Biến thể Omicron "tàng hình" chiếm ưu thế: Hà Nội ứng phó thế nào?

Phạm Đông| 12/03/2022 07:31

Omicron tàng hình - một biến thể phụ của Omicron còn gọi là BA.2, có tốc độ lây lan nhanh và hiện lan rộng ở nhiều địa phương như Hà Nội và TPHCM.Vậy, biến thể phụ này có nguy hiểm và khác gì với biến thể gốc? Hà Nội cần ứng phó ra sao với biến thể phụ này?

Biến thể Omicron
Cán bộ y tế lấy mẫu test nhanh COVID-19. Ảnh: SYT HN

Omicron "tàng hình" có lẩn tránh test nhanh?

Theo báo cáo của TP. Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã. Chủng này được đánh giá lưu hành chính so với Delta. Tính đến ngày 9.3, 93/109 (chiếm 85,3%) mẫu bệnh phẩm các ca COVID-19 được giải trình tự gene ngẫu nhiên từ 4.12.2021 đến 1.3.2022, được xác định nhiễm biến chủng Omicron. Trong đó, biến thể phụ BA.2 (hay còn gọi là "Omicron tàng hình") chiếm ưu thế với 86/93 mẫu.

Bộ Y tế cũng chỉ rõ, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với biến chủng Omicron gốc là BA.1, đồng thời có thể tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc khoảng 30%. Tại TP.HCM, Omicron chiếm 76% số mẫu được giải trình tự gene virus.

Như vậy, Omicron đang là chủng lưu hành chính tại Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến nay chưa có bằng chứng về việc người mắc BA.2 gây bệnh nặng hơn so với BA.1 hay các biến chủng khác.

Theo bác sĩ Cấp, hiện nay cũng chưa ghi nhận thông tin "Omicron tàng hình" lẩn tránh test nhanh. Nhưng trên thực tế, với chủng Omicron, test nhanh sẽ không nhạy bằng xét nghiệm PCR.

Thông thường, để xác định một biến chủng virus, người ta phải làm xét nghiệm giải trình tự gene. Riêng với biến chủng Omicron BA.1 do có đột biến khuyết thiếu một số gene nên có thể phát hiện được ngay bằng xét nghiệm PCR chứ không cần giải trình tự gene. 

Ngược lại với Omicron BA.2 do không có các đột biến này nên khi xét nghiệm PCR chỉ xác định được là virus SARS-CoV-2 chứ không xác định ngay được là Omicron, do vậy nó được gán tên là "Omicron tàng hình".

"Do chưa có bằng chứng gì về việc BA.2 có nguy hiểm hơn so với những chủng trước, nên người dân không cần quá hoang mang", bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Trước những thông tin "người nhiễm Omicron nhẹ hơn so với mắc chủng Delta", theo bác sĩ Cấp, thực tế các nhóm bệnh nhân hiện nay chủ yếu nhiễm Omicron và có tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn hẳn so với giai đoạn trước. 

Điều này không chỉ do chủng Omicron có tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn mà còn do quần thể dân cư đã được bao phủ vaccine đầy đủ hơn và hệ thống điều trị đã được củng cố tốt hơn, giúp quản lý bệnh nhân tốt ngay từ đầu để hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng.

Về việc Omicron "tàng hình" có lẩn tránh test nhanh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM đồng tình với giả thuyết nhiều người "âm tính giả" khi test nhanh do thực hiện sai thao tác, sai thời điểm lấy mẫu, độ nhạy của kit kém... "Một số loại kit test đời cũ có thể ít nhạy với biến chủng Omicron", ông Khanh nói.

Ứng phó biến thể phụ BA.2 của Omicron thế nào?

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ bệnh nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron "tàng hình". Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao, nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn thành phố đã giảm sâu trong thời gian qua. 

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho rằng, hiện biến chủng Omicron là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Do đó, dự báo trong thời gian tiếp theo, số ca COVID-19 có thể tiếp tục tăng cao.

Dù số ca mắc tăng nhanh thời gian qua nhưng các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch, gồm: Kiểm soát tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống vẫn được bảo đảm, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Bà Hà cũng nhấn mạnh, trọng tâm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tiếp theo vẫn tập trung vào công tác tiêm chủng, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ cao, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tiêm vaccine cho lứa tuổi 5-11 tuổi. Cùng với đó, quản lý, theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 từ sớm, từ cơ sở nhờ ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, tập trung vào công tác điều trị chuyên sâu tại tầng 2, tầng 3; bố trí thêm các giường bệnh tầng 2 tại một số bệnh viện và tại cơ sở thu dung của thành phố sau khi nâng cấp về trang thiết bị.  

Bà Hà đề nghị các địa phương tăng cường ứng dụng phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi ba; giám sát việc bán thuốc molnupiravir tránh găm hàng, tăng giá. Y tế địa phương tăng cường hướng dẫn F0 điều trị tại nhà.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/bien-the-omicron-tang-hinh-chiem-uu-the-ha-noi-ung-pho-the-nao-1022500.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/bien-the-omicron-tang-hinh-chiem-uu-the-ha-noi-ung-pho-the-nao-1022500.ldo
Bài liên quan
  • Chung cư mini ở TPHCM phải có đường giao thông tối thiểu 3,5 m
    Để xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để cho thuê (chung cư mini) thì đường giao thông sử dụng để phương tiện chữa cháy tiếp cận thực hiện nhiệm vụ chữa cháy phải có chiều rộng mặt đường thông thủy tối thiểu 3,5 m.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biến thể Omicron "tàng hình" chiếm ưu thế: Hà Nội ứng phó thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO