Tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng quá liều vitamin B6

09/11/2022 19:38

Vitamin B6 rất cần thiết cho sức khỏe nhưng dùng quá nhiều có thể gây tổn thương thần kinh và nhạy cảm với ánh sáng.

Tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng quá liều vitamin B6-1
Thông thường, chúng ta sẽ gặp các tác dụng phụ nếu dùng 500-2000 mg vitamin B6 mỗi ngày trong nhiều tháng đến nhiều năm. Ảnh: Onlymyhealth.

Vitamin B6, còn được gọi là pyridoxine, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể. Bổ sung lượng vitamin B6 hợp lý thúc đẩy chức năng não và hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm buồn nôn trong thai kỳ.

Tuy nhiên, việc lạm dụng vitamin B6 có thể gây hại cho sức khỏe. Dùng quá nhiều vitamin này trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm tổn thương thần kinh.

Thông thường, chúng ta có thể nhận đủ vitamin B6 từ chế độ ăn uống nếu thường xuyên ăn các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, cá, rau giàu tinh bột và trái cây không thuộc thuộc họ cam quýt. Nhưng nếu bạn không nhận đủ vitamin B6 qua chế độ ăn uống, bạn có thể dùng thêm thực phẩm chức năng.

Lượng vitamin B6 chúng ta cần mỗi ngày

Lượng vitamin B6 được khuyến nghị mỗi ngày sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi:

- Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng cần 0,1-0,3 mg vitamin B6.

- Trẻ 1-8 tuổi cần 0,5-0,6 mg vitamin B6.

- Trẻ em và thanh thiếu niên 9-18 tuổi cần 1-1,2 mg vitamin B6.

- Người trong độ tuổi 19-50 cần 1,3 mg vitamin B6.

- Người lớn trên 50 tuổi cần 1,5-1,7 mg vitamin B6.

Tuy nhiên, Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng cho biết tiêu thụ đến 100 mg vitamin B6 mỗi ngày vẫn có thể an toàn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị liều lượng cao hơn một chút tùy theo nhu cầu sức khỏe.

Thông thường, chúng ta sẽ chỉ gặp các tác dụng phụ nếu dùng 500-2.000 mg vitamin B6 mỗi ngày trong từ nhiều tháng đến nhiều năm. Và điều đó thường chỉ xảy ra nếu chúng ta dùng thực phẩm bổ sung vitamin B6 vì nó chứa đủ chất dinh dưỡng để đạt liều lượng cao và gây ra tác dụng phụ.

Theo tiến sĩ Kelly Johnson-Arbor, chuyên gia độc chất học y tế, Giám đốc Y tế tại Trung tâm Chất độc Thủ đô Quốc gia (Mỹ), chỉ bổ sung vitamin B6 sẽ không khiến chúng ta vượt quá giới hạn hàng ngày. Vì nhiều loại vitamin tổng hợp và thực phẩm chức năng cũng chứa vitamin B6 nên chúng ta có thể vô tình bổ sung quá nhiều.

Do đó, nếu bạn đang dùng nhiều thực phẩm chức năng, hãy đảm bảo lượng vitamin B6 kết hợp vẫn dưới lượng giới hạn hàng ngày, 100 mg đối với người lớn và 30-80 mg đối với trẻ em (tùy thuộc vào độ tuổi).

Tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng quá liều vitamin B6-2
Hãy thận trọng khi dùng vitamin tổng hợp hay các loại thực phẩm chức năng khác chứa vitamin B6. Ảnh: Unilab.

Các triệu chứng thần kinh

Tiến sĩ Johnson-Arbor cho biết quá liều cấp tính và mạn tính đều có thể gây ra các vấn đề về thần kinh.

Thông thường, bạn có thể gặp tác dụng phụ này khi dùng ít nhất 1000 mg vitamin B6 mỗi ngày trong khoảng thời gian vài tháng đến vài năm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dùng khoảng 600 mg vitamin B6 mỗi ngày trong 3-10 năm cũng có thể gây tổn thương thần kinh và dẫn đến các triệu chứng thần kinh như yếu cơ, co giật cơ bắp, đau rát ở cánh tay và chân.

Tùy thuộc vào lượng vitamin B6 chúng ta dùng và thời gian dùng, một số tác dụng phụ có thể gặp phải như:

- Ngứa ran hoặc tê người: Cảm giác này thường bắt đầu ở đầu ngón chân và đầu ngón tay, dần dần di chuyển lên bàn chân và bàn tay. Nó có thể được mô tả như cảm giác châm chích hoặc như kim châm. Thông thường, đây là triệu chứng thần kinh đầu tiên bạn gặp phải.

- Giảm khả năng cảm nhận cơn đau hoặc nhiệt độ quá cao: Tổn thương dây thần kinh có thể khiến bạn ít nhạy cảm hơn với cơn đau và nhiệt độ. Việc mất cảm giác này có thể nguy hiểm vì chúng ta có nhiều khả năng bị bỏng, bị tê cóng hoặc không nhận thấy chấn thương.

