Gần 20 năm trước, trong một lần về thăm nhà, ba mẹ tôi nói có nhận một chị làm con nuôi. Chị quê ở Nghệ An, hơn tôi vài tuổi, mồ côi cha mẹ, trôi dạt đến xứ này bán trái cây, rồi có chồng con…
Có lẽ trong lòng chị khao khát có một người cha, mong mỏi có được tình phụ tử nên đã nhìn thấy ở ba tôi tình cảm đó, sự ấm áp thể hiện trong từng câu nói, từng sự động viên…
Đến đám cưới của tôi, ba mẹ chính thức đưa chị về ra mắt gia đình. Mẹ tôi tặng chị một chiếc vòng cẩm thạch làm kỷ niệm. Trước bàn thờ gia tiên, tôi còn gửi gắm ba mẹ cho chị quan tâm, chăm sóc vì tôi vốn ở xa…
Tôi thấy vui, không phải chỉ ở việc tự nhiên có một người chị mà chính là giúp ba mẹ tôi có thêm tình cảm quyến thuộc. 2 nhà cách nhau chừng 3 cây số nên qua lại thường.
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Những bữa cơm gia đình ấm áp bên nhau làm tình cảm mọi người thêm nồng ấm. Chồng chị nom khắc khổ, khó tính nhưng cũng tỏ ra thân mật với gia đình tôi, gọi ba tôi là “bố” trong khi chị vẫn gọi là “ba”; có bữa mấy anh em còn vui vẻ uống với nhau khá nhiều. Các con chị cũng quý mến các cậu, dì mới nhận.
Nhưng chỉ mấy tháng sau về nhà, tôi không nghe ba mẹ nhắc đến chị nữa. Tôi gặng hỏi thì mẹ tôi buồn bã nói: “Nó thôi không nhìn ba nữa rồi”. Dần dần tôi cũng hiểu là do chồng chị sau này tỏ ra không bằng lòng khi chị có thêm các mối quan hệ khác. Tôi không nghĩ là anh ghen theo kiểu một người chồng ghen vợ nhận cha nuôi với dụng ý khác, mà chính là anh cảm thấy mình không còn sự tuyệt đối khi bị chia sẻ ít nhiều tình cảm, sự quan tâm nên anh đã phản ứng bằng những cách nào đó không tích cực.
Có lẽ vì chị muốn bảo vệ gia đình riêng của mình nên đành phải hy sinh một tình cảm khác, chứ hẳn chị cũng dằn vặt, khổ sở.
Chuyện đó làm ba mẹ tôi buồn một thời gian. Ba mẹ thực lòng thương chị, sau khi chia sẻ hoàn cảnh mồ côi của chị và nhận ra tình cảm tốt đẹp cũng như tâm tính thiện lương của chị.
Nhiều năm trước, khi đi dạy đại học, tôi có nhận một nữ sinh viên làm con nuôi.
Cô bé nhà nghèo, cha mẹ ly hôn, sống với mẹ, chịu khó, học giỏi. Qua vài phép thử, tôi nhận ra cô bé có tư chất và tư cách tốt. Tôi thấy ở cô bé hình ảnh của mình ngày trẻ: tháo vát, siêng năng nhưng còn vụng về và có chút bướng bỉnh. Tôi tự đặt cho mình trách nhiệm phải hướng dẫn, uốn nắn con, ít nhất tránh các sai lầm mà tôi từng mắc phải. Tôi thực lòng quan tâm, chăm sóc, bảo ban con.
Lẽ dĩ nhiên, con cũng nhận ra điều đó và tỏ ra rất kính trọng, quý mến tôi. Chỉ quen biết mấy tháng, tôi đã thấy thương con như biết nhau từ lâu lắm.
Nửa năm sau, tôi định đưa con gái nuôi về ra mắt gia đình nên có ướm trước với mẹ tôi. Mẹ nói rất nhiều nhưng đại để chỉ là: con nuôi rồi cũng có thành gì đâu. Ý mẹ tôi nhắc đến người con nuôi của ba mẹ. Tôi chỉ nói là “mẹ cứ đối xử bình thường, nếu sau này còn tiếp tục làm người một nhà được thì làm, không thì thôi”.
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Sau đó, tôi phải nói chuyện rất lâu với con gái nuôi để con hiểu và chia sẻ, để lỡ về quê ông bà có nói gì, làm gì thì cũng không khiến con bị sốc. Không ngờ lần đó về quê thì cả ba mẹ tôi đều quý đứa cháu “ngang hông” đó, bởi con lễ phép, siêng năng, biết cách cư xử.
Sau này, có lần ba tôi nằm viện, con nuôi tôi vô thăm, không biết ông cháu nói với nhau những gì mà gặp tôi, ba liền khen “con nhỏ được dạy dỗ tốt, ngoan hết sức”.
Đến giờ, quan hệ chúng tôi vẫn rất tốt, bản thân tôi thấy hạnh phúc vì có được một đứa con gái giỏi giang, ngoan hiền và không gây sự cố nào để ông bà nhớ lại chuyện không vui năm cũ.
Có khi tôi tự hỏi, ba mẹ tôi đã có 3 đứa con đủ cả trai lẫn gái, nói cách nào đó là ngoan cả, cần chi nhận con nuôi. Nhưng sau này, khi tôi nhận con gái nuôi, tôi cảm thấy rằng tình yêu thương không có giới hạn và cũng không có loại trừ; thương ai được thì ta vẫn cứ thương mà không nhất thiết làm mất đi tình cảm đã có với ai trước đó.
Ta thường hạnh phúc khi được ai đó yêu thương và cũng thường hạnh phúc khi yêu thương ai đó. Nếu cả đôi bên cùng yêu thương nhau mà tạo thành một tình cảm gắn kết mang tính gia đình thì hạnh phúc còn lớn hơn.
Ngô Đồng Vũ