Khoảng 23h22 ngày 12/9, lực lượng chức năng nhận tin báo cháy tại nhà dân ở ngõ 29/70, phố Khương Hạ. Nơi xảy ra cháy là căn nhà 9 tầng, một tum, có nhiều người mắc kẹt bên trong.
Công an TP đã điều động Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông và Đội chữa cháy học tập thuộc Trường Đại học PCCC cùng 15 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ cảnh sát khẩn trương tới hiện trường phối hợp chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Đến 0h15 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, các lực lượng đã giải cứu hơn 100 người bị mắc kẹt. Theo Công an Hà Nội cho biết, đến chiều 13-9, cơ quan chức năng xác định số người tử vong trong vụ cháy lên đến 56 người. Đặc biệt trong đó có nhiều trẻ em.
Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm nhất khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Đặc biệt, mùa hè chính là thời điểm mà các vụ hỏa hoạn thường xuyên xảy ra nhất. Do đó, cha mẹ càng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết liên quan đến vấn đề phòng chống cháy nổ.
3 kỹ năng phòng chống cháy nổ, trước khi hỏa hoạn xảy ra
1. Khi phát hiện thấy khói, tia lửa, mùi khét
Cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng ngay khi phát hiện thấy khói, tia lửa, mùi khét cần tắt cầu dao trong nhà để tránh trường hợp bị chập hỏng tất cả mạch điện trong nhà và lây lan sang các vật dụng khác đang cắm điện cũng bị nổ.
Trường hợp trẻ còn quá nhỏ, cha mẹ hãy dạy trẻ báo cho người lớn biết khi phát hiện thấy khói.
Khoảng 23h22 ngày 12/9, lực lượng chức năng nhận tin báo cháy tại nhà dân ở ngõ 29/70, phố Khương Hạ.
2. Ghi nhớ và hiểu các chỉ dẫn thoát hiểm khi có cháy
Cha mẹ cần dạy trẻ cách ghi nhớ và hiểu các chỉ dẫn thoát hiểm khi có cháy. Nếu gia đình ở chung cư, hãy dạy trẻ di chuyển từ cửa căn hộ theo hành lang đến cầu thang bộ hay cửa vào buồng thang bộ gần nhất (có chữ EXIT - LỐI THOÁT). Nếu quan sát không có khói, hãy chạy xuống dưới mặt đất. Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ cách sử dụng chuông báo cháy khi phát hiện có khói, lửa, mùi khét.
3. Nhận biết, sử dụng an toàn điện và các vật liệu dễ có nguy cơ cháy nổ
Cha mẹ hãy dạy trẻ từ khi còn nhỏ nhận biết các vật liệu, đồ dùng dễ có nguy cơ cháy nổ như: Bật lửa, bếp gas, công tắc, ổ điện, dây điện, nến, diêm,… và trên hết là tuyệt đối không được chơi ở nơi nguy hiểm, sau đó hãy giải thích cặn kẽ để trẻ hiểu.
Và cuối cùng, cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng sử dụng an toàn, bật công tắc điện đúng cách, cắm hoàn chỉnh ổ cắm, không sử dụng tay ướt chạm vào thiết bị điện, tránh xa các thiết bị điện khi đang tắm, rửa tay,… Cha mẹ cần chú trọng vào giáo dục và hướng dẫn trẻ nhận biết, hiểu và thực hành các quy tắc an toàn cơ bản để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Trẻ cần làm gì khi hỏa hoạn xảy ra?
1. Báo cho người lớn khi phát hiện có cháy
Điều đầu tiên cha mẹ cần dạy trẻ khi phát hiện có đám cháy cần báo ngay cho người lớn biết. Trẻ còn quá nhỏ để có thể tự mình xử lý đám cháy, hay nhận biết nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn.
Đồng thời, trẻ cần được dạy rằng khi đám cháy xảy ra, cần phải bình tĩnh xử lý tình huống, tránh quá hoảng sợ, lo lắng. Cùng với nhà trường, cha mẹ nên thường xuyên luyện tập cho trẻ khả năng xử lý vấn đề. Hãy dạy cho trẻ biết báo cho người lớn giúp đỡ để xử lý đám cháy càng sớm càng tốt.
2. Cách thoát khỏi đám cháy
Cha mẹ cần dạy trẻ cách thoát ra khỏi khu vực có đám cháy càng sớm càng tốt. Vì không khí xung quanh đám cháy rất độc hại, nếu trẻ ở đó quá lâu sẽ bị ngạt thở, nhiễm khói độc.
Đồng thời, cha mẹ nên dạy trẻ cách nhận biết các lối thoát hiểm xung quanh nơi mình sinh sống để có thể thoát thân nhanh nhất. Đặc biệt, các bậc phụ huynh phải nói với trẻ tuyệt đối không dùng thang máy khi có hỏa hoạn. Hãy hướng dẫn trẻ đi cầu thang bộ hoặc đi theo sát những người lớn xung quanh.
(Ảnh minh hoạ)
Trong quá trình di chuyển, trẻ phải hiểu không được mang theo những món đồ chơi hay vật quan trọng với trẻ. Tất cả mọi thứ phải được để lại. Bởi vì việc tìm kiếm trong trường hợp này sẽ mất rất nhiều thời gian và đẩy trẻ vào tình huống nguy hiểm.
3. Cách tránh hít phải khói độc
Không khí xung quanh đám cháy rất độc hại. Rất nhiều trường hợp tử vong khi xảy ra hỏa hoạn không phải do bỏng lửa mà do ngạt khói. Để tránh hít phải khói độc, cha mẹ cần dạy trẻ biết làm ướt khăn hoặc miếng vải bất kỳ rồi che mũi và miệng. Miếng khăn ướt có công dụng giống như tấm màng lọc không khí giúp trẻ hạn chế hít phải khói độc vào cơ thể.
Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ không được đứng thẳng để thoát khỏi đám cháy mà phải cúi thấp người sao cho khoảng cách của đầu với mặt đất càng gần càng tốt và di chuyển tới lối thoát hiểm gần nhất. Việc này giúp trẻ hạn chế hít phải khói độc.
4. Ngăn khói lan vào phòng
Trong trường hợp đám cháy xảy ra ngay lối thoát hiểm duy nhất khiến trẻ không thể tự thoát ra được, phụ huynh cần dạy trẻ bình tĩnh giữa an toàn cho mình càng lâu càng tốt để kéo dài thời gian cho tới khi có người đến giúp trẻ.
Cha mẹ cũng cần nhắc trẻ dùng khăn ướt để che miệng mũi trong trường hợp này. Đồng thời, cha mẹ cần dặn trẻ tuyệt đối không được nấp vào những nơi khó tìm hoặc không gian nhỏ. Nếu như trong phòng có cửa sổ hay ban công cần dạy trẻ đứng ở đó và kêu gọi sự giúp đỡ, dùng những tấm vải màu sắc để thu hút sự chú ý của người khác.
5. Gọi điện nhờ sự giúp đỡ
Cha mẹ hãy dạy trẻ ghi nhớ thông tin về số điện thoại của mình, người thân, hàng xóm. Sau khi trẻ đã thực hiện các bước đảm bảo an toàn thì cần phải gọi điện cho cha mẹ hoặc hàng xóm để thông báo, yêu cầu sự giúp đỡ.
6. Dập lửa cháy trên quần áo
Hãy dạy trẻ cách nằm xuống sàn, lăn qua lăn lại để dập tắt lửa hoặc chạy tới nơi có nước gần nhất để lấy nước dập lửa trong trường hợp không may quần áo bị bắt lửa. Đồng thời, lúc này khi đồ trên người trẻ ướt cũng giúp trẻ giảm nguy cơ bị bỏng.
Việc dạy trẻ những kỹ năng phòng chống cháy nổ và xử lý khi có hỏa hoạn rất quan trọng. Bởi khi có hỏa hoạn xảy ra, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng mất bình tĩnh và không biết cách xử lý.
Theo Phụ nữ số