Hạ sốt cho trẻ F0 theo những cách này có thể khiến bệnh nặng thêm

26/03/2022 12:16

Nhiều phụ huynh xử trí sốt cho trẻ bằng kinh nghiệm truyền miệng như nhúng con vào nước lạnh hoặc nước ấm; dùng cồn hoặc rượu bôi lên vùng nách, bẹn của con; kết hợp 2 loại thuốc hạ sốt,…

Chia sẻ với PV, bác sĩ nhi khoa Hà Đình Bổng, thành viên Nhóm bác sĩ hướng dẫn điều trị bé F0 tại nhà cho biết, trong quá trình hướng dẫn, tư vấn cho gia đình các bệnh nhi Covid-19, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ xử trí sốt cho bé bằng kinh nghiệm truyền miệng như nhúng con vào nước lạnh; để bé ngâm mình trong nước ấm; dùng cồn hoặc rượu bôi lên vùng nách, bẹn của con; lau người bé bằng chanh,…

Đây đều là những cách hạ sốt sai lầm, có thể dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Nhúng cơ thể trẻ vào nước lạnh

Một số phụ huynh nghĩ khi bé sốt cao, nếu nhúng cả người con hoặc ngâm chân, ngâm tay vào chậu nước lạnh sẽ giúp hạ bớt nhiệt, nhanh khỏi hơn. Thậm chí, có trường hợp ngâm cả tay, chân bé vào chậu nước đá.

Bác sĩ Bổng phân tích, khi ngâm bé vào nước lạnh, da bé bị lạnh đột ngột làm mạch máu dưới da co lại, dòng máu tập trung vùng trung tâm và bị hạn chế chảy qua hệ mao mạch dưới da. Từ đó, cơ thể không tản nhiệt ra bên ngoài được, có thể khiến bé sốt cao hơn. Việc ngâm bé trong nước lạnh quá lâu cũng có thể làm biến dạng protein của cơ thể, nguy cơ tổn thương não.

Để bé ngâm trong nước ấm

Trái ngược với cách ngâm nước lạnh, một số phụ huynh khác lại cho bé ngâm mình trong nước ấm để hạ sốt.

Theo bác sĩ Bổng, ở một số bệnh viện nước ngoài như Mỹ, bác sĩ thường có thao tác cho bệnh nhi ngâm nước ấm để hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, những chậu nước này phải được kiểm soát nhiệt độ, giữ ấm liên tục, duy trì ở mức thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ từ 2-3 độ C (ví dụ trẻ đang sốt 39 độ C thì sẽ cho ngâm trong nước duy trì liên tục ở nhiệt độ 36-37 độ C).

Các bà mẹ khi tự thực hiện phương pháp này tại nhà cho con, việc đảm bảo chậu nước luôn duy trì ở mức nhiệt chuẩn là rất khó. Chúng ta không thể kiểm soát được nhiệt độ, nước sẽ nguội rất nhanh.

“Nếu nhiệt độ thấp quá sẽ gây rối loạn nhiệt bên trong cơ thể bé như đã nói. Còn nếu nhiệt độ quá cao, ví dụ trẻ sốt 39 độ C lại cho ngâm trong chậu nước 39,5 độ hay 40 độ tức là truyền thêm nhiệt vào cho con, trẻ sẽ càng sốt cao hơn. Ngâm bé trong nước nóng hoặc nước lạnh đều không nên”, bác sĩ Bổng nói.

Xoa cồn, rượu lên người con hoặc lau người bằng nước chanh, giấm

Quá trình tư vấn thực tế, bác sĩ Bổng thấy nhiều bà mẹ truyền tai nhau kinh nghiệm xoa cồn hoặc rượu lên nách, bẹn, tay chân con để mong hạ sốt. Bác sĩ cho biết, việc lau người bằng cồn hoặc rượu có thể giúp hạ nhiệt qua cơ chế bay hơi của cồn. Tuy nhiên, cồn bay hơi nhanh lại làm hạ nhiệt độ ngoài da nhanh. Hệ lụy là hệ mao mạch dưới da trẻ sẽ bị co lại, nhiệt độ cơ thể ứ lại vùng trung tâm (giống như ngâm trẻ vào nước lạnh), cuối cùng làm trẻ sốt cao hơn.

Một số phụ huynh khác chia sẻ kinh nghiệm lấy nước chanh, giấm thoa khắp cơ thể bé sẽ giúp hạ nhiệt. “Về cơ chế giúp giảm sốt, phương pháp này chưa được chứng minh rõ ràng, tuy nhiên hệ lụy cho sức khỏe thì có thể nhìn thấy trước mắt. Chanh và giấm đều mang tính axit, làn da của trẻ em lại nhạy cảm, non yếu. Khi thoa chanh, giấm lên da bé rất dễ gây tổn thương da, viêm da”, bác sĩ Bổng cho hay.

Mặc nhiều quần áo, quấn chăn, bật sưởi vì thấy con lạnh rét

Thấy con sốt rét, cha mẹ thường đắp thật nhiều lớp chăn cho con, cho mặc quần áo thật ấm, thậm chí bật đèn sưởi. Theo bác sĩ Bổng, cảm giác sốt rét là do trung khu điều nhiệt của cơ thể bị rối loạn. Bé có thể cảm thấy lạnh nhưng thực tế trong cơ thể lại đang bị nóng. Việc ủ ấm quá nhiều cũng tương tự khi ngâm con vào nước nóng, sẽ khiến nhiệt độ cơ thể trẻ tiếp tục tăng cao. Nhiệt độ càng cao, càng nguy hiểm cho sức khỏe trẻ, nguy cơ dẫn tới co giật.

Bác sĩ đưa ra lời khuyên, trong trường hợp bé sốt mà sờ tay, chân thấy lạnh, phụ huynh có thể ủ ấm phần đầu chân, đầu tay của trẻ, không nên ủ ấm toàn cơ thể.

Dùng paracetamol đường uống, đặt hậu môn cùng lúc hoặc chưa cách đủ 4h

Bác sĩ Hà Đình Bổng thông tin, paracetamol là hoạt chất có tác dụng hạ sốt. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được sản xuất từ hoạt chất này nhưng lấy tên khác nhau, dạng thành phẩm khác nhau như Hapacol (dạng viên), Efferalgan (dạng đặt hậu môn), các thuốc hạ sốt dạng siro uống,…

Khi mua thuốc hạ sốt, nhiều bà mẹ không biết thành phần của các loại này đều là paracetamol nên cho con dùng cùng lúc. “Có những phụ huynh thấy con uống thuốc hạ sốt dạng viên được 1, 2 tiếng rồi không đỡ nên tiếp tục lấy thuốc dạng khác, ví dụ Efferalgan để đặt hậu môn. Tuy nhiên, dùng đường uống và dùng đường hậu môn đều là vào cơ thể trẻ, đặt hậu môn cũng tương đương với một lần uống thuốc. Bản chất 2 thuốc này cùng hoạt chất là paracetamol”, bác sĩ nhấn mạnh.

Nhà sản xuất và Bộ Y tế khuyến cáo, chỉ dùng paracetamol lặp lại sau 4-6 tiếng, ngày không quá 4 lần. Như vậy, khi dùng 2 loại thuốc hạ sốt quá gần sẽ gây tăng liều, quá liều; nguy cơ dẫn tới tăng men gan, viêm gan, ngộ độc.

Xử trí sốt đúng cách cho trẻ thế nào?

Theo bác sĩ Hà Đình Bổng, khi trẻ sốt nhẹ, từ 37,5 độ C đến 38,5 độ C (hoặc 38 độ C nếu trẻ từng co giật), phụ huynh nên thực hiện 4 bước dưới đây.

1, Đặt trẻ nằm trong phòng kín gió.

2, Nới rộng quần áo, mở tã lót (dù trẻ cảm giác lạnh cũng tuyệt đối không đắp nhiều chăn, không mặc nhiều quần áo, không bật đèn sưởi).

3, Chườm ấm cho trẻ: Dùng khăn sạch nhúng vào chậu nước ấm từ 32-35 độ C, vắt bớt nước dư và lau người cho bé; tập trung lau vùng cổ, nách, bẹn,… Tuyệt đối không lau người bằng nước chanh, cồn, rượu. Không nhúng trực tiếp tay, chân hoặc toàn thân trẻ vào chậu nước.

4, Phòng rối loạn nước - điện giải cho bé: Trẻ dưới 6 tháng cần tăng số lần bú mẹ (hoặc vắt sữa, sau mỗi 15 phút có thể cho trẻ ăn vài thìa); trẻ lớn hơn có thể uống dung dịch Oresol, uống ít một và uống nhiều lần.

Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C (hoặc trên 38 độ nếu từng co giật) thì cần dùng thuốc hạ sốt ngay, kết hợp 4 bước như trên.

Tại hướng dẫn mới về quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 ban hành hôm 4/3, Bộ Y tế cho biết khi trẻ mắc Covid-19 có tình trạng sốt, cha mẹ có thể cho bé uống paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại. Lưu ý, tổng liều thuốc không vượt quá 60mg/kg/ngày.

Hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ, cụ thể như sau: bé dưới 1 tuổi dùng paracetamol 80mg, liều uống mỗi lần là 1 gói x 4 lần/ngày; bé từ 1 đến dưới 2 tuổi dùng paracetamol 150mg, liều 1 gói x 4 lần/ngày; bé từ 2 đến dưới 5 tuổi dùng paracetamol 250mg, liều uống 1 gói x 4 lần/ngày; trẻ từ 5 đến 12 tuổi dùng paracetamol 325mg, liều uống 1 viên x 4 lần/ngày; trẻ trên 12 tuổi dùng paracetamol 500mg, liều uống 1 viên x 4 lần/ngày.

Bộ Y tế nhấn mạnh, hướng dẫn liều lượng thuốc paracetamol cho trẻ em theo tuổi chỉ dùng khi không biết cân nặng của trẻ, tối ưu nhất vẫn là tính liều theo cân nặng.

Nguyễn Liên

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hạ sốt cho trẻ F0 theo những cách này có thể khiến bệnh nặng thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO