"Phong sát" nghệ sĩ là gì, có nên sử dụng trong tiếng Việt?

22/12/2022 14:00

Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng... đã bị các cơ quan quản lý văn hóa - giải trí nước này "phong sát" vì các lý do khác nhau. "Phong sát" là gì? Có nên sử dụng từ "phong sát" trong tiếng Việt?

Có nên sử dụng từ "phong sát"?

Gần đây, cụm từ "phong sát" ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội. Có ý kiến về việc sử dụng từ "phong sát" trong tiếng Việt, có ý nghĩa hay không?

Trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia ngôn ngữ học, Thạc sỹ Phan Thế Hoài (trường THPT Bình Hưng Hòa (TP HCM) cho rằng, cần phải cẩn trọng trong cách sử dụng các từ ngữ không thuần Việt. "Cách nói "phong sát" là kiểu dùng từ ngữ chưa chính xác, kiểu như "di biến động dân cư", "thấu cảm", "phối kết hợp"… Trong từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2018), cũng không có từ "phong sát". Nếu dịch theo nghĩa đen của từng từ, có thể hiểu "phong" là "phong tỏa", "bao vây", còn "sát" có nghĩa là "giết hại".

Theo tôi, từ "phong sát" không thể sử dụng được ở Việt Nam, kể cả ở dạng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Có thể dùng từ tương đương để thay thế "phong sát", chẳng hạn "lệnh cấm", để vừa giữ được nội dung, ý nghĩa diễn đạt, vừa giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", Ths. Phan Thế Hoài nhận định.

Xem thêm: Từ 'phong sát' sẽ được chấp nhận?

"Phong sát" nghệ sĩ là gì, có nên sử dụng trong tiếng Việt?

Trước ý kiến cho rằng từ "phong sát" có thể sử dụng như một từ trong tiếng Việt với ý nghĩa cụ thể "cấm ai đó hoạt động trong lĩnh vực nhất định". Chuyên gia ngôn ngữ này khẳng định trên thực tế, tất cả các từ tiếng Trung Quốc hiện đại đều có thể đọc âm Hán Việt theo cách đọc thời nhà Đường, tuy nhiên ngay cả Trung Quốc cũng không dùng cách này nữa.

"Nguyên tắc chỉ vay mượn khi từ tiếng Việt không có, đây là trường hợp đáng ngại, người Việt nguy cơ vong bản, nói rồi nghĩ như người Hoa. Như thế, phải tìm từ thay thế từ "phong sát" vì tiếng Việt có từ tương đương là "lệnh cấm"", ông Hoài khẳng định với Dân Việt.

Ths. Phan Thế Hoài cũng cho rằng việc sử dụng từ "phong sát" trong ngữ cảnh "cấm nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật" chỉ làm méo mó tiếng Việt. Bởi khi một từ mới xuất hiện thì phải được người bản ngữ: hiểu, ghi nhớ, chấp nhận và sử dụng trong cộng đồng ngôn ngữ thì từ đó mới có ý nghĩa, ví dụ như giáo dục, gia đình, khoa học...

Căn nguyên từ "phong sát"

Đầu tiên, cần phải khẳng định "phong sát" không phải là một từ thuần Việt, mà được phiên âm từ tiếng Trung. Cắt nghĩa từ ghép này được “Phong” là phong tỏa, bao vây; còn “sát” có nghĩa giết hại. Theo từ điển Tiếng Trung hiện đại (Modern Chinese Dictionary 6th Edition), "phong sát" tức là chặn việc xuất hiện tới một người có tham gia tới các hoạt động trong lĩnh vực cụ thể, hoặc cấm các phương tiện truyền thông phát sóng các chương trình, ấn phẩm nào đó. Đó là một lệnh cấm cụ thể có tính chủ quan của cơ quan quản lý.

Loạt nghệ sĩ Trung Quốc bị cấm xuất hiện trên truyền thông. (Ảnh: Sina).

Một số đài truyền hình, cơ quan báo chí sẽ chặn một số nghệ sĩ đã có tranh chấp với họ và cấm họ xuất hiện trên các ấn phẩm của mình. Bên cạnh đó, thuật ngữ này cũng được sử dụng ở diện rộng, các ngành nghề cụ thể cũng sẽ chặn các học viên có hồ sơ xấu. 

Ví dụ, các ngành liên quan đến thiết kế và sáng tạo sẽ chặn những người hành nghề có hồ sơ đạo văn tác phẩm của người khác. Những người bị cấm có thể mất đi một phần cơ hội việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, quan trọng hơn là không còn chỗ đứng trong nghề và buộc phải thay đổi sang nghề nghiệp khác. 

"Phong sát" là cụm từ bắt đầu được sử dụng trong ngành giải trí tại Trung Quốc từ năm 2016, xuất hiện lần đầu trên fanpage của diễn viên, ca sĩ Trần Kiều Ân. Sau đó, cụm từ này ngày càng trở nên phổ biến trong làng giải trí Hoa ngữ và được coi là "đòn trừng phạt" nặng nhất đối với giới nghệ sĩ.

Bắt đầu từ tháng 11/2020, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã chính thức ban hành văn bản quy định về vấn đề "phong sát" với người nổi tiếng. 

Truy tìm căn nguyên của cụm từ "phong sát", đây là thuật ngữ được sử dụng đầu tiên trong bộ môn thể thao bóng chày tại Trung Quốc (một thuật ngữ riêng như "việt vị" trong bóng đá), trong tiếng Anh là force-out. 

Theo đó, khi người đánh bóng (gọi là A) đánh trúng bóng thì buộc phải chạy về phía chốt gôn 1, người thuộc đội tấn công nếu đang ở chốt gôn 1 (gọi là B), buộc phải di chuyển về chốt gôn 2 để nhường chốt gôn 1 cho A. Nếu đội phòng ngự ném bóng về cho người phòng ngự tại gôn 2 trước khi B chạm tới gôn 2, thì B bị buộc phải rời khỏi cuộc chơi. Trong bóng chày, đây là cách để phong tỏa người chơi tại chốt gôn 1 (B), đôi khi người ném cố tình để người đánh chạm vào bóng nhằm buộc người chơi tại gôn 1 (B) rời khỏi cuộc chơi. 

"Phong sát" là thuật ngữ có căn nguyên từ môn bóng chày. (Ảnh: Pinterest).

Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng... là những cái tên nổi tiếng hàng đầu ngành giải trí Hoa ngữ. Chỉ cách đây không đầy 2 tháng, họ còn "hô mưa gọi gió", xuất hiện trong hàng loạt các show truyền hình nổi tiếng, tên tuổi của các ngôi sao này gắn với loạt nhãn hàng, thương hiệu tỷ đô. Tuy nhiên, tất cả đều đã bị giới chức Trung Quốc "phong sát", tức là áp đặt một lệnh cấm vận về mặt truyền thông.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Phong sát" nghệ sĩ là gì, có nên sử dụng trong tiếng Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO