Nhiều tỉnh phía Nam tăng tỉ lệ sốt xuất huyết nặng

ANH ĐÀO| 28/04/2022 16:50

Theo các chuyên gia, cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, dự báo năm 2022, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam.

hinh-sxh_224202217(1).png
Số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trong 16 tuần đầu năm 2022 tại TP.HCM - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Gia tăng số ca nặng

Theo Viện Pasteur TP.HCM, tình hình sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam tính đến tuần 16/2022 giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Một số tỉnh/TP nằm trong danh sách tăng nhanh tỉ lệ sốt xuất huyết nặng gồm: Khu vực Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang). Theo ước tính trong các tháng sắp tới dịch sốt xuất huyết có nguy cơ tăng cao tại TP.HCM.

Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh trong cộng đồng có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận.

Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được ghi nhận và thống kê. Tại TP.HCM, đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, nguyên nhân tử vong là bệnh nhân được phát hiện muộn và nhập viện trễ.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh đặc hữu của Thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam.

Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch thì dự báo năm 2022, bệnh Sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và Ngành Y tế Thành phố cần hành động ngay với mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

277670421_5191831927570247_8981481090305219973_n.jpeg
Hành động cần làm để phòng ngừa sốt xuất huyết - Ảnh: HCDC

Chưa có vắc xin phòng bệnh

Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết trong đó đặc biệt là trẻ em, bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa Hồi sức Nhiễm COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - cho biết sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến các bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi hay mắc COVID-19.

“Bên cạnh 90% các ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi thì 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu COVID-19”, bác sĩ Đỗ Châu Việt nói.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, sau khi bị muỗi đốt khoảng 1 – 2 tuần, người mắc bệnh có biểu hiện sốt. Bệnh diễn tiến theo 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn sốt: người bệnh sốt có thể nhẹ hoặc sốt cao, đáp ứng với thuốc hạ sốt kém khiến phụ huynh sẽ rất lo lắng. Sau 3 ngày sốt thì nhiệt độ sẽ giảm. Kèm theo có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau sau hốc mắt, có thể ửng đỏ dạ…

Giai đoạn nguy hiểm: sau 3 ngày sốt, nhiệt độ giảm dần. Một số trường hợp thấy khoẻ hơn, tuy nhiên, có 1 số trường hợp mặc dù giảm sốt nhưng mệt mỏi hơn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, và nôn sau ăn uống.

Nặng hơn nữa có biểu hiện chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu, tiêu phân có máu, tay chân lạnh, nổi bông, sốc và truỵ tim mạch. Giai đoạn hồi phục: từ ngày từ 6 trở đi, trẻ tỉnh táo hơn, ăn ngon miệng, thèm ăn, da nổi những mảng đỏ hồi phục, ngứa.

Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Với sự phát triển về xét nghiệm hiện nay có thể phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết ngay từ ngày đầu của bệnh.

Xét nghiệm NS1 Ag (phát hiện kháng nguyên của siêu vi trong máu bệnh nhân) có thể phát hiện nhiễm sốt xuất huyết từ ngày sốt đầu tiên. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phát hiện được bệnh bằng xét nghiệm này, có 1 số trường hợp mặc dù âm tính vẫn có thể bị mắc sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh đặc hữu xuất hiện theo mùa, rất quen thuộc với các tỉnh phía Nam. Bệnh do virus dengue gây ra với trung gian truyền bệnh là muỗi aedes. Virus dengue có 4 type là D1, D2, D3, D4, đều lưu hành tại Việt Nam.

Bác sĩ Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết để biết bệnh nhân mắc bệnh do type D1, D2, D3 hay D4 gây ra, phải thực hiện xét nghiệm PCR. Viện Pasteur TP.HCM vẫn triển khai định kỳ công tác trên để có cơ sở dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết hàng năm.

Như vậy, mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong đời. Bệnh chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng ngừa. Chính vì thế, người dân không nên chủ quan dù đã từng mắc bệnh trước đó.

Người dân làm gì để phòng ngừa?

Để ngăn ngừa sốt xuất huyết bùng phát thành dịch, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo mỗi người cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cụ thể như:

- Dành 10 đến 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

- Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tỉnh phía Nam tăng tỉ lệ sốt xuất huyết nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO