Ngày cận Tết, A Ứng (13 tuổi, làng Grập, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) được Trung úy Hoàng Như Thanh (25 tuổi, Đồn Biên phòng Mo Rai) chờ sẵn trước cổng trường THCS Nguyễn Huệ, đón về đồn. Gặp bố nuôi Như Thanh, A Ứng khoe, từ hôm nay đã được nghỉ Tết.
A Ứng có hoàn cảnh khá đặc biệt khi bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng xa. Em ở với bà nội đã tuổi cao sức yếu. Từ năm 2019, A Ứng đã được hỗ trợ đưa vào sống cùng cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Mo Rai.
Trung úy Hoàng Như Thanh (25 tuổi, Đồn Biên phòng Mo Rai) được A Ứng xem như người cha thứ hai. Tuy Trung úy Thanh tuổi còn trẻ và chưa có con nhưng vẫn thường xuyên gần gũi, chăm sóc A Ứng từ bữa cơm, giấc ngủ và học tập.
"Mỗi khi Tết về, Đồn biên phòng cũng hỗ trợ cháu tiền để mua quần áo, giày dép mới. Riêng bản thân tôi cũng dành chút thời gian để đưa cháu đi chợ Tết và mua những món đồ chơi, quần áo đẹp", Trung úy Thanh bộc bạch.
Do bà ở nhà đã lớn tuổi và phong tục của người đồng bào Xơ Đăng cũng không ăn Tết nên A Ứng đã được ở lại đồn trong suốt thời gian nghỉ lễ đến cùng cán bộ, chiến sĩ đón xuân.
Trái với vẻ nhút nhát ban đầu, A Ứng nay đã cùng với các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị dọn dẹp, lau chùi bàn ghế. Em cũng khéo léo gắn hoa đào, mai, đồ trang trí lên cây mai, đào.
A Ứng bộc bạch: "Ở nhà, cháu không biết có đủ điều kiện để đi học không. Từ khi vào đồn, cháu được ăn ngon. Các chú bộ đội đã cho cháu phòng sinh hoạt riêng để thoải mái trong học tập, sinh hoạt.
Cháu mong lớn lên sẽ tiếp tục trở thành những chú bộ đội biên phòng, bảo vệ quê hương, đất nước và giúp đỡ lại các hoàn cảnh khó khăn ở trong xã được đến trường như cháu".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thiếu tá Hồ Hữu Ngạn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mo Rai cho biết: "Trong những năm qua, đồn biên phòng đã hỗ trợ giúp dân phát triển được 10 mô hình như nuôi bò, cá, cây ăn quả. Đồn cũng đang hỗ trợ 2 cháu theo mô hình Nâng bước em đến trường và đang khảo sát để nhận hỗ trợ thêm một số cháu là con em hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với hoàn cảnh cháu A Ứng, từ lâu cán bộ, chiến sĩ trong đồn đã quyên góp theo mô hình hũ gạo tình thương để hỗ trợ gia đình lo cho cháu có điều kiện tốt nhất đến trường.
Đến năm 2019, gia đình khó khăn, bà của cháu lớn tuổi, sức yếu, sợ cháu có nguy cơ bỏ học nên đồn đã đưa A Ứng vào ăn ở, sinh hoạt tại đơn vị.
"Đơn vị đã phân công 3 đồng chí thay nhau theo dõi, hỗ trợ cháu trong quá trình ăn ở, học tập. Đồng thời có những định hướng, động viên cháu học tập để thi đậu vào các trường đại học. Cháu ấy cũng mong ước được vào học ngành bộ đội biên phòng. Bản thân tôi cũng mong được sự quan tâm để giúp cho cháu hoàn thành ước mơ.", Thiếu tá Ngạn chia sẻ thêm.
Tương tự, em Cụt Thị Khoong (học sinh lớp 7, thôn 8, xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, Kon Tum) cũng đang được các cán bộ, chiến sỹ nhận nuôi. Theo đó, từ khi Khoong sinh ra, bố của em đã đi xa và không liên lạc nhiều năm nay.
Một thời gian sau, mẹ cháu cũng đi làm ăn xa, để 3 chị em nhà Khoong tự chăm sóc nhau trong căn nhà ọp ẹp. Khoong là em út trong nhà nên được ưu tiên đi học.
Thấy hoàn cảnh 3 chị em khó khăn nên Đồn Biên phòng Sa Thầy đã nhận hỗ trợ Khoong theo mô hình Con nuôi biên phòng, hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.
Ngoài những hỗ trợ theo quy định, đồn biên phòng luôn cắt cử các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nắm bắt tình hình của cháu Khoong để kịp thời, hỗ trợ, giúp đỡ cháu có điều kiện tốt nhất để đến trường.
Tết đến, xuân về, Thượng úy Trần Quốc Tuấn (SN 1994) - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã cùng một số cán bộ mang gạo, nếp và bánh kẹo đến cho 3 chị em nhà Khoong đón Tết. Riêng Khoong còn được tặng những bộ quần áo, giày mới để chuẩn bị cho năm học tiếp theo.
Thượng úy Trần Quốc Tuấn cho biết: "Hoàn cảnh khó khăn, không có bố mẹ bên cạnh nhưng Khoong luôn nỗ lực, tự giác học tập. Tính em rất ham học nên luôn dành những số tiền mà đơn vị hỗ trợ để dành dụm mua đồ dùng học tập. Bản thân tôi cũng luôn động viên, định hướng cháu tiếp tục học tập để có công việc ổn định".