Tháng 12/2022 tại Qatar (quốc gia tài trợ cho Paris Saint Germain (PSG), biến đội bóng này trở thành một trong những câu lạc bộ (CLB) giàu có nhất lịch sử bóng đá), Lionel Messi (viên ngọc nạm trên vương miện PSG) bước tới đỉnh cao nhất trong sự nghiệp: Chức vô địch World Cup. Trên bục đăng quang, Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, Emir (vua) của Qatar, thực tế là người trả lương cho Messi ở PSG, khoác lên mình thủ quân đội tuyển Argentina chiếc áo bisht truyền thống trước khi anh nâng cao chiếc cúp vàng.
Tuy nhiên, khi đất nước Qatar đang say sưa hãnh diện vì trở thành một phần quan trọng không thể tách rời trong lịch sử túc cầu với sự kiện đăng quang của Messi, quốc gia lân cận Saudi Arabia đã chuẩn bị cho kế hoạch tranh giành vị thế bên ngoài sân cỏ diễn ra trong những năm tới cùng vị vua mới của bóng đá thế giới.
Vòng chung kết World Cup 2026 được tổ chức tại Mỹ, Canada và Mexico còn cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2030 sẽ khởi tranh vào tháng 6 năm nay, với quyết định được công bố tại Đại hội Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) lần thứ 74 diễn ra vào năm 2024.
Thời điểm World Cup 2022 diễn ra, chỉ có duy nhất một đề xuất đăng cai được xác nhận là sáng kiến đồng đăng cai giữa ba quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ukraine. Đến tháng 3/2023, có thông báo rằng Morocco thế chân Ukraine để tham gia liên minh với hai quốc gia thuộc bán đảo Iberia.
Trước đó một tháng, đề xuất thứ hai được bổ sung, với liên minh Nam Mỹ gồm Argentina, Uruguay, Paraguay và Chile. Ứng viên dự kiến khác là nỗ lực kết hợp giữa Saudi Arabia, Ai Cập và Hy Lạp. Việc nhiều quốc gia đồng đăng cai vòng chung kết World Cup được lý giải vì số đội tham gia tăng lên tới con số 48.
Liên minh Nam Mỹ được đánh giá rất cao bởi đây là vựa tài năng cho bóng đá thế giới. Hơn nữa năm 2030 là dịp kỷ niệm Bách Niên (100 năm) của giải vô địch bóng đá thế giới, với kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại Uruguay vào năm 1930.
Ý tưởng về đăng cai kỳ World Cup Bách Niên của Nam Mỹ lần đầu tiên được công khai vào năm 2017, khi Luis Suarez (Uruguay) và Messi (Argentina) khoác số áo ghép lại thành năm 2030 trong trận giao hữu giữa hai đội tuyển quốc gia.
Lionel Messi đương nhiên không thể chống lại quê hương trong chiến dịch này. Tuy vậy, hồi tháng 5 năm ngoái, Messi lại ký bản hợp đồng béo bở với nhà nước Saudi Arabia để quảng bá hình ảnh đất nước này. Cần minh định rõ hơn rằng thỏa thuận này nhằm thúc đẩy du lịch cho Saudi Arabia và không liên quan đến cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2030.
Dù vậy, mục tiêu quốc gia của quốc gia Trung Đông này lại gắn với "Tầm nhìn 2030". Chuyến đi đến Saudi Arabia hôm 1/5 của Messi chính nằm trong thỏa thuận quảng bá du lịch này.
Khi chiếc máy bay riêng chở Messi đến Riyadh rời khỏi đường băng ở Paris, tương lai của anh tại PSG cũng bay theo. Chỉ một ngày sau, Ban lãnh đạo (BLĐ) PSG đưa ra án phạt treo giò nội bộ. La Pulga bị cấm thi đấu lẫn tập luyện trong vòng 2 tuần, đồng nghĩa không được hưởng mức lương 800.000 USD/tuần trong khoảng thời gian này.
Sau khi trở về, Messi đã công khai đưa ra lời xin lỗi đồng thời lý giải cho hành động của mình. "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có một ngày nghỉ sau trận đấu như mọi khi. Tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi Saudi Arabia và không thể hủy được nữa. Trước đó, tôi từng hủy chuyến đi trong mùa giải. Tôi xin lỗi các đồng đội và PSG.
Tôi đang chờ CLB muốn làm gì với tôi", anh chia sẻ trên trang cá nhân. Dù vậy, với bản hợp đồng chỉ còn vài tuần nữa là đáo hạn, bất cứ ai cũng hiểu rằng Messi sẽ không bao giờ khoác áo PSG ra sân thêm lần nào nữa và đôi bên đều cảm thấy ổn nếu điều đó xảy ra.
Cái kết này không khiến PSG lẫn Messi bất ngờ. Mối quan hệ giữa đôi bên ngay từ đầu là quan hệ kinh doanh, trái ngược hoàn toàn tình yêu Messi dành cho Barcelona. Và mặc dù triển khai đàm phán hợp đồng mới suốt nhiều tuần và nhiều tháng sau World Cup, không một thỏa thuận nào được đưa ra.
Do vậy, với biến cố bỏ buổi tập hôm 1/5, một ngày sau thất bại muối mặt trước đội bóng làng nhàng Lorient ở Ligue 1 và bị chính khán giả nhà chế giễu, mọi ý tưởng về thỏa thuận mới đều bị dập tắt.
Mối quan tâm duy nhất của PSG lẫn Messi là kiểm soát bê bối vừa xảy ra thay vì chữa lành mối quan hệ giữa đôi bên. Bởi lẽ, mối quan hệ này, ngay từ đầu, đã không có tình yêu. 2 năm trước, sau khi phải tức tưởi rời Barca vì vấn đề tài chính của đội bóng, gia nhập PSG được xem là chiến thắng của La Pulga. Siêu sao người Argentina đã kiếm được bản hợp đồng với mức lương cao nhất lịch sử bóng đá, vẫn được tham dự Champions League và thi đấu với cường độ vừa phải ở CLB vì chênh lệch đẳng cấp quá xa để thuận tiện chuẩn bị cho World Cup.
PSG và giới chủ từ Qatar hẳn nhiên cũng được hưởng lợi từ chữ ký với Messi. PSG sở hữu một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử. Quan trọng hơn, Qatar hình thành mối liên hệ với tên tuổi lớn bậc nhất của bóng đá thế giới. Chức vô địch của đội tuyển Argentina và Messi tại World Cup 2022 là bảo chứng cho thành công về mặt thương hiệu của quốc gia giàu có đang nỗ lực xây dựng hình ảnh với cả thế giới này.
Đáng tiếc, mây đen đã kéo đến sau giải vô địch bóng đá thế giới. Phong độ của PSG sa sút từ đầu năm cho đến nay. Đội bóng này bị thu hẹp khoảng cách trên bảng xếp hạng Ligue 1, bị loại tại Cúp Quốc gia Pháp và điều đáng buồn nhất cho giới chủ Qatar lẫn người hâm mộ là kết quả tệ hại tại Champions League. Hệ quả là tiếng la ó từ phía cổ động viên (CĐV) ngày càng ầm ĩ và tức tối. Messi trở thành tâm điểm chỉ trích khi không còn duy trì phong độ bùng nổ như đã thể hiện trước và trong kỳ World Cup. Vì vậy, khi Messi chụp ảnh tại Saudi Arabia, điều duy nhất rõ ràng là tương lai của anh không còn ở Paris.
Tương lai của Messi tại sân Công viên các Hoàng tử gần như chấm hết. Cho dù ký hợp đồng thêm một hoặc hai năm nữa, chuyện ràng buộc nhau bằng thỏa thuận thiếu tình yêu giữa đôi bên là điều không nên. La Pulga hẳn nhiên không muốn bị người hâm mộ PSG la ó thêm nữa. Cơ hội để anh vô địch Champions League cùng đội bóng giàu có nhưng rất thiếu tính tổ chức này thực tế thật viển vông. Bởi vậy, Messi chỉ còn 3 lựa chọn khả dĩ.
Thứ nhất: Anh có thể chọn con đường nhẹ nhàng trôi dần về phía hoàng hôn sự nghiệp. Al Hilal rất muốn chi ra số tiền khổng lồ để giúp giải Ngoại hạng Saudi Arabia có sức hút hơn, để Messi tỏa sáng cùng Cristiano Ronaldo. Nhược điểm: Anh phải chia tay với bóng đá đỉnh cao và Champions League. Ưu điểm: 400 triệu USD mỗi năm.
Lựa chọn thứ hai: chuyển đến giải bóng đá nhà nghề Mỹ MLS, cụ thể hơn là Inter Miami, nơi anh có thể chinh phục một thế giới mới hoặc không gì cả. Không Champions League. Không mức thù lao hậu hĩnh. Sức hút của Miami, của quốc gia đăng cai World Cup 2026 có lẽ chưa đủ lớn. Trên lý thuyết, đây là lựa chọn kém hấp dẫn nhất đối với siêu sao người Argentina.
Lựa chọn thứ ba: lắng nghe lời mách bảo của trái tim để trở về Barcelona. Messi thực sự không muốn rời Camp Nou. Cuộc khủng hoảng tài chính của gã khổng lồ xứ Catalonia đã tàn nhẫn đẩy La Pulga ra khỏi nơi anh gắn bó gần 20 năm cuộc đời. Trong cả sự nghiệp, Messi luôn là người quyết định số phận của chính mình, nhưng trớ trêu anh lại không có quyền định đoạt thời điểm kết thúc sự nghiệp ở Barca.
Cả hai đều cảm thấy dang dở. "Tôi cảm thấy tiếc vì Leo không thể tiếp tục ở lại CLB", ông Rafa Yuste, Phó Chủ tịch Barca chia sẻ hồi tháng trước. Ông ước rằng "mọi điều khoản đều được đáp ứng để câu chuyện tình yêu giữa Messi và Barca khép lại một cách viên mãn. Khi bạn đang yêu một người và phải chia tay, bạn luôn muốn giữ lại tình yêu đó mãi mãi".
Câu chuyện Messi trở lại có lẽ được thổi phồng quá mức, cho dù những lời Yuste nói ra không hề man trá. Hẳn nhiên, Barca phải tuân thủ một số loại logic để đưa Messi trở lại. Dù đúng hay sai, mọi thành viên đội bóng đều thực sự tin rằng thành công dễ đến hơn nhờ sự hiện diện của Messi, trực tiếp trên sân cỏ và gián tiếp từ sức hút tên tuổi anh mang đến.
Tính lãng mãn từ câu chuyện Messi trở lại Barca rất chân thật. Siêu sao người Argentina là sản phẩm tinh túy nhất gã khổng lồ xứ Catalonia sản sinh, là biểu tượng vĩ đại nhất mọi thời đại của Los Blaugrana. Kỹ năng và nhân cách của La Pulga được trui rèn từ những ngày còn là cậu bé nhút nhát và nhớ nhà tại La Masia. Chỉ vì khả năng quản lý kém cỏi, Ban lãnh đạo Barcelona không thể dành cho Messi một cuộc chia ly xứng đáng và như anh mong muốn. Vì những cống hiến vĩ đại của siêu sao người Argentina, Chủ tịch Joan Laporta và các cộng sự có nghĩa vụ phải sửa chữa sai lầm.
Tuy nhiên, thật ngây thơ để tin rằng động lực duy nhất để Barca đưa Messi trở lại chỉ vì tình yêu. Quyết tâm đưa ông vua trở lại ngai vàng vốn có tại Camp Nou của Ban lãnh đạo Barca được thúc đẩy bởi xoáy sâu cảm xúc. Tình yêu chỉ là một phần trong đó. Nỗi nhớ, theo nghĩa thuần túy nhất, cũng vậy. Sợi dây liên hệ với Messi không chỉ vì anh là ai mà còn cả những giá trị phi thể thao anh đại diện.
Camp Nou hiện tại như tòa lâu đài cũ kỹ, rêu phong gợi lên hoài niệm da diết về một thuở vàng son chưa xa. Mới ngày hôm qua, Barca còn là đội bóng ngày hôm qua còn ngạo nghễ tuyên bố là CLB lớn nhất hành tinh, là nơi chứng kiến lứa cầu thủ xuất chúng bậc nhất lịch sử tung hoành, nhưng giờ đây chỉ còn nhúm tàn quân kiệt quệ.
Rất nhiều quyết định của Ban lãnh đạo Barca trong vài năm trở lại đây phản ánh cho sự chối bỏ hiện tại và cố níu kéo kỷ nguyên thống trị dĩ vãng. Gã khổng lồ xứ Catalonia quyết theo đuổi dự án European Super League để lập lại trật tự cũ, bổ nhiệm huyền thoại Xavi Hernandez làm HLV, cầm cố cả tương lai để theo đuổi vinh quang trước mắt. Tái hợp Messi suy cho cùng cũng là cách để Barca có thêm chút thời gian đê mê cùng quá khứ.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác cụ thể hơn là sự cấp thiết từ cuộc đua chính trị và tham vọng thể hiện quyền lực của quan chức đội bóng. Barca không thuộc sở hữu cá nhân. Đội bóng này là tổ chức nhiều thành viên và Chủ tịch CLB được bầu định kỳ bởi 143.000 thành viên.
Việc tái ký hợp đồng với Messi, huyền thoại sống của Camp Nou có thể giúp Laporta thu hút được sự ủng hộ và củng cố tầm ảnh hưởng. Tất nhiên, muốn tái đắc cử ở nhiệm kỳ tiếp theo, Laporta cần tẩy rửa vết nhơ "vị Chủ tịch đã để mất Messi". Và liệu còn gì uy tín hơn danh tiếng "vị Chủ tịch đưa Messi trở lại".
Về phần Barca, đội bóng này cũng rất cần danh tiếng của Messi để tẩy rửa hình ảnh xấu xí sau nhiều năm chìm trong bê bối. Mới đây nhất, đội bóng này bị cáo buộc chi khoảng 7,6 triệu USD cho một sếp lớn ở ban trọng tài của Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha suốt 17 năm. Javier Tebas, Chủ tịch La Liga mô tả cáo buộc này là "vụ bê bối ảnh hưởng đến danh tiếng tồi tệ nhất" bóng đá Tây Ban Nha từng chứng kiến. Trong khi đó, Aleksander Ceferin, Chủ tịch UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) đánh giá đây là "sự vụ nghiêm trọng nhất" ông từng chứng kiến trong thế giới bóng đá. Bất kể kết luận nào được đưa ra, hình ảnh của Barca đều tệ đi rất nhiều. Bởi vậy, khó để tin rằng việc Barca xác nhận quyết đưa Messi trở lại là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tình yêu Barca dành cho Messi hẳn nhiên sâu sắc và chân thành. Song, nhu cầu của Barca với Messi - như biểu tượng quyền lực, liều thuốc đê mê cùng quá khứ vàng son, nguồn cảm hứng dễ tìm và nhanh chóng gây hiệu ứng, và một cách thu hút mọi ánh nhìn khỏi những thứ đội bóng này không muốn bất cứ ai chú ý - còn lớn hơn nhiều lần.
Bỏ qua PSG, hoặc cho dù tính cả PSG, tóm lại các lựa chọn của Messi đều giống nhau. Barca muốn đưa anh trở lại để làm sạch hình ảnh tương tự PSG đã chiêu mộ La Pulga để chứng minh đẳng cấp. Al Hilal lại muốn tận dụng siêu sao người Argentina để nâng cao thương hiệu quốc gia còn Inter Miami dùng anh như một chiêu bài phát triển giải đấu. Rốt cuộc Barcelona cũng như Saudi Arabia hay Qatar, tất cả đều muốn khai thác danh tiếng của La Pulga để đánh bóng thương hiệu, thu hút người hâm mộ, và hoặc giả có hình ảnh xấu xí nào sẽ được che lấp đi. Chẳng có sự lãng mạn nào ở đây. Tất cả chỉ là chính trị và kinh doanh.