Một đứa trẻ bị đau răng ở trường nên cô giáo gọi phụ huynh đến đưa bé đi khám, đồng thời nói đã dặn trước với bác bảo vệ để con ra khi mẹ đến đón. Người mẹ vội vàng đến trường nhưng đợi hơn 30 phút vẫn không thấy con đâu, dù ngại làm phiền cô giáo đang giờ dạy học xong vẫn phải gọi điện hỏi. Cô giáo nghe điện ngạc nhiên nói con đã ra khỏi lớp từ lâu, lúc cô đi tìm thử thì hóa ra đứa trẻ vẫn đứng ngoài lớp đợi. Điều đáng nói là dù đợi rất lâu vẫn không thấy mẹ, bé cũng không dám quay vào thưa với cô, khi cô bảo mẹ ở ngoài cổng trường thì bé mới ra.
Trên thực tế, hiện tượng tương tự như vậy xảy ra khá phổ biến, ở nhà trẻ rất vâng lời cha mẹ nhưng ở trường thì sợ cô giáo, không dám giao tiếp với cô. Đôi khi chỉ là một chuyện rất nhỏ nhưng trẻ nhút nhát, không nói được trực tiếp với cô, thay vào đó các em lại về nhà thưa với bố mẹ, để bố mẹ can thiệp. Thực lòng đây là tính cách mà không người lớn nào mong muốn ở trẻ, giáo viên không muốn phụ huynh ra mặt trong khi có thể giải quyết dễ dàng nếu trẻ nói với cô, bản thân phụ huynh cũng rất ngại phải phiền giáo viên vì những vấn đề nhỏ nhặt của con… Vậy làm thế nào để tránh tình trạng này?
Cha mẹ càng mạnh mẽ và quyết đoán bao nhiêu thì con cái càng ít quyết đoán bấy nhiêu
Khi mua quần áo, trẻ muốn mua loại yêu thích nhưng lại phải chấp nhận quyết định của mẹ một cách thụ động. Khi trẻ muốn làm điều gì đó mà mình thích và bị ngăn cản vì cho là nguy hiểm thì lần sau này trẻ sẽ không dám nghĩ đến.
Cha mẹ thường tin chắc rằng mình là người từng trải, quyết định của mình là đúng đắn nên rất dứt khoát không cần để ý đến ý kiến của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ càng tự tin và quyết đoán thì trẻ càng thiếu quyết đoán. Cha mẹ càng ham muốn thống trị thì sự tự tin của con cái chúng ta càng suy giảm. Con cái sẽ phụ thuộc vào cha mẹ và không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào. Vì sợ thất bại nên dần dần, đứa trẻ trở thành người không có ý tưởng và chính kiến.
Một sự thật phũ phàng là đưa ra những quyết định cho con cái, chúng ta vững vàng và kiên định bắt trẻ phải nghe theo, nhưng khi bọn trẻ không có tư duy đổi mới hay không có tinh thần độc lập, chúng ta lại bắt đầu lo lắng. Vậy chúng ta phải làm gì?
Để tránh trường hợp đứa trẻ trở thành người không có chính kiến, chúng ta cần phải có phương pháp nuôi dạy ngay từ khi con còn nhỏ. Cụ thể như sau:
* Cho trẻ cơ hội tự quyết định và thực hiện quyền tự chủ của mình
Tính tự chủ của trẻ cần được tập luyện ngay từ khi còn nhỏ chứ không phải khi trẻ lớn khôn rồi mới để trẻ tự quyết định. Khi trẻ còn nhỏ, chúng ta có thể để trẻ tự quyết định từ 3 việc đơn giản sau:
Đầu tiên, trẻ có thể quyết định mình muốn ăn gì, 3 bữa một ngày hoặc hoa quả sau bữa ăn, trẻ có thể ăn bất cứ thứ gì trẻ thích.
Thứ hai, đứa trẻ có thể quyết định những gì sẽ mặc. Khi mua quần áo cho con hay mặc quần áo thường ngày, chúng ta có thể để trẻ tự quyết định hôm nay sẽ mặc quần áo gì.
Thứ ba, trẻ có thể quyết định những gì chúng muốn chơi, tự chọn đồ chơi, chọn luật chơi và cho trẻ nhiều cơ hội chơi độc lập hơn.
* Tôn trọng ý kiến của trẻ và để trẻ sẵn sàng sử dụng trí não của mình
Nhiều bậc cha mẹ có thói quen áp đặt trẻ vì cho rằng trẻ thiếu hiểu biết, ý kiến của trẻ không tối ưu và không quan trọng. Trong một số vấn đề trong gia đình, cha mẹ là người chịu trách nhiệm và con cái không có cơ hội tham gia.
Thế nhưng nếu muốn trẻ có tinh thần trách nhiệm với gia đình, trẻ tự tin sử dụng trí não của mình, thì cha mẹ nên cho trẻ tham gia ý kiến nhiều hơn. Ví dụ cuối tuần này đi chơi ở đâu, khi cắm hoa hoặc trang trí nhà cửa đều có thể tham khảo ý tưởng của trẻ.
* Cho phép đứa trẻ nói "không" và huấn luyện nó trở nên dũng cảm, mạnh mẽ
Đôi khi, không phải trẻ không có chính kiến của mình mà là trẻ không đủ dũng khí để bác bỏ người khác, cũng như không dám bày tỏ chính kiến của mình. Vì vậy, chúng ta nên rèn luyện cho con ngay từ nhỏ tính dám nói “không” với những điều mình không thích.
Chỉ cần ý kiến của trẻ là đúng thì cha mẹ hãy tôn trọng trẻ, để trẻ cảm thấy có mối quan hệ dân chủ, bình đẳng với cha mẹ và thầy cô, để trẻ sẵn sàng bày tỏ ý kiến của mình hơn.
Chúng ta không chỉ phải nuôi dạy trẻ ngoan ngoãn mà còn phải nuôi dạy trẻ dám nói dám làm, để trẻ được làm chủ chính mình và để trẻ được hạnh phúc.
Theo V.K - Vietnamnet