"Phong sát" là gì?
Phong sát (封殺), theo nghĩa đen: phong là đóng kín, bao vây, sát là giết hại.
Trong lĩnh vực thể thao, người Trung Quốc dùng từ "phong sát" để nói đến một chiến thuật trong môn bóng chày (tương đương với force out trong tiếng Anh).
Còn trong trường hợp đang bàn đến, Baidu (mạng tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc) định nghĩa "phong sát": "Việc cấm một nhân vật được chỉ định (ngôi sao, nghệ sĩ...) tham dự vào các hoạt động hay tham gia một công việc nào đó, hoặc cấm một số phương tiện truyền thông được chỉ định truyền phát các tiết mục hay xuất bản các ấn phẩm nào đó, hoặc cấm việc tung ra một số tin tức nào đó. Đây là hành vi cấm đoán mang tính vĩnh viễn hoặc có tính vĩnh viễn chủ quan".
Xem thêm: "Phong sát" nghệ sĩ là gì, có nên sử dụng trong tiếng Việt?
Đó là chuyện của xứ người. Vấn đề của chúng ta, sao phải là "phong sát"?
Nói dễ hiểu hơn, "phong sát" là không cho phép một người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên, vận động viên…) tiếp tục tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao hoặc xuất hiện trước công chúng do đã có hành vi vi phạm về chính trị, đạo đức, pháp luật nghiêm trọng.
Xuất hiện tại Trung Quốc từ khoảng 5 năm trở lại đây, từ này ngày càng trở nên phổ biến trong giới giải trí Hoa ngữ và được coi là "đòn trừng phạt" nặng nề nhất đối với giới nghệ sĩ, ai đã bị "phong sát" thì sự nghiệp mất trắng, cơ hội quay trở lại là bằng không.
Luật pháp phương Tây cũng có các biện pháp hình sự và dân sự để xử lý các trường hợp tương tự, nhưng không có kiểu "xóa sạch mọi vết tích" của một cá nhân như vậy! Việt Nam chúng ta thường xử lý có thời hạn và cũng không "truy cùng giết tận"!
Rõ ràng, đây là một "đặc sản" của Trung Quốc. Và "phong sát" là một từ tiếng Trung, mới được du nhập vào nước ta. Các từ điển tiếng Việt (kể cả từ điển Hán - Nôm) hiện nay đều chưa thấy ghi nhận mục từ này.
Các từ ngữ gần nghĩa với "phong sát" trong tiếng Việt như: tẩy chay, cấm sóng hoặc đưa vào danh sách đen, đều không nêu được hết các nét nghĩa mà từ này chứa đựng, đặc biệt không thể hiện được "cường độ" cực mạnh của chính sách này: "diệt cho đến không còn đường sống "!
Do đó, có thể có khả năng "phong sát" rồi sẽ được tiếng ta chấp nhận, hoặc cần thêm thời gian để một dịch giả, một nhà văn, một nhà báo hay một ai đó chuyển ngữ thành công một từ mới cho tiếng Việt hôm nay!
Tiếng Việt là tiếng Việt, tiếng Trung là tiếng Trung
Cũng gần đây, lại thấy rất nhiều trang báo mạng đã dùng cách nói: "nhóm nhạc lưu lượng", "nữ ca sĩ lưu lượng", "nam idol lưu lượng"... khi đưa tin về giới giải trí Hoa ngữ.
Trong trường hợp này, các tờ báo đã sao chép chữ "lưu lượng" (流量) từ tiếng Trung - "lưu lượng minh tinh", "lưu lượng nghệ nhân": chỉ những ngôi sao, những nghệ sĩ có lượng người hâm mộ lớn, có sức hút mạnh mẽ với công chúng bình dân, thường có ngoại hình ưa nhìn, cực kỳ nổi tiếng, chiếm vị trí tìm kiếm và tiêu đề giải trí quanh năm, có mức độ thời sự cao trên mạng xã hội, nhưng thực chất không có tác phẩm gì đặc biệt.
Đáng tiếc thay, nghĩa phái sinh đó trong tiếng Trung không có trong tâm thức tiếp nhận của người Việt. Trong tiếng Việt, lưu lượng có nghĩa: (1) Lượng chất lỏng hay chất khí đi qua một nơi trong một đơn vị thời gian / (2) Số lượng người, vật đi qua hay vận chuyển qua một nơi nào đó trong một khoảng thời gian nhất định (xem Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2016, trang 761).
Với nghĩa thứ nhất, ta có lưu lượng nước, lưu lượng khí thải... Với nghĩa thứ hai, ta có lưu lượng xe qua cầu trong giờ cao điểm, lưu lượng người dân ra đường trong thời gian áp dụng chỉ thị 16...
Người xứ ta ai cũng đều hiểu như thế, không có cách hiểu nào khác hơn! Để diễn đạt theo cách hiểu trên (của tiếng Trung), có thể dùng một từ du nhập từ Mỹ hiện đã được Việt hóa: hot (với nét nghĩa: nóng bỏng, sốt dẻo, thu hút, được quan tâm theo dõi, chú ý...).
Và đây là một ngộ nhận có thực: một số người đã quên mất rằng từ Hán - Việt là... tiếng Việt! Lớp từ vựng Hán - Việt (từ âm tiết, từ ghép đến thành ngữ) do cha ông ta dày công tiếp nhận và sáng tạo ngàn năm qua, với cách đọc (ngữ âm), cách hiểu (ngữ nghĩa) và cách dùng (ngữ pháp) hoàn toàn là tiếng Việt của chúng ta! Đó không phải là chữ Hán, càng không phải là tiếng Trung!
Đến đây, cần phải nhắc lại một thực tế đã thành nguyên lý phổ biến: muốn dịch thuật tốt, muốn chuyển ngữ tốt không chỉ giỏi ngoại ngữ là đủ, còn cần thông thạo, thậm chí điêu luyện tiếng mẹ đẻ.
Tháng 11-2020, Cục Quản lý nhà nước về phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đã chính thức ban hành văn bản và sau đó Hiệp hội Công nghiệp biểu diễn Trung Quốc đã cụ thể hóa các quy định về "phong sát":
Ngăn cấm cá nhân bị phong sát tham gia hoạt động hoặc một số công việc nhất định: diễn viên bị cấm đóng phim, ca sĩ thì bị cấm biểu diễn...
Cấm các phương tiện truyền thông phát sóng chương trình, đưa tin tức về người bị phong sát.
Kiểm soát chặt chẽ bài đăng trên các trang mạng xã hội của đương sự.
Gỡ sạch biển quảng cáo, hình ảnh có liên quan ở nơi công cộng và cấm tuyệt đối xuất hiện trước công chúng.