Sau một năm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng ở trung tâm thành phố, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, Sở này sẽ có đánh giá cụ thể. Nếu kết quả khả quan thì mô hình này sẽ được nhân rộng ở quận 1, 3 và các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm.
Theo ông Lâm, xe đạp công cộng tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố. Qua đó, dịch vụ này sẽ tăng cường hiệu quả sử dụng các phương tiện công cộng (xe buýt, metro, BRT, buýt sông...) theo hướng văn minh, hiện đại, hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường.
Trong buổi gặp với GTVT TPHCM hôm 1/12, Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM và đại diện một số doanh nghiệp, cơ quan phát triển dự án xe đạp nước này đánh giá cao mô hình xe đạp công cộng tại TPHCM và kế hoạch dự kiến của Sở GTVT. Đồng thời phía Hà Lan đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển xe đạp và các chính sách, hỗ trợ của chính quyền thành phố của Hà Lan đối với phương thức xe đạp (công cộng và cá nhân), tổ chức giao thông và cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp.
Tại cuộc trao đổi này, Sở GTVT và Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan thống nhất sẽ tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn cho các cơ quan quản lý giao thông về chủ đề phát triển xe đạp , dự kiến thực hiện trong tháng 3/2023.
Theo ông Trần Quang Lâm, thành phố cũng sẽ nghiên cứu triển khai làn đường riêng cho xe đạp để ưu tiên, tạo sự an toàn, thuận lợi cho người sử dụng.
Sở GTVT đã có phương án thí điểm làn ưu tiên cho xe đạp trên đường Pasteur (quận 1) đoạn từ giao lộ Lý Tự Trọng đến Nguyễn Đình Chiểu và trên trục đường Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn (TP Thủ Đức).
Tháng 12/2021, TPHCM đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng đầu tiên trên các tuyến đường quận 1. Có 43 trạm và 500 xe được bố trí trên vỉa hè, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch... hoạt động 24/24h.