Tối 19.12, Bệnh viện Bình Dân cho biết, đơn vị vừa thực hiện phẫu thuật bằng robot, tạo hình cơ hoành trái, giúp nam bệnh nhân L.Q.G (66 tuổi, Tây Ninh) thoát khỏi tình trạng khó thở kéo dài do nhão hoành.
Ông G cho biết, cách nhập viện khoảng 3 tháng thường khó thở, thở hụt hơi khi gắng sức, vận động hay đi lên cầu thang. Trong đợt khám sức khỏe định kỳ, một bác sĩ khi xem phim X-quang ngực thẳng của ông, phát hiện vùng phổi bên trái có bất thường.
Đến khám tại Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhão hoành trái với hình ảnh vòm hoành trái nhô cao bất thường. Tình trạng này làm giảm thể tích lồng ngực trái. Đây chính là nguyên nhân khiến ông G bị khó thở khi gắng sức nhiều tháng nay.
Bệnh nhão cơ hoành khiến người bệnh có nguy cơ suy hô hấp và phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Nếu không phẫu thuật kịp thời, người bệnh dễ rơi vào tình trạng khó thở, viêm phổi và các biến chứng nguy hiểm khác.
Trong 3 phương pháp điều trị nhão cơ hoành hiện nay, người bệnh G chọn phẫu thuật bằng robot. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 90 phút. Lượng máu mất trong quá trình phẫu thuật không đáng kể. Sau ca phẫu thuật bằng robot, ông G nhanh chóng hồi phục, ăn uống ngon miệng, vận động linh hoạt và xuất viện sớm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Việt Thành - Trưởng khoa Lồng ngực - Bướu cổ Bệnh viện Bình Dân, do không phải mở lồng ngực, không tổn thương các cơ thành ngực và dây thần kinh liên sườn nên người bệnh được phẫu thuật bằng robot ít đau hơn, lành vết thương hậu phẫu và chức năng hô hấp được cải thiện tốt hơn.
Phẫu thuật bằng robot cũng khắc phục được nhược điểm của phẫu thuật nội soi là cánh tay thao tác linh hoạt, góc thao tác rộng, cho phép khâu nếp cơ hoành tạo hình thuận lợi, chính xác hơn.
Phẫu thuật bằng robot không cần phải mở thêm đường mở ngực nhỏ. Thời gian phẫu thuật bằng robot trong điều trị nhão cơ hoành khoảng 1/3 so với phẫu thuật mở kinh điển hay phẫu thuật nội soi.
Bác sĩ Việt Thành cho biết, nhão cơ hoành là bệnh lý không phổ biến, thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng. Bệnh này đa phần được phát hiện qua thăm khám tình cờ hoặc được phát hiện khi bệnh nhân đến khám về một triệu chứng khác như khó thở, nặng ngực hoặc hoạt động gắng sức bị hạn chế.Nguyên nhân gây nhão hoành rất đa dạng, có thể do tuổi tác, chấn thương, phẫu thuật trước đó hoặc các bệnh như béo phì, hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng, có khối u ăn lan đến dây thần kinh hoành gây liệt cơ hoành.