- Mất điều hòa cảm giác: Sự mất kiểm soát và phối hợp cơ có thể gây ra các vấn đề về phối hợp bao gồm đi không vững, thăng bằng kém và khó khăn với các chuyển động cơ như viết hoặc đánh máy.

Các triệu chứng khác

Vài triệu chứng khác bạn có thể gặp khi dùng quá liều vitamin B6 như:

- Nhạy cảm với ánh sáng: Bổ sung vitamin B6 khoảng 200 mg mỗi ngày có thể tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Da của bạn có thể bị phồng rộp, bỏng hoặc phát ban sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn.

- Các tổn thương da gây đau và biến dạng: Theo một số báo cáo, dùng 2-4 g vitamin B6 hàng ngày trong hơn một năm có thể dẫn đến các tổn thương da nghiêm trọng.

- Ợ nóng và buồn nôn: Dùng hơn 250 mg vitamin B6 mỗi ngày có thể gây ra chứng ợ nóng hoặc buồn nôn.

Những xem xét an toàn khác

Một số loại thuốc có thể làm giảm nồng độ vitamin B6 trong máu, điều này làm tăng nguy cơ co giật. Những loại thuốc này bao gồm:

- Thuốc điều trị chứng động kinh như axit valproic, carbamazepine và phenytoin.

- Theophylline, loại thuốc điều trị các bệnh về phổi như hen suyễn và viêm phế quản.

- Cycloserine, thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh lao.

Bên cạnh đó, vitamin B6 cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc khác như altremine (thuốc hóa trị liệu), thuốc an thần hay levodopa (loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson).

FDA quy định vitamin và chất bổ sung là thực phẩm, không phải thuốc. Điều này có nghĩa là chúng không trải qua thử nghiệm về tính an toàn hoặc hiệu quả, ngay cả khi tương tác với thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ.

Trước khi chọn thực phẩm chức năng, tiến sĩ Mahmud Kara, bác sĩ y học chức năng, khuyên chúng ta nên kiểm tra những điều sau:

- Bảng thông tin bổ sung với các thành phần, số lượng và liều lượng khuyến nghị trên sản phẩm.

- Nghiên cứu sức khỏe được công bố về thực phẩm chức năng bạn định dùng.

- Chất dinh dưỡng nằm ở mức khuyến nghị theo hướng dẫn sức khỏe.

Bài liên quan
  • Vitamin B6 còn có tác dụng lợi tiểu
    Nhiều người biết vitamin B6 (pyridoxine) rất quan trọng cho sự phát triển của não, giúp cho hệ thống thần kinh và hệ miễn dịch khỏe mạnh, song không nhiều người biết loại vitamin này còn có tác dụng lợi tiểu.
  • 5 thức uống cơ bản giúp điều hòa nội tiết tố nữ
    Nội tiết tố nữ đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Sự sụt giảm nồng độ hormone trong thời kỳ mãn kinh có tác động lớn đến tâm trạng, sức khỏe. Một số bệnh phụ khoa cũng liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Sau đây là một số thức uống giúp điều hòa nội tiết tố nữ.
  • 5 loại trái cây cần tránh khi giảm cân
    Khi quan tâm đến việc giảm cân, chúng ta có xu hướng nghĩ đến trái cây như một loại thực phẩm ít calo và tốt cho sức khỏe, ăn nó vào bữa ăn nhẹ và thậm chí thay vì bữa tối. Tuy nhiên, điều này không đúng với mọi loại trái cây.
  • Nhịn ăn sáng để giảm cân dễ dẫn đến bệnh tiểu đường
    Bỏ bữa sáng có thể là yếu tố nguy cơ làm suy giảm chuyển hóa glucose, dẫn đến tiền tiểu đường. Do đó những người đang nhịn ăn sáng để giảm cân cần cân nhắc, tránh nguy cơ bệnh tiểu đường.
  • Axit uric cao có nên ăn măng, cải thảo, bí ngô không?
    Người có axit uric cao không nên ăn quá nhiều măng bởi có thể làm bệnh tiến triển nhanh, tăng nguy cơ mắc gout.
  • 4 lợi ích của chuối đỏ trong việc giảm mỡ nội tạng
    Chuối đỏ có sucrose và fructose, vì vậy, khi chín có vị ngọt như những quả chuối vàng thường thấy. Các chất chống oxy hóa chính có trong chuối đỏ là beta carotene và vitamin C, rất có lợi cho chúng ta. Nếu thường xuyên bổ sung chuối đỏ vào chế độ ăn uống có thể giúp ta giảm mỡ nội tạng.
  • 4 ảnh hưởng của nội tiết tố gây ra mỡ bụng
    Nếu bạn đã thử mọi cách, nhưng vẫn không thể giảm mỡ bụng, có thể do ảnh hưởng bởi nội tiết tố.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng quá liều vitamin B6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO