Rẽ phải giữa 'ùn ứ' đặc thù

10/01/2025 20:00

Nghị định 168 với điều khoản mở 'được phép rẽ phải khi đèn đỏ' đang là điều mà người dân TP.HCM cần.

ket-xe-tai-tphcm(1).jpg
Cầu vượt Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: VietNamNet

Nghị định số 168 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe vừa có hiệu lực 10 ngày. Nhưng hiệu quả nhìn chung đã chấn chỉnh khá mạnh nhiều hành vi, thói quen xấu trước đây như vượt đèn đỏ, chạy xe lên vỉa hè, ngược chiều…

Tuy nhiên, riêng tại TP.HCM, quy định cấm vượt đèn đỏ tưởng hiển nhiên lại gây ra ách tắc nghiêm trọng ở những tuyến đường có nhiều ngã tư, ngã ba. “Lệ” được rẽ phải khi đèn đỏ đã tạo ra thói quen khi lưu thông ở thành phố đông dân nhất cả nước này, phần nào góp phần giải tỏa lượng người luôn ùn ứ mỗi khi dừng đèn đỏ. Nay, đơn cử như đường Điện Biên Phủ - con đường chính nối ra cửa ngõ phía Đông thành phố dày đặc các ngã tư có hệ thống tín hiệu đèn giao thông, quy định cấm rẽ phải khi đèn đỏ khiến tất cả đều không thể rẽ vào các nhánh đường như Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Phạm Ngọc Thạch, dẫn đến kẹt xe nghiêm trọng kéo dài. Hiện tượng này lặp lại với các tuyến Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng…; nhất là vào giờ cao điểm.

Câu chuyện này là một ví dụ mới nhất cho việc áp dụng các nghị định, thông tư có tính đồng phục cho tất cả các tỉnh thành trên cả nước, mà không tính tới đặc thù địa phương, dẫn tới một số khó khăn, hạn chế trong thực tế.

Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy vừa qua, trong phương án đề xuất ban đầu, TP.HCM đã phải tính tới việc kết thúc hoạt động của Sở An toàn vệ sinh thực phẩm - đơn vị vừa thành lập 1 năm nay từ Nghị quyết 98 về phát triển đặc thù cho thành phố. Nay, xét tính chất cần thiết của một sở quản lý nhà nước về một trong những vấn đề “sống còn” của người dân ở một thành phố trên 10 triệu dân - là thị trường sản xuất, phân phối, tiêu thụ lớn nhất cả nước - việc giải thể, sáp nhập chức năng về cho các sở khác là điều không hợp lý, có thể gọn nhưng thiếu “tinh” nên thành phố đang có hướng giữ lại.

Thực tế của 40 năm đổi mới vừa qua đã cho thấy, một trong những rào cản lớn là thể chế, trong đó có thể chế đồng phục cho TP.HCM và các thành phố lớn trên cả nước đã vô hình tạo ra lực cản của sự phát triển đến từ các thành phố là trục động lực tăng trưởng này.

Bản thân Nghị quyết 98 được gọi nôm na là nghị quyết đặc thù, dù mang tính thí điểm nhưng ít nhiều giúp cởi trói cho thành phố nhiều vướng mắc, ràng buộc bất hợp lý. Song, ngay cả khi tưởng là “đặc thù”, là khơi thông nguồn lực nhờ cơ chế mở thì vẫn còn nhiều việc, nhiều nội dung mà thành phố này muốn làm cũng phải xách cặp đi hỏi, đi xin.

Tại sao những nhà soạn luật, tham vấn chính sách, những người chấp bút cho các nghị định, nghị quyết - tôi tin họ luôn nằm lòng câu “để nghị quyết đi vào cuộc sống” lại không tường minh trước tiên là hãy đưa cuộc sống vào trong nghị quyết. Cuộc sống với thực tế đang diễn ra từng ngày ở từng địa phương với tính chất, quy mô khác nhau nên khi áp dụng một nghị định cũng cần có một số tiêu chí đặc thù cho địa phương ấy, miễn mục tiêu ta đạt tới là đạt được lợi ích chung, phù hợp với nhu cầu chính đáng của đại bộ phận người dân.

Nghị định 168 với điều khoản mở “được phép rẽ phải khi đèn đỏ” đang là điều mà người dân TP.HCM cần để không phải lâm cảnh “kẹt xe trong tuân thủ” như những ngày này.

Theo nongthonviet.com.vn
https://nongthonviet.com.vn/re-phai-giua-un-u-dac-thu.ngn?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR1B4TNYKK4KY2g6vSeU1LqQFVjqDff-W-bkoHTEsw5msnckpobZEbTBB_o_aem_5oV7bzNpyAov8Q93vNZ7Dw
Copy Link
https://nongthonviet.com.vn/re-phai-giua-un-u-dac-thu.ngn?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR1B4TNYKK4KY2g6vSeU1LqQFVjqDff-W-bkoHTEsw5msnckpobZEbTBB_o_aem_5oV7bzNpyAov8Q93vNZ7Dw
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Rẽ phải giữa 'ùn ứ' đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO