Trong những năm trở lại đây, lời nói đùa "bán thận mua iPhone" không còn quá xa lạ. Trên thực tế, câu nói này xuất phát từ một câu chuyện hoàn toàn có thật ở Trung Quốc.
Năm 2011, chàng trai Vương Thượng Côn (17 tuổi, quê quán tại tỉnh An Huy, Trung Quốc) quyết định bán một quả thận của mình để có tiền mua điện thoại mới. Cậu không ngờ rằng, điều này đã vô tình đẩy cuộc sống của mình sang một hướng hoàn toàn khác.
Không có tiền nhưng vẫn muốn sắm đồ đẹp
Vương Thượng Côn sinh ra trong gia đình không hề khá giả, bố mẹ chỉ là công nhân bình thường với đồng lương ít ỏi. Tuy nhiên cậu lại không biết sống tiết kiệm, thích đua đòi theo chúng bạn.
Khi đó, Vương để ý thấy các học sinh giàu có trong trường thường sử dụng một chiếc điện thoại di động có tên iPhone 4. Ngay lập tức, cậu nam sinh này bị món đồ công nghệ thu hút, và ao ước sở hữu một chiếc cho bằng bạn bằng bè.
Tuy nhiên giá của một chiếc iPhone không hề rẻ và cao hơn rất nhiều so với lương tháng của nhiều người, bao gồm cả bố mẹ Vương Thượng Côn. Ở thời điểm mới ra mắt năm 2010, một chiếc iPhone 4S có giá gần 400 USD (tương đương 9.6 triệu đồng). Chưa kể, khi về Trung Quốc, phiên bản 16GB bản quốc tế sẽ đội giá lên từ 2.200 – 2.300 USD (tương đương 53-55 triệu đồng).
Vì không thể xin bố mẹ tiền, cậu tìm đến cách khác
Đến trường, Vương Thượng Côn hỏi bạn bè cách kiếm tiền và được giới thiệu cho một số công việc làm thêm trong kỳ nghỉ hè như phát tờ rơi, giúp việc lặt vặt,... Làm được ít lâu, Vương cảm thấy cách kiếm tiền này quá chậm, lại chẳng tích cóp được bao nhiêu.
Hình minh họa. Ảnh: Sohu
Một ngày nọ, khi đang ngồi lướt Internet, nam sinh này đọc được một quảng cáo bán thận. Không suy nghĩ nhiều, cậu ta lập tức liên hệ với kẻ thu mua nội tạng tên Hà Vĩ. Tên này cho biết, Vương có thể kiếm được 20.000 NDT (tương đương 66 triệu đồng) nếu cho đi một quả thận. Nếu trót lọt, hắn sẽ trả cho Vương thêm tiền.
Tháng 4/2011, nhóm của Hà Vĩ đưa Vương Thượng Côn từ tỉnh An Huy tới thành phố Sâm Châu (tỉnh Hồ Nam) để thực hiện ca phẫu thuật chui kéo dài 10 tiếng đồng hồ.
Ngay sau khi nhận tiền, Vương Thượng Côn vui sướng phát điên và vội vàng đi mua iPhone 4 và iPad 2. Suốt cả quá trình Vương bán thận, bố mẹ cậu ta không hay biết gì.
IPhone lỗi thời nhưng hậu quả còn mãi
Sau khi trở về An Huy, Vương Thượng Côn đi học lại như bình thường. Thời gian đầu, nam sinh 17 tuổi không cảm thấy điều gì bất thường. Nhưng về sau, thân thể Vương dần không ổn. Trong lớp, Vương thường xuyên buồn ngủ, cả ngày uể oải, không có sức lực làm bất kỳ việc gì. Cuối cùng, cậu ta phải nghỉ học, nằm liệt giường ở nhà.
Dưới sự tra hỏi liên tục của bố mẹ, Vương khai ra chuyện bán thận. Tin tức này như sét đánh ngang tai với ông bà Vương. Cả hai lập tức đưa con trai đến bệnh viện kiểm tra và phát hiện con mình chỉ còn một quả thận trái. Đáng sợ hơn nữa, do phẫu thuật chui, điều kiện an toàn, vệ sinh không đảm bảo nên vết mổ đã bị nhiễm trùng và ảnh hưởng sang quả thận trái.
Cuộc sống hiện tại của Vương Thượng Côn. Ảnh: Sohu
Quả thận còn lại của Vương chỉ còn 1/4 chức năng bình thường. Không còn cách nào khác, ông bà Vương đã báo cảnh sát, đưa tất cả những kẻ liên quan ra tòa. 9 kẻ liên quan đến hoạt động mua bán trái phép bị bắt giữ, 5 kẻ trong số đó bị buộc tội cố ý gây thương tích và buôn bán nội tạng. Còn gia đình Vương được bồi thường 1.47 triệu NDT (khoảng 4.8 tỷ đồng).
Tuy nhiên số tiền đó không thể nào bù đắp lại sức khỏe cho Vương Thượng Côn. Do bị nhiễm trùng thận, Vương trở thành người khuyết tật cấp độ 3. Chức năng thận bị tổn hại nghiêm trọng nên suốt phần đời còn lại, nam sinh này chỉ có thể nằm trên giường bệnh.
10 năm đã trôi qua, cuộc sống của Vương Thượng Côn giờ bi đát vô cùng. Từ một thanh niên ưa nhìn, cao 1m91, chàng trai họ Vương giờ gầy hom hem, chỉ nặng khoảng 45kg. Sức khỏe xuống dốc nên năm đó Vương phải bỏ học, sống dựa vào sự chăm sóc của gia đình và phải lọc máu thường xuyên, do thận không thể thực hiện chức năng này. Số tiền đền bù năm xưa cũng cạn kiệt vì chi phí mỗi lần chạy thận quá đắt đỏ.
Cuộc sống, công việc và hôn nhân của Vương đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi Vương không thể sống tự lập như một người trưởng thành. Chỉ vì lòng ham hư vinh nhất thời mà Vương làm hại chính bản thân và cả gia đình.
10 năm qua, thêm nhiều đời iPhone mới xuất hiện. Chiếc iPhone 4 năm nào giờ đã thành đồ cổ, bị người ta lãng quên nhưng câu chuyện của Vương Thượng Côn thì vẫn còn đó.
Đằng sau đứa trẻ nổi loạn là cách giáo dục "sai đường"
Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái họ không nghe lời. Một số trẻ em cực đoan thậm chí còn thực hiện các hành vi phạm pháp, chàng trai họ Vương ở trên là một ví dụ.
Theo các bậc cha mẹ, sự nổi loạn và trầm cảm của trẻ dường như không thể giải thích được. Giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn, giáo sư tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, nói rằng nếu một đứa trẻ không nghe lời, vấn đề không phải ở đứa trẻ mà là ở cha mẹ.
Điều đầu tiên mà giáo sư Lý Mai Cẩn nhắc tới chính là các vấn đề của trẻ em thường do người lớn tạo ra. Trẻ em dưới 10 tuổi thường bị giới hạn không gian hoạt động ở trong nhà. Những người mà các em tiếp xúc nhiều nhất là cha mẹ, sự hiểu biết về thế giới của cậu ấy phụ thuộc vào cha mẹ. Các em muốn học để trở thành một người có địa vị trong xã hội thì đối tượng mô phỏng trực tiếp nhất chính là cha mẹ của mình. Vì vậy, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Đứa trẻ sẽ phản chiếu mọi đặc điểm, mọi vấn đề của cha mẹ.
Hình minh họa. Ảnh: Sohu
Vì vậy, khi nhận thấy con mình kiêu căng, cáu gắt và không tôn trọng cha mẹ, trước hết cha mẹ nên xem lại mình, xem xem bản thân đã là một tấm gương tốt chưa chứ đừng vội đổ lỗi cho trẻ. Cha mẹ nên sửa chữa những vấn đề của chính mình trước, ngăn chặn căn nguyên của những sai lầm và nuôi dưỡng môi trường gia đình tốt.
Giải quyết vấn đề của trẻ thực chất là giải quyết vấn đề của chính cha mẹ. Trước mặt con cái, cha mẹ nên tôn trọng người khác, bao gồm cả bạn bè đồng trang lứa, cha mẹ và con cái, học cách lắng nghe người khác. Khi cha mẹ trở thành cha mẹ kiểu mẫu, các vấn đề của con sẽ được giải quyết một cách tự nhiên.
Theo Phụ nữ số