Dạy con bằng đòn roi: Cần lên án bạo lực với trẻ em?

An Nhiên| 30/12/2021 07:45

“Yêu cho roi cho cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”, dường như câu cửa miệng này đã trở thành văn hóa dạy con ăn sâu vào tiềm thức của nhiều cha mẹ Việt, được truyền từ đời này sang đời khác.

Nhưng còn cần bao nhiêu vụ trẻ em bị bạo hành nữa, ý thức dạy dỗ con cái của chúng ta mới thay đổi? Cần bao nhiêu vụ đau lòng xảy ra nữa, người lớn mới thật sự biết yêu thương đúng cách con trẻ?

Vụ bé gái mới 8 tuổi tại TP HCM bị bạo hành với nhiều vết bầm dập trên người đã gây nên sự phẫn nộ của đám đông. Nhưng sẽ có rất nhiều người giật mình nhìn lại, liệu nay chúng ta có đánh đồng giữa việc dạy con bằng đòn roi là chuyện không liên quan đến bạo hành con trẻ?

Và không ít người vẫn giữ quan điểm dạy con bằng roi là chuyện bình thường. Bởi ông bà ta từ xưa đến nay vẫn nhắc nhở “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên cứ đánh đập con trẻ là yêu thương, là cho chúng nên người?

maca.jpg
Sử dụng bạo lực với con trẻ, đó không phải tình yêu

Đây thật sự là cốt lõi của vấn đề khiến cho tình trạng bạo lực trẻ em ở Việt Nam cứ diễn ra dai dẳng và chưa có lối ra với hậu quả là bao câu chuyện nhói lòng không ít lần làm rúng động dư luận xã hội.

Tất nhiên, khái niệm “yêu thương bằng đòn roi” ấy sẽ không gây ra chết người, không gây thương tích về mặt thể xác. Sẽ không ai gọi đó là bạo hành cả, nhưng hệ quả nó thế nào, chắc hẳn người lớn cũng không tưởng tượng được.

Và với suy nghĩ ấy của người lớn, chắc họ cũng đang nghĩ bố và mẹ kế của bé V.A. đang “dạy con”. Thế nên, dù nghe tiếng khóc, tiếng mắng chửi, quát tháo nhưng không ai can thiệp bởi lẽ “trẻ con bị mắng mới ngoan, nghe lời”.

Nhưng nếu khái niệm bạo hành với “yêu cho roi cho vọt” không bị lấp lửng kiểu vậy, liệu người ta có đủ trách nhiệm để can thiệp, để lên tiếng giúp đứa trẻ đáng thương không có khả năng tự bảo vệ bản thân?

Không ngạc nhiên khi sau vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành, nhiều người trưởng thành thừa nhận lúc nhỏ họ từng bị bạo hành, bị thao túng tinh thần từ người lớn. Trong hành trình khôn lớn, họ mới dần nhận ra bản thân cũng vô tình mặc định lối suy nghĩ đó vào các mối quan hệ và tất cả đều tan vỡ mặc cho họ không cố tình làm như vậy.

Để rồi sau tất cả, những con người lớn lên với một tâm lý ấy, chấp nhận sửa đổi con người cũ để trở thành một phiên bản tự do, không còn dung nạp định kiến từ bậc cha mẹ nữa.

treemb.jpg
Nên phản đối dạy con bằng bạo lực

Nhưng không mấy ai đủ dũng cảm, đủ bản lĩnh để bắt đầu lại. Bạn cũng không ngạc nhiên khi có không ít người tỏ ra tự hào kể về việc họ từng bị bố mẹ đánh “no đòn”. Và đau lòng hơn, họ vô tư áp dụng cách dạy con của cha mẹ vào những đứa trẻ của chính mình. Họ mặc nhiên nghĩ rằng đó là cách dạy đúng, hiệu quả để con cái nên người.

Đây mới thật sự là điều đáng sợ, khi chúng ta sống quá lâu với những điều sai trái đã mặc định nó là đúng đắn. Chúng ta cũng không nhận ra thế hệ sau thiệt thòi thế nào khi đi vào vết xe đổ của bố mẹ.

Bao nhiêu trong số đó lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của con cái họ? Chúng ta thường cho mọi người thấy một bộ mặt tốt đẹp của gia đình, con cái ngoan ngoãn, học giỏi và lễ phép. Nhưng bên trong của những đứa trẻ tưởng chừng rất “bình thường” ấy, liệu không có con sóng nào đang nhấp nhô chờ chực trào?

Những đòn roi của bố mẹ (không nhiều) không làm con trẻ bị đau lâu, những vết bầm cũng sẽ dần tan theo thời gian. Nhưng mỗi đòn roi vung xuống cơ thể của trẻ em mang theo cả sự nhục nhã, tổn thương, căm ghét và uất hận.

treem(1).jpg
Người lớn cần thay đổi cách dạy con

Mỗi khi dùng đòn roi với trẻ con, cha mẹ thường vin vào cớ mai mốt chúng lớn khôn, nên người rồi sẽ hiểu vì sao họ lại làm vậy. Vì yêu con, vì muốn tốt cho con nên mới đánh con. Ai cũng sẽ nói điều này khi được hỏi.

Tất nhiên, đến một độ tuổi nào đó, con cái chúng ta rồi cũng sẽ hiểu vì sao cha mẹ lại làm như vậy. Chúng sẽ thông cảm cho văn hóa dạy con của bố mẹ, bị giới hạn trong tư tưởng còn rất nặng về sự lạc hậu.

Nhưng còn những tổn thương của đứa trẻ này thì sao? Mãi mãi vẫn còn đó, không có cách nào xóa nhòa. Và khi phụ huynh nhận ra điều đó, liệu có muộn màng quá không? Bởi chúng ta không chắc được rằng cần bao nhiêu yêu thương mới bù đắp cho những nỗi đau mà dù không cố ý (hiểu biết), người lớn đã gây nên với chính máu thịt của mình.

Bạn cũng đừng quên, trong thế giới mở của hiện tại, trẻ em có đủ điều kiện, thông tin và chúng biết rằng đánh đập không phải là cách duy nhất dạy con. Nếu chúng ta cứ tiếp tục làm thế, bạn có chắc con cái sẽ không oán trách?

Bây giờ, đừng để muộn hơn nữa, chúng ta đừng nhập nhằng giữa việc đánh con bằng đòn roi là yêu thương, không phải là bạo hành. Đã dùng đến đòn roi, đó là bạo lực, là hành vi bạo hành con trẻ.

Phụ huynh còn nhiều cách khác, sao chúng ta không thử yêu thương hay dạy dỗ con trẻ bằng những phương thức văn minh, thay vì bạo lực? Và có phải, những khái niệm xưa cũ ấy của người lớn mới gây nên những cái đau đớn cả thể xác và tâm hồn cho trẻ ?

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dạy con bằng đòn roi: Cần lên án bạo lực với trẻ em?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO