3 kịch bản đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ Giao thông vận tải đã trình lên Chính phủ đề án về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo đó Bộ đang xin ý kiến về 3 kịch bản.
Kịch bản 1 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn.
Tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD.
Ưu điểm của phương án này, theo Bộ GTVT, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, tạo cân bằng giữa các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam; hình thành tuyến đường sắt khai thác riêng vận tải hành khách và hàng hóa; rút ngắn thời gian vận chuyển hành khách; chi phí đầu tư và vận hành thấp.
Nhược điểm là chỉ có thể kết nối vận tải hàng hóa bằng khổ đường 1.000mm trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt mới đều định hướng xây dựng theo khổ tiêu chuẩn 1.435mm nên phải trung chuyển hàng hóa tại các ga đầu mối, không thuận lợi cho vận tải hàng hóa.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/h, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h.
Ưu điểm của phương án này là thuận lợi vận tải hàng hóa trên trục Bắc - Nam, kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt khác bằng khổ 1.435mm.
Nhược điểm là tính hấp dẫn về hành khách không cao, chi phí đầu tư, vận hành bảo dưỡng lớn; thời gian vận chuyển hành khách lâu hơn.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu.
Tổng vốn đầu tư dự án gần 69 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 72 tỷ USD.
Theo Bộ GTVT, với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 ga hàng, 4 đề pô,...
Ưu tiên chở khách hay chở hàng?
Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình ủng hộ kịch bản 1. Theo ông Bình, ngoài các thành phố lớn, người dân tại các đô thị nhỏ dọc tuyến Bắc - Nam đều phải di chuyển bằng đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn.
"Nếu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng sẽ chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ. Hơn nữa, di chuyển bằng đường sắt mức độ an toàn rất cao", ông Bình khẳng định.
Theo ông Phan Lê Bình, đường sắt cao tốc nên thiết kế 350 km/h. Bởi chi phí xây dựng đường sắt tốc độ 350 km/h chỉ cao hơn đường sắt tốc độ 150-200 km/h khoảng 15-20%. Trong khi thời gian di chuyển tiết kiệm hơn sẽ thu hút khách hàng hơn nếu so với hàng không, nhất là với những chặng đường dài.
Về kịch bản kết hợp chở khách và chở hàng, vị chuyên gia này nhận định, nếu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết hợp cả chở hàng sẽ lãng phí tuyến đường sắt hiện tại. Đường sắt hiện tại có thể cải tạo để thành tuyến chở hàng chuyên dụng, tận dụng mặt bằng và hạ tầng hiện có.
"Việc chạy chung tàu khách với tàu hàng sẽ cản trở lớn tới khai thác dung lượng chở khách của tuyến đường sắt đó. Vì đường sắt khác đường bộ, các tàu muốn vượt nhau phải có không gian nhất định, nếu không chỉ có thể chạy một tàu trên tuyến. Nếu có tàu chở hàng chạy chậm sẽ gây cản trở toàn tuyến", ông Bình nhận định.
Hơn nữa, theo ông Bình, muốn chạy tàu chở hàng thì thiết kế toàn tuyến phải thay đổi, sẽ ảnh hưởng mạnh tới chi phí đầu tư.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, địa hình đất nước trải dài từ Bắc vào Nam đi qua nhiều tỉnh nên rất thuận lợi cho việc xây dựng tuyến đường sắt. Nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng cao nên cần sớm lựa chọn phương án để xây dựng.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm, vận chuyển khoảng 133 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển ở châu Âu, Trung Quốc để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.