"Bóng đá Thiếu Lâm", "Những kẻ côn đồ chơi bóng"
Tháng trước, làng túc cầu Trung Quốc dậy sóng sau khi tiền đạo Wei Shihao (Wuhan Three Town) có hành vi đá vào mặt Xuân Mạnh (Hà Nội FC) trong trận đấu ở AFC Champions League. Sau khi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tuyên án treo giò 3 trận với Wei Shihao, báo giới Trung Quốc còn kêu gọi phạt nặng hơn với tiền đạo này.
Thế nhưng, hành vi bạo lực của Wei Shihao chưa đủ trở thành hồi chuông cảnh tỉnh với các cầu thủ Trung Quốc. Như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Vào hôm qua (29/11), các cầu thủ Zhejiang (Chiết Giang) "quên" hết tất cả sự lên án, để lao vào hỗn chiến khốc liệt với Buriram United cũng tại đấu trường AFC Champions League.
Chỉ trong một thời gian ngắn, vấn nạn bạo lực của bóng đá Trung Quốc liên tục được nhắc tới, thậm chí với mức độ cao hơn (CLB Zhejiang bạo lực ở góc độ tập thể). Đó là nỗi đau không thể xóa nhòa với người Trung Quốc.
Như tờ 163 khẳng định: "Nạn bạo lực không chỉ gây hậu quả cá nhân mà nó tổn hại lớn tới hình ảnh bóng đá Trung Quốc". Tờ báo này tiếp tục nhấn mạnh: "Đạo đức nghề nghiệp rất kém của cầu thủ đã che mờ những nỗ lực phát triển bóng đá Trung Quốc".
Báo giới Hàn Quốc từng gọi đội Olympic Trung Quốc là "đội bóng Thiếu Lâm", ám chỉ tình trạng chơi xấu của đối thủ tại ASIAD 19 (được tổ chức ở Trung Quốc). Ngay cả báo giới nước này cũng không ngớt lời lên án "những kẻ côn đồ chơi bóng" vì tình trạng bạo lực leo thang ở giải bóng đá Trung Quốc.
Điều đáng buồn là tình trạng bạo lực này không tới từ cá nhân riêng lẻ, mà cả hệ thống (bắt đầu từ bóng đá trẻ). Năm 2018, tờ Sohu từng lên án tình trạng "chơi bóng bằng nắm đấm" leo thang ở cấp độ thiếu niên.
Ở giải bóng đá thiếu niên tại Bắc Kinh trong năm đó, các cầu thủ không ngừng đuổi đánh trọng tài sau khi bị thổi phạt đền. Phóng viên Liu Siyuan của CCTV từng thốt lên: "Với những thiếu niên ưa bạo lực như vậy, bóng đá Trung Quốc sẽ đi về đâu?".
Trên khán đài, những người hâm mộ cũng luôn sẵn sàng "đổ thêm dầu vào lửa" bằng những cái đầu nóng. Ở vòng 2 giải vô địch quốc gia Trung Quốc mùa này, cầu thủ Sun Qinhan (Cangzhou Lions) đã lĩnh trọn chai nước từ CĐV Chengdu Rongcheng.
Sau đó, tới vòng 3, nữ phóng viên đã bị CĐV của hai đội Qingdao Hainiu và Beijing Guoan quây chặt. Cô đã nhận những lời chửi rủa không ngớt và cần sự hộ tống rời sân. Cũng ở vòng đấu này, CĐV Dailian "ném" về phía tiền đạo Filipe (Chengdu Rongcheng) lời lẽ phân biệt chủng tộc.
Vấn nạn bạo lực giống như "virus độc hại" dễ lây lan và dần ăn mòn những nỗ lực phát triển bóng đá Trung Quốc. Phóng viên Yuwen của tờ Boxun chỉ ra hai vấn đề quan trọng đẩy lùi bóng đá ở đất nước tỷ dân, đó là "tình trạng bạo lực và dàn xếp tỷ số".
Vấn nạn bạo lực: Càng dập, càng bùng cháy dữ dội
"Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn nạn bạo lực của bóng đá Trung Quốc?", không dưới 10 bài báo đặt ra câu hỏi này trong vài năm trở lại đây. Điều đó cho thấy tình trạng nghiêm trọng của vấn đề. Tờ Sohu thừa nhận: "Dập tắt nạn bạo lực sân cỏ ở Trung Quốc là nhiệm vụ vô cùng khó khăn".
Không phải những người làm bóng đá Trung Quốc không có động thái ngăn chặn. Năm 2010, họ từng mở chiến dịch "chống cơn bão xã hội đen" trong làng bóng đá Trung Quốc. Thế nhưng, tình hình chỉ dịu đi trong thời gian ngắn, trước khi bùng cháy dữ dội hơn.
Liên đoàn bóng đá Trung Quốc từng có án phạt nặng về những "kẻ côn đồ". Hai cầu thủ Wang Chi, Huang Chao từng bị treo giò 8 tháng vì hành vi tấn công trọng tài ở giải hạng 2 Trung Quốc năm 2013. Hay quan chức đội Shenzhen, Guo Xiaofeng, từng lĩnh án cấm tham gia hoạt động bóng đá trong 10 tháng vì đẩy ngã trọng tài.
Cao nhất là Zhao Shitong (Tianjin) bị cấm thi đấu suốt đời và 8 cầu thủ khác của Tianjin bị treo giò từ 3-5 năm vì tham gia ẩu đả tập thể và đánh trọng tài trong trận đấu vào năm 2009.
Thế nhưng, tất cả vẫn chỉ nhằm vào những cá nhân đơn lẻ. Sau khi lĩnh án phạt nặng, hầu hết các cầu thủ đều chọn giải nghệ. Và rồi, con "virus độc hại" bạo lực sân cỏ vẫn tiếp tục lây lan khắp bóng đá Trung Quốc.
Cần nhắc lại vụ của Wei Shihao. Trước khi đá vào mặt Xuân Mạnh, cầu thủ này đã phải nhận hai án phạt nặng trong năm nay vì cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của mình. Hồi tháng 7, cầu thủ này bị Liên đoàn bóng đá Trung Quốc treo giò 6 trận vì có lời lẽ xúc phạm trọng tài. Sau khi trở lại, Wei Shihao tiếp tục bị phạt nguội vì hành vi không đẹp trên sân.
Thế nhưng, điều khiến nhiều người bất ngờ là Wei Shihao vẫn đá chính trong hai trận đấu của đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 gặp Thái Lan và Hàn Quốc vừa qua. Phải chăng sự lên án của dư luận Trung Quốc với Wei Shihao là vô nghĩa?
Cựu trọng tài Ma Chao từng thừa nhận rất sợ hãi mỗi khi cầm còi các trận đấu ở giải Trung Quốc. Ông buộc phải tự bảo vệ mình: "Tôi luôn điều khiển trận đấu chặt chẽ. Chỉ cần cầu thủ có va chạm cơ thể, tôi sẽ thổi còi. Nếu bị phản ứng, tôi sẽ viện lý do để bảo vệ sự an toàn cho cầu thủ". Trọng tài Ma Chao thừa nhận việc ông thổi còi liên tục khiến chất lượng trận đấu giảm sút nhưng ít nhất, điều đó giúp ông an toàn trên sân.
"Ai là người chịu trách nhiệm?", có lẽ báo giới Trung Quốc khó tìm ra câu trả lời. Tình trạng bạo lực sân cỏ vẫn không ngừng lây lan trong làng bóng đá nước này. Nhiều án phạt có thể tiếp tục được đưa ra trong tương lai. Nhưng để giải quyết gốc rễ vấn đề vẫn là bài toán khó.
Không phải đất nước tỷ dân không thể tìm ra 11 cầu thủ giỏi. Vấn đề ở chỗ, họ dẹp yên vấn nạn như bạo lực sân cỏ, dàn xếp tỷ số ra sao, để có thể phát huy nguồn lực và trỗi dậy.