Ngày 14/1, mạng xã hội chia sẻ clip cô gái bị một người đàn ông hành hung trên đường Phan Huy Ích, đoạn qua phường 12, quận Gò Vấp (TPHCM).
Nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc người đàn ông cho rằng cô gái chạy xe va chạm với xe ông. Người này chặn phương tiện của cô gái, đạp xe và hành hung.
Trước đó, rạng sáng 12/1, anh Lê Ngọc L. (37 tuổi, ngụ tại Bình Dương) - tài xế taxi công nghệ - bị nhóm 3 đối tượng đánh hội đồng.
"Tôi không có mâu thuẫn gì với họ. Trên đường rẽ vào nhà, xe tôi chỉ chạy khoảng 10km/h, nhưng họ lại nói tôi tạt đầu xe họ. Hai người đàn ông này còn không đội mũ bảo hiểm, có dấu hiệu say xỉn. Họ vừa đánh tôi vừa lớn tiếng hỏi "mày biết tao là ai không?", anh L. kể.
Liên quan đến những vụ đánh nhau, xô xát xảy ra được đăng tải trên mạng xã hội thời gian gần đây, mà nguyên nhân xuất phát từ va chạm giao thông, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ Tội phạm học) đã có những chia sẻ với phóng viên Dân trí dưới góc nhìn một chuyên gia.
Điều gì gây ra những vụ ẩu đả?
Đưa ra quan điểm, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng căng thẳng và xung đột sau va chạm giao thông là một hiện tượng đáng báo động, và đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng.
Theo ông Hiếu, những yếu tố cấu thành hiện tượng này gồm: Mật độ phương tiện giao thông lớn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, kết hợp với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
"Hậu quả của các vụ ẩu đả sau va chạm giao thông là gây thiệt hại về sức khỏe và tính mạng, nhiều trường hợp dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Những người tham gia ẩu đả có thể bị khởi tố, đối mặt với án tù, ảnh hưởng đến tương lai và gia đình, tác động xấu đến xã hội, gây tâm lý bất an trong cộng đồng, làm xấu hình ảnh văn hóa giao thông, tạo tiền lệ xấu cho các hành vi bạo lực", Thượng tá Hiếu chia sẻ.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo vị Tiến sĩ, là sự thiếu kiềm chế cảm xúc, thiếu hiểu biết pháp luật và áp lực cuộc sống, giao thông.
Phân tích thêm, ông Hiếu cho biết các va chạm nhỏ thường là chất xúc tác cho những cảm xúc tiêu cực đã tồn tại từ trước, như căng thẳng do công việc, áp lực cuộc sống. Khi va chạm xảy ra, nếu 2 bên không có thái độ hợp tác, hành vi thiếu kiềm chế dễ dẫn đến tranh cãi hoặc xung đột.
"Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết pháp luật, văn hóa giao thông yếu kém cũng góp phần làm tăng mức độ nghiêm trọng của các tình huống", ông Hiếu nói.
"Mày có biết tao là ai không?"
Những vụ việc vừa qua xảy ra ngay giữa đường, trước sự chứng kiến của nhiều người, thậm chí có trường hợp "đánh hội đồng", dưới góc độ chuyên gia, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhắc đến tâm lý đám đông.
"Tâm lý đám đông có tác động rất lớn, có thể đẩy tình huống lên cao trào. Khi có đám đông tụ tập, người trong cuộc thường có xu hướng hành xử quyết liệt hơn để không bị mất mặt.
Ngoài ra, sự kích động từ đám đông như hò hét, cổ vũ cũng làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của xung đột. Ngược lại, nếu đám đông can ngăn, khuyên giải, tình hình có thể được xoa dịu nhanh chóng", ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, vị Thượng tá cũng cho rằng việc liên tục xảy ra các vụ ẩu đả, xô xát có phần tác động từ mạng xã hội.
