Luật sư: Đưa người sang Campuchia làm việc cho các đường dây lừa đảo là hành vi buôn bán người

17/07/2022 14:15

Luật sư cho rằng, Duy không chỉ phạm tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép mà còn phải bị xử lý về hành vi buôn bán người, vì đối tượng đã lừa nhiều người khác và thực hiện hành vi giao dịch bằng tiền.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trương Công Duy (SN 1992, trú xã Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi ''Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép'' và đã chuyển thông tin tội phạm đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam điều tra theo thẩm quyền.

Theo cơ quan công an, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) phát hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều người được giới thiệu, tổ chức nhập cảnh trái phép sang Campuchia làm việc.

Tại Campuchia, họ bị bóc lột, đánh đập, khi có nhu cầu về nước thì phải đóng tiền chuộc người mới được công ty cho về nước. Qua thời gian tích cực điều tra, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an huyện Quế Sơn đã bắt khẩn cấp đối tượng Trương Công Duy (SN 1992, trú xã Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Qua điều tra xác định, đầu tháng 4/2022, Duy rủ rê 2 thanh niên cùng địa phương sang Campuchia làm việc cho công ty của một người tên Nguyễn Thị Hiền (SN 1989), hiện cư trú tại Campuchia với mức lương mỗi tháng 20 triệu đồng và tiền hoa hồng. Sau khi được 2 thanh niên đồng ý, Duy liên hệ với Hiền và được Hiền chuyển về số tiền trên để tổ chức cho 2 người này sang Campuchia.

Duy và 2 thanh niên vào được địa phận Camphuchia thì được đón về công ty của Hiền. Duy được trả số tiền 10 triệu đồng tiền công giới thiệu, đưa người sang Campuchia còn 2 thanh niên được đưa vào khu nhà công ty. Với thỏa thuận cùng Hiền, giới thiệu đưa một người sang Campuchia, Duy được Hiền trả 5 triệu đồng nên tiếp tục lừa phỉnh đưa thêm 5 người khác sang Campuchia.

Luật sư: Đưa người sang Campuchia làm việc cho các đường dây lừa đảo là hành vi buôn bán người
Đối tượng Trương Công Duy làm việc với cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Duy khai nhận: "Nguyễn Thị Hiền hứa là khi giới thiệu, đưa được một người sang Campuchia, thì tôi được trả 5 triệu đồng, do đó tôi đã dùng mạng xã hội đăng thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 800 USD/tháng.

Sau khi đăng bài, có thêm 5 người đồng ý và được đưa sang Campuchia. Tổng cộng tôi đã tổ chức đưa và giới thiệu 7 người sang Campuchia và nhận được 35 triệu đồng từ Hiền".

Một trong số nạn nhân tin lời Duy, được đưa sang Campuchia cho biết, tại Campuchia, người này làm việc cho công ty có chủ là người Trung Quốc và được giao công việc thực hiện những chiêu trò lừa đảo những người Việt Nam đến các sòng casino chơi; hoặc sử dụng mạng viễn thông, máy tính nhắn tin, điện thoại về Việt Nam để lừa đảo những người ở Việt Nam như: nhắn tin trúng thưởng, tham gia sàn chứng khoán. Anh ta bị ép làm việc 12 giờ mỗi ngày và sẽ bị phạt nếu không đủ doanh số.

Công ty của người Trung Quốc có canh gác, bảo vệ cẩn mật, khi vào làm không cho ra ngoài, công ty trả tiền lương chỉ đủ để chi tiêu, không nhiều tiền như Duy đã quảng cáo. Muốn về nước thì phía công ty yêu cầu nộp số tiền 3.000 USD mới cho về. Sau khi nộp đủ số tiền cho công ty, nạn nhân được thả về nước tại khu vực biên giới Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Luật sư: Đưa người sang Campuchia làm việc cho các đường dây lừa đảo là hành vi buôn bán người
Nhiều người bị dũ dỗ sang Campuchia làm việc lương cao nhưng thực tế chỉ là chiêu trò lừa đảo. (Ảnh: Sơn Tùng)

Trao đổi với PV Infonet, luật sư Đỗ Thanh Hưng – Văn phòng luật sư Trung Hòa (Hà Nội) phân tích: “Trong trường hợp trên, đối tượng Trương Công Duy đã bị bắt khẩn cấp về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, mức phạt tù có thể được áp dụng cho người phạm tội này có thể từ 1 - 5 năm, mức phạt tù cao nhất có thể được áp dụng lên tới 15 năm nếu thực hiện hành vi vi phạm đối với 11 người trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc làm chết người.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm".

Luật sư Đỗ Thành Hưng nhận định: "Hành vi của Trương Công Duy có thể khẳng định là hành vi buôn bán người, vì kẻ này lừa người khác và thực hiện hành vi giao dịch bằng tiền.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 150 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác nhằm thực hiện các hành vi như chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này thì có thể bị phạt tù từ 5 - 10 năm.

Mức phạt tù có thể từ 8 - 20 năm nếu thuộc các trường hợp tại khoản 2, khoản 3 Điều 150. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản''.

Qua vụ việc này, luật sư Đỗ Thành Hưng khuyến cáo: “Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang bước vào trạng thái bình thường mới sau đại dịch, nhu cầu việc làm và quay lại thị trường lao động của người dân là khá lớn.

Dựa vào tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng, tranh thủ kiếm lại nguồn thu nhập trước đây bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các nhóm đối tượng xấu thường dùng những lời lẽ ngọt ngào, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin đi theo chúng tới một tương lai xán lạn như chúng đã hứa hẹn.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, tự trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết để có thể chủ động trong việc phòng, tránh và bảo vệ bản thân, nên đến những cơ sở giao dịch việc làm uy tín để tìm kiếm cơ hội việc làm, hạn chế tìm kiếm việc làm thông qua môi giới hoặc trên mạng xã hội.

Không thể phủ nhận được sự phát triển của mạng xã hội đã giúp rất nhiều người có thể tiếp cận những cơ hội việc làm tốt, nhưng đây vốn là môi trường “vàng thau lẫn lộn” nên người dân cần cẩn trọng khi tìm kiếm việc làm trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như không nên dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ,… Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần sửa đổi, bổ sung thêm những điều khoản, quy định về vấn đề này".

Sông Yên

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Luật sư: Đưa người sang Campuchia làm việc cho các đường dây lừa đảo là hành vi buôn bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO