
- Giá vàng: Chốt tuần tăng mạnh, tiến sát 87 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới hôm 12/1 tiếp tục tăng, tiến sát mốc 2.700 USD/ounce, đạt mức cao nhất trong 4 tuần ngay cả khi đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng lên mức đỉnh nhiều năm. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng mạnh theo giá thế giới, kết thúc tuần sát mốc 87 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 86,6 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, thị trường vàng trong nước tăng 1,3 triệu đồng/lượng so kết tuần trước đó với 4 phiên tăng mạnh liên tiếp, lên sát mốc 87 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Cụ thể, tại thời điểm 15 giờ ngày 12/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 84,8-86,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua-bán tăng lên 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 chốt tuần mua vào 84,8 triệu đồng/lượng, bán ra 86,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 84,8 triệu đồng/lượng và bán ra 86,8 triệu đồng/lượng. Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 85,4-86,6 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ chốt tuần mua vào ở mức 85,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 86,8 triệu đồng/lượng.
Tính đến 15 giờ ngày 12/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 19,5 USD so kết phiên trước đó lên mức 2.690,3 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tuần trước đã chứng tỏ sức mạnh khi liên tiếp tăng lên gần mốc 2.700 USD/ounce và đạt mức cao nhất trong 4 tuần bất chấp đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu tăng lên mức đỉnh nhiều năm.
Dữ liệu thị trường lao động mạnh mẽ vào thứ sáu đã đẩy lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm lên 4,76%, mức cao nhất trong 16 tháng. Đồng thời, chỉ số USD-Index ở mức trên 109 điểm, mức cao nhất trong gần 3 năm. Bất chấp 2 yếu tố cản trở này, giá vàng vẫn “phăm phắm” tăng giá, kết thúc tuần với mức tăng gần 2%, hướng đến mốc 2.700 USD/ounce.
Hiện thị trường đang tập trung vào các chính sách mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện, và tác động của các chính sách đó đến nền kinh tế và mức độ lạm phát tại Hoa Kỳ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới và mức thuế mà ông Trump đề xuất có thể gây ra cuộc chiến tranh thương mại và lạm phát. Trong kịch bản này, vàng, tài sản được coi là hàng rào chống lạm phát, sẽ hoạt động tốt.
Lukman Otunuga, Giám đốc Phân tích thị trường tại FXTM lưu ý rằng, vàng đã tăng trưởng vượt trội trong cả tuần. Các nhà đầu tư dường như đang đổ xô vào vàng do lo ngại về thuế quan và lạm phát.
“Nhìn vào biểu đồ, giá đang chuyển sang xu hướng tăng với ngưỡng kháng cự quan trọng tiếp theo là 2.715 USD/ounce”, Lukman Otunuga.
Otunuga cho biết thêm rằng, vàng có thể nhạy cảm với dữ liệu lạm phát vào tuần tới, vì giá tiêu dùng cao hơn có thể gây thêm áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải giữ lãi suất ổn định trong năm 2025.
Theo các chuyên gia, bất ổn địa chính trị cùng với việc các ngân hàng Trung ương tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư khỏi đồng USD, mua vàng tích trữ cũng là nguyên nhân khiến giá vàng tăng và kim loại quý này tiếp tục khẳng định vị thế là một tài sản tài chính toàn cầu quan trọng.
Sáng 12/1, Chỉ số USD-Index tăng lên mức 109,65 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,762%; chứng khoán Mỹ lao dốc, Dow Jones “bốc hơi” gần 700 điểm; giá dầu thế giới tiếp tục tăng lên mức cao nhất 3 tháng, giao dịch ở mức 79,76 USD/thùng đối với dầu Brent và 76,57 USD/thùng với dầu WTI.
- Phó Tổng giám đốc Chứng khoán HBS muốn mua 4,3 triệu cổ phiếu
Ông Bế Công Sơn – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) vừa có đăng ký mua cổ phiếu HBS gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, ông Bế Công Sơn đăng ký mua mới 4,3 triệu cổ phiếu HBS, tương đương 13% vốn điều lệ Chứng khoán Hòa Bình. Trước giao dịch ông Sơn không sở hữu cổ phiếu HBS nào. Giao dịch sẽ được thực hiện từ ngày 14/1 đến 12/2/2025 bằng phương pháp khớp lệnh và thỏa thuận.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBS từng chứng kiến nhịp tăng mạnh vào tháng 8/2024, đẩy thị giá từ dưới 8.000 đồng/CP lên tiệm cận ngưỡng 11.000 đồng/CP (giá sau điều chỉnh) phiên 27/8.
HBS chủ yếu ở trong xu hướng giảm từ đó đến nay, đẩy thị giá về còn 6.000 đồng/CP chốt phiên 10/1. Tạm lấy đây làm giá giao dịch, ông Bế Công Sơn ước tính sẽ phải chi ra gần 26 tỷ đồng để mua về số cổ phiếu nói trên.
- Lộ diện 4 nhà đầu tư mua hơn 85 triệu cổ phiếu Ngân hàng BIDV
Trong trong số 5 nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu riêng lẻ có đến 4 nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 85 triệu cổ phiếu, còn lại 1 nhà đầu tư trong nước là Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước dự kiến mua gần 39 triệu cổ phiếu.
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) vừa thông qua triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ trên cơ sở đã được đại hội cổ đông thường niên 2024 thông qua.
Cụ thể, BIDV sẽ chào bán gần 123,85 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chiếm 1,8% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2024. Giá chào bán là 38.800 đồng/ cổ phiếu. Thời gian chào bán dự kiến là trong quý I/2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Số cổ phiếu chào bán riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Theo danh sách được BIDV công bố, trong số 5 nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu riêng lẻ có đến 4 nhà đầu tư nước ngoài, gồm: Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), Hanoi Investment Holding Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (DCDMS), Samsung Vietnam Secuirities Master Investment Trust (SSMIT). Đáng chú ý, cả 4 nhà đầu tư này đều là các thành viên thuộc quỹ Dragon Capital, dự kiến mua hơn 85 triệu cổ phiếu.
Chỉ có 1 nhà đầu tư trong nước duy nhất là Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với số lượng dự kiến mua là gần 39 triệu cổ phiếu.
Hiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) tại BIDV được xác định là 30%. Theo danh sách cổ đông chốt gần nhất ngày 24/12/2024, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại BIDV là 16,88%, riêng cổ đông chiến lược KEB Hana Bank đã nắm 15%.
Với số lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư nước ngoài là 85,2 triệu cổ phiếu, chiếm 1,21% trên tổng số hơn 7 tỷ cổ phiếu, sau khi chào bán, tỷ lệ này vẫn đáp ứng được quy định về room ngoại của BIDV.
Sau khi hoàn tất chào bán, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm hơn 1.238 tỷ đồng, từ hơn 68.975 tỷ đồng lên mức gần 70.214 tỷ đồng.

- Kiều hối về TP Hồ Chí Minh đạt gần 10 tỷ USD
Lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh cao kỷ lục, đạt gần 10 tỷ USD, cao gấp 3 lần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết kiều hối chuyển về của cả nước năm 2024 vào khoảng 16 tỉ USD, riêng tại TP Hồ Chí Minh ước khoảng 9,6 tỉ USD, tăng 140 triệu USD so với năm 2023.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, trong số kiều hối trên, kiều hối về TP Hồ Chí Minh thông qua các công ty kiều hối chiếm khoảng 74,2% tổng lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn, chuyển qua các tổ chức tín dụng chỉ đạt 25,8%.
Thống kê cho thấy kiều hối về TP Hồ Chí Minh từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất, lên đến 53,8% tổng lượng kiều hối chảy về địa bàn thành phố, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kiều hối chuyển về từ châu Đại Dương tăng 20%, châu Mỹ tăng 4,4% nhưng châu Âu giảm 19,1% so với cùng kỳ.
Theo ông Lệnh, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh luôn tăng trưởng qua các năm và chiếm tỉ trọng trên dưới 55% tổng lượng kiều hối của cả nước Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.
- Bitcoin có thể lập kỷ lục mới nhờ chính sách thân thiện với tiền điện tử của ông Trump
Bitcoin đang trên đà tăng mạnh và có thể phá vỡ mức giá kỷ lục mới trong quý I/2025, khi các chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho tiền điện tử.
Kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024, thị trường tiền số đã chứng kiến đà tăng trưởng đáng kể, với Bitcoin đạt mức cao nhất 107.780 USD vào tháng 12/2024. Hiện tại, Bitcoin đang giao dịch ở mức khoảng 94.282 USD, nhưng theo dự báo của các chuyên gia tiền điện tử thì giá có thể đạt 120.000 USD trong những tháng đầu năm 2025.
Động lực tăng giá của Bitcoin đến từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự tin tưởng ngày càng tăng của nhà đầu tư vào một chính sách tiền điện tử cởi mở hơn dưới thời chính quyền Trump. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết biến Mỹ thành "thủ đô tiền điện tử của thế giới", tạo động lực tâm lý tích cực cho thị trường. Theo phân tích của Bloomberg, tổng tài sản trong các quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin (ETF) đã đạt khoảng 113 tỷ USD vào tháng 12/2024, nhờ vào sự lạc quan của nhà đầu tư sau bầu cử.
Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy giá Bitcoin là quyết định của ông Trump trong việc bổ nhiệm Paul Atkins, một người ủng hộ tài sản kỹ thuật số, làm Chủ tịch mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào đầu tháng 12/2024. Ngay sau quyết định này, giá Bitcoin đã lần đầu tiên vượt 100.000 USD, phản ánh kỳ vọng của thị trường về các quy định thân thiện hơn đối với tiền điện tử.
Việc nới lỏng quy định cũng góp phần đáng kể vào đà tăng của Bitcoin. Năm 2024, thị trường tiền điện tử đã hưởng lợi từ việc SEC Mỹ chấp thuận các quỹ ETF Bitcoin giao ngay, cho phép giao dịch trên các sàn giao dịch truyền thống thay vì chỉ giới hạn trong các nền tảng tiền điện tử. Điều này giúp dòng vốn đổ vào các quỹ ETF Bitcoin tăng lên, tạo động lực cho giá trị của loại tài sản này.
Ngoài yếu tố chính sách, Bitcoin còn hưởng lợi từ yếu tố cung - cầu. Nguồn cung của Bitcoin bị giới hạn vĩnh viễn ở 21 triệu đồng Bitcoin, trong khi nhu cầu tiếp tục gia tăng. Điều này tạo ra áp lực tăng giá khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư và tổ chức tài chính quan tâm đến việc nắm giữ Bitcoin như một tài sản lưu trữ giá trị.
Trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ dự kiến sẽ có cách tiếp cận cởi mở hơn với tiền điện tử, giới phân tích nhận định Bitcoin có thể tiếp tục đạt những cột mốc mới trong thời gian tới. Nếu các chính sách hỗ trợ được triển khai một cách rõ ràng và ổn định, thị trường tiền điện tử có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, củng cố vị thế của Bitcoin trên thị trường tài chính toàn cầu.