tịch là ông Ashish Chowdhary sẽ được thăng chức và làm việc trực tiếp với trưởng bộ phận bán hàng của Apple.
Sự rời đi của Phó chủ tịch Asseman không phải là trường hợp duy nhất. Ngoài ông, phó chủ tịch phụ trách dịch vụ của Apple đã từ chức vào đầu năm nay và theo một số nguồn tin, giám đốc Icloud cũng đang rục rịch nghỉ việc vào tháng tới. Năm ngoái, một loạt các giám đốc phụ trách thiết kế; thu mua các bộ phận kỹ thuật; quyền riêng tư; hệ thống thông tin… hay thậm chỉ là những người phụ trách quản lý cửa hàng trực tuyến của hãng cũng lần lượt dừng hợp đồng làm việc với Apple.
Đối mặt với tình trạng thay đổi hàng loạt nhân sự nòng cốt, “táo khuyết” đang phải lập lại bản kế hoạch phát triển của công ty, tập trung hơn vào những thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt trên thế giới. Ấn Độ đang là mục tiêu hàng đầu.
Theo đó, mặc dù tổng doanh thu bị giảm 5%, song, công bố của Apple cho thấy tại thị trường Ấn Độ, doanh thu của công ty đạt mức kỷ lục trong quý IV/2022. Để phục vụ cho khu vực đầy tiềm năng này, Apple ngay lập tức tiến hành mở một cửa hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu tạm thời của người dân. Các cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ cũng sẽ ra mắt dự kiến vào cuối năm nay.
Giám đốc điều hành của hãng, Tim Cook chia sẻ, Apple đang tập trung rất nhiều vào thị trường châu Á, đặc biệt khi trước đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm tại Trung Quốc đã là một minh chứng điển hình: “Về bản chất, chúng tôi đang áp dụng những gì từng diễn ra tại thị trường Trung Quốc nhiều năm về trước. Quyết định mở rộng quy mô sang Trung Quốc của công ty lúc đó là rất đúng đắn, nhờ đó, thị trường này đã đem lại doanh thu rất tích cực cho Apple”.
Được biết, Trung Quốc hiện đang tạo ra khoảng 75 tỷ USD mỗi năm cho Apple và trở thành khu vực bán hàng lớn nhất sau châu Mỹ và châu Âu. Phía Apple càng đặt nhiều kỳ vọng hơn khi Ấn Độ đang có tín hiệu vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Apple đang làm việc với Foxconn (Hon Hai Precision Industry Co.) - đối tác của hãng đảm nhận lắp ráp các sản phẩm của “táo khuyết”, để thành lập các cơ sở sản xuất iPhone tại Ấn Độ. Điều này cho thấy bên cạnh việc đóng vai trò là một công cụ bán hàng cho hãng, Ấn Độ đã khẳng định được tầm quan trọng của mình trong quá trình phát triển các sản phẩm của Apple.
- Meta lên kế hoạch phát triển nền tảng cạnh tranh với Twitter
Meta Platforms Inc – chủ sở hữu mạng xã hội Facebook đang nghiên cứu kế hoạch tung ra ứng dụng truyền thông xã hội mới thay thế Twitter và trở thành "quảng trường thành phố kỹ thuật số" của thế giới.
Trong một tuyên bố gửi qua email, người phát ngôn của Meta cho hay công ty khám phá một mạng xã hội độc lập phi tập trung chuyên chia sẻ các cập nhật bằng văn bản.
Theo người phát ngôn, Meta tin rằng có cơ hội để phát triển một không gian riêng biệt, nơi những người sáng tạo và nhân vật của công chúng có thể chia sẻ các cập nhật mới nhất về họ. Hiện vẫn chưa rõ khi nào Meta sẽ tung ra ứng dụng mới.
Ứng dụng của Meta sẽ dựa trên khuôn khổ của Mastodon, một nền tảng tương tự Twitter được ra mắt vào năm 2016. Theo giới quan sát, một ứng dụng giống Twitter sẽ cho phép Meta tận dụng sự hỗn loạn hiện thời tại công ty do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo.
Twitter đã gặp rất nhiều khó khăn để duy trì cơ sở khách hàng quảng cáo của mình kể từ khi ông Musk tiếp quản nền tảng này vào cuối năm ngoái. Các công ty đã giảm chi tiêu sau một loạt động thái của Twitter, bao gồm khôi phục các tài khoản bị đình chỉ và đưa ra dịch vụ xác minh tài khoản có trả phí, dẫn đến việc hàng loạt kẻ lừa đảo mạo danh các công ty.
Kế hoạch của Meta đến vào thời điểm nền tảng lớn nhất của họ là Facebook khó thu hút sự chú ý của nhóm người dùng trẻ tuổi, trong khi các khoản đầu tư khổng lồ vào metaverse (vũ trụ ảo) chưa có dấu hiệu được đền đáp trong thời gian tới.
Ứng dụng chia sẻ video Instagram của Meta cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, khi các nhà sản xuất nội dung hoặc những người có ảnh hưởng từ bỏ nền tảng này để chuyển sang ứng dụng đối thủ TikTok.
Ông Thomas Hayes, Chủ tịch công ty quản lý đầu tư Great Hill Capital có trụ sở tại New York cho biết Meta là một công ty giỏi việc mua bán – sáp nhập hơn là những nhà đổi mới sáng tạo hoặc nhà phát triển. Đối với việc sao chép hoạt động của Twitter, đây chỉ là một "động thái phòng thủ".
Theo ông, Meta chỉ đang thử mỗi thứ một chút. Ông còn nhận định Meta có thể bắt đầu kiếm tiền từ một nền tảng nhỏ có mô hình tương tự Twitter sớm hơn so với thời gian chờ đợi các khoản đầu tư metaverse sinh lời.
- Microsoft Bing vượt mốc 100 triệu người dùng hằng ngày
Một tháng sau khi tích hợp chatbot AI, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft đã vượt mốc 100 triệu người dùng truy cập hàng ngày. Đây là thông tin được Yusuf Mehdi - Phó chủ tịch mảng Cuộc sống hiện đại, Tìm kiếm và Thiết bị của Microsoft tiết lộ.
Giới công nghệ cho rằng, sự tăng trưởng của Bing phần lớn bắt nguồn từ phiên bản thế hệ tiếp theo được tích hợp chatbot AI mà Microsoft vừa giới thiệu vào tháng trước. Điều đó đã kích thích người dùng tò mò tiến hành thử nghiệm việc tìm kiếm, và theo Mehdi, có đến 1/3 trong số người dùng truy cập hằng ngày vào Bing là người dùng mới. Sự kết hợp của “Tìm kiếm, Câu trả lời, Trò chuyện và Sáng tạo” trong một trải nghiệm tìm kiếm đã mang đến sức hút thực sự cho Bing phiên bản mới.
Trung bình, Microsoft ghi nhận có ba cuộc trò chuyện mỗi phiên, với hơn 45 triệu cuộc trò chuyện kể từ khi Bing mới được giới thiệu. Hơn nữa, trong 15% tất cả các phiên trò chuyện, mọi người đã sử dụng Bing để tạo nội dung mới. Việc ra mắt chatbot AI của Bing trên thiết bị di động cũng đã giúp thúc đẩy công cụ tìm kiếm này lên một mức độ phổ biến mới, dẫn đến số người dùng hoạt động hằng ngày tăng gấp 6 lần so với trước khi nó có sẵn.
Về cơ bản, thông qua việc tích hợp một chatbot AI vào Bing, Microsoft đã cung cấp cho công cụ tìm kiếm của mình vũ khí cần thiết để có thể cạnh tranh với Google - công ty cũng đã ra mắt chatbot AI riêng có tên Bard vào tháng trước nhưng gây thất vọng khi cung cấp các thông tin sai lệch ngay trong ngày đầu xuất hiện.