"Khi xem nhiều đoạn video bạo lực trên mạng, người xem dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi được lặp đi lặp lại đó. Những hình ảnh bạo lực vô tình trở thành phản ứng mặc định khi họ gặp tình huống tương tự ngoài đời. Đây là một dạng ám thị tiêu cực, khiến hành vi quá khích trở nên phổ biến hơn trong các tình huống va chạm giao thông", ông Hiếu phân tích.
Thượng tá Hiếu cho biết, nhóm thanh niên, đặc biệt là nam giới trẻ tuổi, thường có xu hướng phản ứng bộc phát, mạnh mẽ hơn do tính khí nóng nảy và cái tôi lớn. Trong khi đó, người lớn tuổi hoặc phụ nữ thường cố gắng giải quyết tình huống nhẹ nhàng hơn, hoặc tránh đối đầu để bảo đảm an toàn cho bản thân.
Điều này, theo ông Hiếu, cũng lý giải cho việc các câu nói như: "Mày có biết tao là ai không?" thường xuất hiện trong những vụ ẩu đả, xô xát, đánh nhau.
"Câu nói này thể hiện tâm lý tự tôn và cái tôi cao của người nói, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa coi trọng vị thế xã hội ở Việt Nam. Khi xảy ra va chạm, một số người sử dụng câu này để khẳng định quyền lực hoặc vị trí xã hội của mình nhằm lấn át đối phương. Đây cũng là một dạng hành vi phản ứng do thiếu kiểm soát cảm xúc và muốn khẳng định cái tôi cá nhân", vị chuyên gia giải thích.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý va chạm.
"Một lời nói bình tĩnh, ôn hòa có thể làm dịu đi tình hình, trong khi những lời lẽ công kích dễ khiến xung đột leo thang. Những cụm từ như "bình tĩnh đã", "để tôi giải thích", "xin lỗi nếu tôi có sai"... thường giúp giảm căng thẳng. Ngược lại, các câu như "mày thích gì?", "mày nghĩ mày là ai?"... cần tránh vì dễ kích thích đối phương nổi giận", ông Hiếu nói.
Đếm từ 1 đến 10 nếu giận dữ
Dưới góc độ tâm lý tội phạm học, Thượng tá Hiếu chia sẻ cách để kiểm soát cảm xúc, tránh để nóng nảy và dẫn tới những hành vi bạo lực.
"Bước đầu tiên là giữ bình tĩnh và tránh phản ứng ngay lập tức. Hãy hít thở sâu, điều này giúp kiểm soát (giảm) nhịp tim và tránh bộc phát cảm xúc tiêu cực.
Bên cạnh đó, nếu thấy cơn giận đang bốc lên trong mình, hãy đếm nhẩm số thứ tự từ 1 đến 10 trước khi đưa ra phản ứng. Cách này giúp bình tĩnh hơn và suy nghĩ kỹ trước khi hành động.
Sau khi tạm dừng vài giây để ổn định cảm xúc, cần giữ giọng nói nhẹ nhàng, đừng lớn tiếng tranh luận, bảo vệ cái tôi, hoặc dùng từ ngữ mang tính công kích. Nhận lỗi nếu sai và đề nghị cùng tìm giải pháp thay vì đổ lỗi cho nhau", vị Tiến sĩ hướng dẫn.
Tuy nhiên, nếu sự việc diễn biến phức tạp hơn, có xu hướng leo thang xung đột, ông Hiếu khuyến cáo người trong cuộc gọi 113, đề nghị công an can thiệp để giải quyết.
"Nếu đối phương dùng vũ lực tấn công, đừng sợ mất thể diện, hãy bỏ chạy đến nơi an toàn. Tình huống bị đối phương "đuổi cùng, giết tận", dồn mình vào bước đường cùng, hãy nhớ rằng pháp luật dành cho mọi người quyền phòng vệ chính đáng, quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015", Thượng tá Hiếu nói.