Nga tuyên bố đã hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: NY Times) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga tuyên bố hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 10/9, Điện Kremlin đã kêu gọi khởi động đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi "sớm nhất có thể".
Phát biểu với các phóng viên khi được hỏi bao lâu thì Đức có thể cấp phép để bắt đầu cung cấp khí đốt, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tất cả chúng tôi đều mong muốn điều này diễn ra càng sớm càng tốt".
Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller xác nhận đường ống này đã được hoàn tất xây dựng và sớm bơm khí đốt sang châu Âu cuối năm nay.
Đoạn ống cuối cùng của dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã được hạ xuống đáy biển Baltic trong tuần này. Khối lượng khí đốt cung cấp vào năm 2021 có thể lên tới đến 5,6 tỷ m3. (TASS)
Ukraine quyết chống lại dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 10/9, Ukraine tuyên bố sẽ "chống lại" dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi Moskva tuyên bố hoàn thành đường ống gây tranh cãi sẽ đi qua lãnh thổ nước này để chuyển khí đốt của Nga sang Đức.
Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Sergiy Nykyforov nói: "Ukraine sẽ chống lại dự án chính trị này, trước và sau khi nó hoàn thành, thậm chí ngay cả sau khi khí đốt được vận chuyển". (AFP)
Tổng thống Nga và Belarus hội đàm
Ngày 9/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko đã có cuộc hội đàm tại Điện Kremlin.
Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Putin cho biết, hai nước nhất trí tất cả 28 chương trình của Nhà nước Liên minh.
Ông Putin nêu rõ: "28 chương trình nhằm hài hòa luật pháp của Nga và Belarus trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, đảm bảo bình đẳng cho hoạt động của các thực thể kinh tế của hai nước, hình thành thị trường tài chính và năng lượng chung, một không gian vận tải chung cũng như xây dựng và thực hiện một chính sách công nghiệp và nông nghiệp chung".
Tổng thống Lukashenko nói ông mong đợi Hội đồng Nhà nước Liên minh Tối cao thông qua lần cuối 28 chương trình liên minh vào cuối tháng 10. (TASS)
Nga-Belarus khởi động cuộc tập trận Zapad-2021
Ngày 10/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, đội tàu thuộc Hạm đội Baltic đã lên đường thực hiện nhiệm vụ theo chương trình cuộc tập trận chung với Belarus, mang tên Zapad-2021.
Bộ trên xác nhận: “15 tàu các loại, cũng như đội tàu hậu cần của Hạm đội Baltic đã rời căn cứ đóng quân lên đường tới khu vực đã định trên Biển Baltic để thực hiện nhiệm vụ theo chương trình cuộc tập trận chiến lược chung Zapad-2021”.
Đội tàu sẽ thực hiện các nhiệm vụ như chống ngầm, phòng không và chống thủy lôi, cũng như tấn công các mục tiêu giả định trên biển và trên không bằng tên lửa và pháo.
Nhóm tàu hải quân gồm có "tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu hộ vệ, tàu tên lửa và chống ngầm cỡ nhỏ, ca nô quét thủy lôi và tuần tra, xuồng lặn, cũng như các loại tàu thuyền khác của đội tàu hỗ trợ".
Các hoạt động cụ thể của từng đơn vị tham gia tập trận diễn ra đồng thời tại 14 thao trường của cả hai nước. (Sputnik)
Tổng thống Ukraine: NATO không thể lớn mạnh nếu không có Kiev
Ngày 10/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này sẵn sàng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tin rằng liên minh này cũng cần Kiev.
Phát biểu tại sự kiện YES Brainstorming, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Quan điểm của tôi rất đơn giản: Chúng tôi sẵn sàng gia nhập NATO.
Những cải cách mà chúng tôi đang thực hiện trước hết cần thiết cho bản thân và nhân dân của chúng tôi, chứ không phải NATO, Liên minh châu Âu (EU) hay ai khác. Dường như NATO cần chúng tôi, dường như NATO sẽ không thể lớn mạnh nếu không có Ukraine”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Zelenskiy cũng cho rằng một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga là điều có thể xảy ra và ông muốn có một cuộc họp riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo ông, mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ đã trở nên tốt đẹp hơn song Kiev vẫn chưa nhìn thấy quan điểm rõ ràng của Washington về khả năng Kiev trở thành thành viên của NATO.
"Đúng là chúng tôi chưa thấy rõ lập trường trực tiếp nào của Mỹ về việc Ukraine gia nhập NATO", ông Zelensky nói, đồng thời khẳng định rằng Kiev có thể tin tưởng vào người Mỹ.
Tổng thống Ukraine bày tỏ tin tưởng: “Chúng tôi có thể dựa vào Mỹ, bởi vì quan hệ của chúng tôi giờ đã ở một cấp độ khác". (Reuters)
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc điện đàm, tìm cách tránh 'xung đột ngoài ý muốn'
Nhà Trắng cho biết, ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên sau 7 tháng, nhằm tìm cách đảm bảo 'sự cạnh tranh' giữa hai cường quốc này không biến thành 'xung đột'.
Trong cuộc điện đàm, thông điệp của ông Biden là Mỹ muốn đảm bảo rằng, "động lực vẫn mang tính cạnh tranh và chúng ta sẽ không có bất kỳ tình huống nào trong tương lai để khiến hai nước có nguy cơ rơi vào xung đột ngoài ý muốn".
Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình còn "thảo luận về trách nhiệm của cả hai nước trong việc đảm bảo tính cạnh tranh không trở thành xung đột".
Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 10/9 đưa tin, ông Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Biden rằng, các chính sách của Washington đối với Bắc Kinh đã gây ra "những khó khăn nghiêm trọng" và việc đưa quan hệ song phương trở lại đúng lộ trình là điều hết sức quan trọng "đối với vận mệnh của thế giới".
CCTV dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc nói: "Liệu Bắc Kinh và Washington có thể xử lý thỏa đáng các mối quan hệ song phương hay không... là yếu tố then chốt đối với tương lai và vận mệnh của thế giới. Và đó là câu hỏi của thế kỷ mà cả hai nước cần giải đáp".
Theo truyền thông Trung Quốc, cả hai bên đã nhất trí duy trì liên lạc thường xuyên. (AFP/Reuters)
Liên hợp quốc thất vọng với nội các mới do Taliban công bố
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Người đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về Afghanistan Deborah Lyons bày tỏ sự thất vọng về Nội các mới được công bố ở Afghanistan.
Bà Lyons cho biết: "Chúng ta nên giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan mà không cần chờ đợi các quyết định chính trị, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt". Đồng thời, bà mong đợi hội nghị Geneva ngày 13/9 sẽ được Tổng thư ký LHQ triệu tập để đáp ứng các yêu cầu kêu gọi nhân đạo ở Afghanistan.
Trong cuộc phỏng vấn với AFP hôm thứ Năm (9/9), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đề nghị cộng đồng quốc tế duy trì đối thoại với Taliban ở Afghanistan để tránh một "sự sụp đổ kinh tế" với khả năng hàng triệu người chết.
Nội các vừa được Taliban công bố ở Afghanistan không có phụ nữ, các quan chức của chính phủ tiền nhiệm, các nhóm thiểu số và những người thuộc các tầng lớp khác nhau trong cộng đồng. Cùng với đó, trong 33 thành viên Nội các lại có cả những người nằm trong "danh sách đen" của LHQ. (Khaama)
Philippines và Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp ở Biển Đông
Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington DC ngày 10/9, hai bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và việc tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 được ban hành theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Phát biểu trước truyền thông Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bao gồm quyền tự do hàng hải.
Cũng tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ lời cảm ơn trước quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thu hồi quyết định bãi bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). (Reuters)
Hé lộ thời gian tổ chức cuộc họp an ninh Nga - Mỹ - Israel
Ngoại trưởng Israel Yair Lapid cho biết cuộc gặp giữa các lãnh đạo hội đồng an ninh Nga, Mỹ và Israel có thể được tổ chức trong tháng 10 tới.
Phát biểu với Sputnik, Ngoại trưởng Lapid nói: “Chúng tôi đang cân nhắc điều này… Có thể có một cuộc gặp vào tháng tới. Về cơ bản, tất cả các bên liên quan tin rằng có một cơ chế tích cực cho các cuộc thảo luận. Tôi nghĩ sẽ có các cuộc gặp khác… trong tương lai gần”. Các nhà lãnh đạo hội đồng an ninh của Nga, Mỹ và Israel đã từng gặp nhau hồi tháng 6/2019 để thảo luận về tình hình Syria. (Sputnik)
Trung Quốc kêu gọi Australia ủng hộ tham gia CPTPP
Trung Quốc đang vận động Australia ủng hộ nước này tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong bản đệ trình mới đây về vấn đề trên lên Quốc hội Australia, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nền kinh tế hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn. Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Australia (CAFTA) được ký kết năm 2015 đã thúc đẩy mối quan hệ thương mại hai nước phát triển nhanh chóng, cùng các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc được đưa ra trong bố cảnh Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho rằng Canberra cần đa dạng hóa nền kinh tế để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, và cảnh báo các doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị cho những căng thẳng mới với Bắc Kinh. (THX)