Đội bóng đá nữ chân đất ở trại tị nạn lớn nhất châu Phi

Bình An| 09/02/2022 17:39

Trong làn bụi mù mịt, lởm chởm đất đá, cùng những đôi giày rách và quần áo của đàn ông, các cô gái gốc Nigeria ở Minawao quần thảo với quả bóng, để quên đi quá khứ hãi hùng.

Chơi bóng đá để quên đi buồn đau

Minawao nằm ở phía Bắc Cameroon, cách biên giới Nigeria hơn 20km, là một trong những trại tị nạn lớn nhất châu Phi. Dải đất này bắt đầu đông đúc từ năm 2013 khi nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram tăng cường tấn công ồ ạt và giết hại người ở Đông Bắc Nigeria.

Từ 2009 đến nay đã có hơn 36.000 người thiệt mạng và hai triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn. Đa phần chạy về phía Nam, vào địa phận Cameroon và Minawao hình thành. Ban đầu, Cao ủy tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) tính toán cho khoảng 40.000 dân nhưng bây giờ dân số Minawao là hơn 70.000 người.

football-1.jpg
Không có giày, Lucy Bitrus và các bạn đá bóng bằng dép.

Saratu Yakubu 19 tuổi, đến Minawao lúc lên 9 tuổi khi ngôi làng Barawa của cô ở bang Borno bị Boko Haram tấn công. Cả gia đình trốn nhiều ngày trong hang trước khi được UNHCR tìm thấy và di tản đến đây. Saratu giờ đã là thiếu nữ. Ở trại, cô là thành viên của một đội bóng đá nữ, môn thể thao có thể giúp họ lấy lại chút năng lượng và niềm vui sống sau những ngày hãi hùng.

"Bọn con trai không chịu đá chung, chúng tôi thành lập một đội nữ đá với nhau. Chúng tôi mặc quần áo của nam và những đôi giày rách. Nhưng chẳng sao cả, rất vui”, Saratu nói.

Đội bóng không có tên, gồm 20 cô gái từ 15 đến 19 tuổi, tập luyện 5 buổi một tuần trên khu đất bằng phẳng và khô ráo phía trước trung tâm thanh thiếu niên của trại.

HLV của đội là Modu, một thanh niên 35 tuổi nghiêm khắc nhưng giàu tình cảm. Trước khi đến Minawao, Modu là giáo viên thể chất của một trường trung học trong làng. Boko Haram xuất hiện sau một đêm và hai ngày sau anh biết mình còn sống. Nhưng không biết bằng cách nào mình và gia đình lại ở bên kia biên giới.

Modu hướng dẫn các cầu thủ khởi động và thả lỏng cơ trước khi bắt đầu các bài tập qua người. “Nếu cô gái nào muốn đá bóng, cứ đến gặp tôi và tập luyện cùng. Thiết bị là một vấn đề, chúng tôi thường bị thương vì các cô gái không có giày phù hợp, nhiều khi còn chảy máu. Họ vẫn bảo tôi phải kiếm nhiều áo và giày hơn nhưng giờ kiếm đâu ra”, Modu than thở.

doi-pho-fayiza-ben-phai-da-qua-bong.jpg
Đội phó Fayiza (bên phải) mơ ước trở thành một nhà báo.

Một khoản quyên góp gần đây của Chính phủ Đức tài trợ được gửi đến. Nhưng chỉ có áo và bóng cho con trai, nữ chẳng có gì. Những thiếu thốn căn bản của một đội bóng không khiến Modu và học trò mất vui với quả bóng.

Đội trưởng Lucy Bitrus, một cô gái 18 tuổi, nhà ở sát sân bóng nên kiêm luôn nhiệm vụ giữ bóng, còn đội phó là Fayiza. Thỉnh thoảng Modu có thể đưa cả đội đi thi đấu giao hữu ngoài trại. Hai tháng trước, đội bóng của trại Minawao đã đi nhờ một chuyến xe nhân đạo đến Mokolo cách đó 15 dặm để thi đấu một giải giao hữu với cộng đồng tị nạn khác. “Chúng tôi thắng hết các trận và giành cúp cùng giải thưởng. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đó”, đội phó Fayiza hào hứng kể.

4032.jpg
HLV Modu hướng dẫn các cầu thủ khởi động trên nền đất lởm chởm đá.

Hầu hết thành viên đội vừa đi học vừa cùng gia đình kiếm sống. Lucy nhận may may “Chechias”, loại mũ truyền thống của đàn ông trong vùng, bán 10.000 CFA franc (15 euro) mỗi chiếc và nuôi ước mơ thành bác sĩ, còn Fayiza muốn thành nhà báo.

Như ước mơ chung của mọi người tại Minawao, cả hai đều mong ngày nào đó trở về Nigeria. Còn hiện tại, quả bóng và sân bóng đầy bụi mù là niềm vui sống. “Chúng đá bóng với bạn bè để thư giãn đầu óc, để quên đi những gì đã xảy ra trong quá khứ hãi hùng”, Lucy Bitrus nói:

Nhìn về tương lai, không quay đầu nhớ quá khứ

Luka Isaac, Chủ tịch hội người tị nạn tại đây cho biết chỉ 25% người dân có sinh kế ổn định. Đa số họ là nông dân đang cần Chính phủ Cameroon hỗ trợ thêm quỹ đất để trồng trọt. Vị lãnh đạo này kể rằng cả đội bóng đá nữ đã chọn Ahmed Musa, cựu cầu thủ của Leicester, là thần tượng, hệt như ở Nigeria. Những hình mẫu đồng hương thành công có sức vỗ về lớn với phụ nữ trẻ ở Minawai và bóng đá ở đây giúp nuôi dưỡng khát vọng tốt đẹp. “Bạn nên nghĩ về tương lai chứ không phải quay lại tưởng nhớ quá khứ”, Luka phân trần.

60455620_403.jpeg
24 cô gái tại trại Minawao trên khán đài sân Garoua cổ vũ cho Nigeria trong trận thắng Sudan 3-1.

Một buổi sáng, những người đại diện ở trại thông báo, UNHCR có sáng kiến tổ chức cho các cô gái đến xem trận đấu giữa Nigeria và Sudan ở giải vô địch châu Phi (AFCON) đang tổ chức tại Cameroon. Cả Modu và Luka Issaac cũng đi cùng.

Đối với nhiều người trẻ tuổi trên khắp thế giới, đến sân vận động cuối tuần để giải trí là quá bình thường. Nhưng với 24 cô gái trong đoàn của Lucy, xem trực tiếp đội tuyển quê hương tại sân không khác gì cuộc phiêu lưu thần tiên trong đời. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có thể nhìn thấy những cầu thủ này trong suốt cuộc đời mình. Lần đầu tiên tôi được đến sân vận động, đó là khoảnh khắc siêu thực với tất cả. Nó không hề được lên kế hoạch hay cả trong mong đợi” Fayiza thốt lên.

football-22.jpg
Sau chiến thắng, tất cả được xuống sân chụp hình chung với Liên đoàn bóng đá châu Phi.

Chỉ với 120 dặm (200 km) từ trại đến Garoua, họ phải đi bằng xe buýt từ đêm thứ Sáu và qua đêm trong một khách sạn, một trải nghiệm hoàn toàn lạ lẫm. Ở ngay lối vào, tất cả tò mò nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong kính cửa khách sạn.

Kết quả Nigeria thắng 3-1. Với áo thun đồng phục và một lá cờ nhỏ, cứ mỗi bàn thắng các cô gái ở Minawao nhảy múa hò hét thống thiết. Kết thúc trận đấu tất cả cùng được xuống sân, chụp ảnh lưu niệm với các quan chức của Liên đoàn bóng đá châu Phi.

60457421_403.jpg
Các cô gái tại Minawao có thể không thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng bóng đá đã trở thành niềm vui sống.

Ngày hôm sau, các cô gái quay trở lại trại, được chào đón như những nữ anh hùng và kể say sưa cho bọn trẻ ở làng về những gì bọn chúng mới xem trên truyền hình.

Các cô gái nhận ra rằng mình cũng có thể mơ ước. Hầu hết đến Minawao lúc còn nhỏ và lần đầu tiên họ rời trại đi xa như thế. Những cô gái ở trại Minawao có thể không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng bóng đá đã cho Lucy và những người bạn của cô niềm vui sống để hướng về tương lai.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đội bóng đá nữ chân đất ở trại tị nạn lớn nhất châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO