Sài Gòn - TP.HCM là vùng đất hội tụ đa dạng văn hóa, ở đó các giá trị văn hóa không ngừng được kết tụ, vun bồi trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, làm nên bản sắc độc đáo, diện mạo riêng. Theo các chuyên gia, tài nguyên du lịch văn hóa của Thành phố phong phú và đa dạng, tiềm năng lớn, có thể đem lại lợi thế cạnh tranh, thu hút du khách.
Trong bối cảnh thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện đề án phát triển công nghiệp văn hóa, từ cơ chế, chính sách đến thực tiễn, ngành du lịch TP.HCM xác định du lịch văn hóa là một trong những thế mạnh trụ cột, gắn với tiềm năng, lợi thế, cần tập trung tạo sức bật để vươn mạnh, tiến xa một cách bền vững.
Tài nguyên du lịch văn hóa TP.HCM được “đánh thức” bằng những cách thức khác nhau trong tính cách năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm đã trở thành truyền thống của Thành phố mang tên Bác. Đóng vai trò “bệ đỡ” cho sự phát triển đó, không thể không nhắc đến các cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả.
Kéo dài 10 ngày, chia tay bằng đêm trình diễn nghệ thuật ánh sáng từ 1.100 drone lung linh thắp sáng sông Sài Gòn, Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 ghi nhận khoảng 4,5 triệu lượt tương tác trực tiếp từ người dân, du khách.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, ước tính 1,3 triệu lượt khách - gồm 121.000 lượt khách quốc tế và 1,18 triệu lượt khách nội địa - đến TP.HCM trong thời gian lễ hội, đem lại doanh thu du lịch và dịch vụ “khủng” 4.250 tỷ đồng.
Chỉ mới hai mùa tổ chức, Lễ hội Sông nước gần như “trẻ” nhất trong số các lễ hội, sự kiện thường niên tiêu biểu của TP.HCM, song rất được mong chờ. Đây là nỗ lực lẫn kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và ngành du lịch thành phố trong việc tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, góp phần định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Điểm lại loạt lễ hội, sự kiện hút khách từ đầu năm đến nay của TP.HCM - và còn nhiều sự kiện hấp dẫn khác nữa trong mùa du lịch cuối năm, có thể thấy điểm chung: Tất cả được bám vững, tựa chắc trên nền tảng văn hóa, tích cực khai thác tối đa “chất liệu”, vốn văn hóa, đồng thời với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, địa phương.
Sức hút từ các lễ hội, sự kiện cho thấy đó là hướng đi đúng đắn, có thể tạo động lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch văn hóa. Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Bánh mì, Lễ hội Sông nước... đến nay khẳng định được thương hiệu, có thể xem là những sản phẩm du lịch văn hóa ấn tượng, đậm bản sắc Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và Nam Bộ, Việt Nam nói chung.
Tháng 9/2023, TP.HCM vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến lễ hội - sự kiện hàng đầu châu Á” của World Travel Awards. Giải thưởng Du lịch Thế giới đánh giá cao tiềm năng của TP.HCM khi hội tụ đầy đủ yếu tố để bùng nổ, trở thành một trong những địa điểm tổ chức các lễ hội, sự kiện quốc tế lớn.
Làm việc với TP.HCM hồi đầu tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định thành phố là nơi xuất phát, khởi đầu của nhiều sự kiện du lịch, văn hóa trên khắp cả nước, có nhiều cách làm mới, sáng tạo. "TP.HCM đã kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa kinh tế và văn hóa, đã tiệm cận và lượng hóa được nội hàm văn hóa trong phát triển kinh tế, để đi đúng hướng và giữ quan điểm hài hòa, không đánh đổi các giá trị về phát triển kinh tế để ảnh hưởng đến văn hóa xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Khi thành phố lên đèn, không khó để bắt gặp trên khắp nẻo đường phố thị những chiếc xe Vespa cổ điển nối đuôi nhau, phía trước người cầm lái tất cả mặc đồng phục, còn người ngồi sau chỉ toàn… “khách Tây”.
Ngồi Vespa vi vu Sài Gòn, du khách được khám phá cuộc sống về đêm nhộn nhịp của thành phố, nhất là văn hóa ẩm thực hấp dẫn với các món ngon đặc trưng như bánh xèo, bún thịt nướng, chả giò trong danh sách những quán ăn Michelin vinh danh, hay nhiều món hải sản tươi ngon ở “phố ốc” Vĩnh Khánh, quận 4. Theo báo giá từ các công ty du lịch, mỗi khách nước ngoài có thể chi gần 100 USD - hơn 2,2 triệu đồng cho mỗi chuyến food tour chừng 3-4 giờ. Dòng tour này đang được khai thác bởi một số công ty du lịch, lữ hành hướng trọng tâm vào phân khúc inbound, tức du khách quốc tế đến Việt Nam - đối tượng tỏ ra rất hào hứng với nền văn hóa ẩm thực địa phương.
“Hướng dẫn viên và “tài xế” chở tôi rất tuyệt vời. Anh ấy chạy xe cẩn thận trên những con đường đông đúc ở Sài Gòn, nên tôi không quá lo lắng. Đây là một trong những tour ẩm thực, ăn uống tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng trải nghiệm”, Charlotte - du khách đến từ Mexico hào hứng chia sẻ.
Bên cạnh các lễ hội, sự kiện như là những sản phẩm du lịch văn hóa hút khách có tính định kỳ, thời điểm, thì đều đặn vận hành hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, TP.HCM còn có những sản phẩm du lịch đặc trưng khác mang sắc thái du lịch văn hóa rõ nét. Có thể kể đến tour Từ Sài Gòn xưa đến TP.HCM nay đưa du khách qua các địa điểm nhân chứng thời gian, dấu mốc trong dòng chảy lịch sử - văn hóa “Hòn ngọc Viễn Đông” hơn 320 năm tuổi.
Đó là những di sản kiến trúc đáng tự hào, mang tính biểu tượng như Cột cờ Thủ Ngữ, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Khách sạn Continental Sài Gòn, Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh hợp cùng Đường đi bộ Nguyễn Huệ hướng ra Bến Bạch Đằng, Bitexco, Landmark 81...
Lồng ghép vào tour còn có các chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật hấp dẫn, gia tăng trải nghiệm cho du khách như múa rối nước, hay À Ố Show, vở diễn đỉnh cao với những màn nhào lộn, xiếc tre, múa đương đại trên nền nhạc dân tộc và hiện đại...
Các tour Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn, Chuyện “Nhỏ” trong lòng Chợ Lớn, Có một Chợ Lớn rất khác lại đưa du khách vào từng góc phố, con đường trong khu vực quận 5, quận 6 và quận 11, thăm chùa, miếu, hội quán, đạo quán, chợ Thiếc, chợ Bình Tây, khám phá phố chuyên doanh đá quý, đông y, sủi cảo, xem biểu diễn lân - sư - rồng, thưởng thức dimsum, hủ tíu, mì vịt tiềm, bánh hẹ, bột chiên... Điểm nhấn các tour chính là những giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể đặc sắc làm nên bản sắc độc đáo của cộng đồng người Hoa ở TP.HCM. Bên cạnh các sản phẩm tập trung vào giá trị lịch sử, “về nguồn” như tour Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn, hay tour đêm Trăng chiến khu tại Địa đạo Củ Chi, còn có sản phẩm tập trung vào giá trị thiên nhiên, sinh thái, “xanh” như Cần Giờ bản hòa ca thiên nhiên.
Nhiều tour tuyến mới là quả ngọt có được từ chương trình Mỗi quận, huyện một sản phẩm đặc trưng do Sở Du lịch TP.HCM khởi xướng, được giới chuyên môn đánh giá là cách làm năng động, sáng tạo trong khai thác các tài nguyên riêng có, sẵn có, quen mà lạ - lạ mà quen ngay trên “sân nhà”. Qua chương trình, Sở Du lịch và chính quyền 21 quận, huyện, TP Thủ Đức cùng các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành chung tay phát triển các sản phẩm du lịch thú vị mà ở đó, đã tìm tòi, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, “kể” những câu chuyện không đâu có được.
Cũng nói thêm rằng, quyết định chính thức “mở cửa” chào đón người dân, du khách tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia này được xây dựng giai đoạn 1898-1909 và đến nay, vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ cùng những giá trị quý báu của nó. Năm ngoái, chỉ trong vòng 8 tháng, nơi đây đã thu hút gần 11.000 khách tham quan, góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, gần gũi, cởi mở, nối dài thêm danh mục sản phẩm du lịch gắn với văn hóa - lịch sử của thành phố.
Hiện TP.HCM tự hào giới thiệu đến du khách hơn 40 sản phẩm du lịch đặc trưng trải khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức, phù hợp nhiều phân khúc khách hàng. Phần lớn các sản phẩm du lịch “độc, lạ” ấy dựa trên thế mạnh di sản, đặt trọng tâm ở các giá trị văn hóa mang tính truyền thống, bản địa, tạo nên khác biệt trong mỗi hành trình trải nghiệm của du khách.
Tất cả cùng tạo sức sống, nỗ lực đi vào chiều sâu, nâng cấp giá trị, chú trọng chất lượng hơn số lượng cho du lịch văn hóa TP.HCM, tăng sức hấp dẫn của điểm đến.
Công nghiệp văn hóa được xem là “công nghiệp chìa khóa” của thế kỷ 21. Trong bối cảnh mới, bắt kịp xu thế thời đại, Đảng và Nhà nước nêu cao quyết tâm phát triển nhanh, bền vững công nghiệp văn hóa Việt Nam tương xứng tiềm năng, lợi thế, đem lại giá trị gia tăng lớn, phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc.
Nhiệm vụ trọng tâm này trực tiếp được nhắc đến trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII, chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...; hay gần đây nhất, là Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Du lịch văn hóa là một trong 12 ngành/lĩnh vực công nghiệp văn hóa Việt Nam tập trung phát triển, bởi “sẵn có lợi thế, tiềm năng”. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ quan điểm: “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”.
Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững tiếp tục nhấn mạnh: “Phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đa sắc màu văn hóa địa phương, vùng miền; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa trong đó coi trọng du lịch văn hóa”.
Trên tinh thần chung đó, TP.HCM - một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, “đầu tàu” khu vực phía Nam, xác định công nghiệp văn hóa là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ tiềm năng, lợi thế và đánh giá về đặc thù, năng lực cạnh tranh, TP.HCM lựa chọn 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa để ưu tiên phát triển, trong đó có du lịch văn hóa, theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030 của UBND TP.HCM.
Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thường gọi là Nghị quyết 98, đem đến cơ hội lớn, khơi thông tối đa các nguồn lực để Thành phố tạo đà bứt phá, vượt lên.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Nghị quyết 98 với 44 cơ chế, chính sách đặc thù. “Vận dụng Nghị quyết 98” linh hoạt, hiệu quả trở thành từ khóa then chốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý đô thị. Một số cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, tạo đồng thuận cao trong xã hội, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Như một điểm son trong vận dụng sáng tạo Nghị quyết 98 để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển văn hóa, mới đây, ngày 15/10/2024, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa - thể thao thành phố.
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng các thiết chế văn hóa, thể thao như nhà hát, bảo tàng, trung tâm nghệ thuật... của TP.HCM còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư ngang tầm so với yêu cầu phát triển, lãnh đạo Thành phố bày tỏ băn khoăn, trăn trở làm sao để TP.HCM đủ năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ khu vực, châu lục, đưa Thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Tại hội nghị, TP.HCM kêu gọi đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP) với 40 dự án, trong đó có 23 dự án được HĐND thông qua danh mục đầu tư, tổng vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng. Đó là những dự án trọng điểm, quy mô lớn, kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của TP.HCM.
Chủ trì hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia bằng tình cảm, bằng đam mê, trách nhiệm, và khẳng định: “TP.HCM cam kết sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư và sẽ tạo những điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách cho nhà đầu tư tham gia”.
Quyết sách ấy sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, tạo tiền đề phát triển du lịch văn hóa - một trong những trụ cột của ngành du lịch TP.HCM.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nâng cao nhận thức rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc.
Đối với du lịch văn hóa, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đây là loại hình du lịch “chất lượng”, một trong những thị trường du lịch toàn cầu lớn nhất và phát triển nhanh nhất. Du lịch văn hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày càng mạnh mẽ của người dân, du khách.
Không đâu khác ngoài du lịch văn hóa là nơi chứng kiến mối quan hệ biện chứng, tương tác hai chiều giữa văn hóa và du lịch, để có thể tăng cường sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các địa phương lẫn các quốc gia.
Yếu tố văn hóa, theo OECD, ngày càng trở nên quan trọng trong sản phẩm du lịch, giúp phát triển lợi thế so sánh trong thị trường ngày càng cạnh tranh, “tạo ra khác biệt địa phương trong khi đối diện toàn cầu hóa”.
Ngược lại, hoạt động du lịch có thể được lồng ghép vào các chiến lược phát triển văn hóa, nâng cao văn hóa, cấp phương tiện quan trọng, tạo thu nhập để hỗ trợ và củng cố di sản văn hóa, sản xuất văn hóa và sáng tạo.
Nói cách khác, phát triển du lịch văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực “kép”, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế xã hội thông qua tăng trưởng du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa, mà còn góp sức trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Du lịch văn hóa đóng góp vào sự thịnh vượng của TP.HCM, góp phần khẳng định vị thế điểm đến “An toàn - Sống động - Cởi mở - Trẻ trung - Đầy hứng khởi”. Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong 10 tháng năm 2024, Thành phố đã đón hơn 35,5 triệu lượt khách, trong đó, lượng khách quốc tế đạt gần 4,7 triệu lượt, khách nội địa gần 31 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 156.649 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước, đạt 82,4% kế hoạch năm.
Thực tiễn phát triển du lịch văn hóa TP.HCM cho thấy địa phương đã và đang có những bước đi mạnh mẽ, gặt hái được thành tựu, cùng với đó là tiềm năng và dư địa lớn. Song, để thực sự chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành những giá trị kinh tế du lịch, đưa du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa xứng đáng kỳ vọng và niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, vẫn còn đó không ít thách thức, nhất là trong xu hướng toàn cầu hóa và số hóa hiện nay.
Ngành du lịch TP.HCM xác định tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung truyền thông, quảng bá điểm đến và thương hiệu du lịch Thành phố, thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch...
Với tầm nhìn vươn mình trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Đông Nam Á, trung tâm công nghiệp văn hóa của quốc gia lẫn toàn khu vực, chắc chắn, các bên liên quan và ngành du lịch Thành phố cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong dài hạn để khai thác “mỏ vàng” du lịch văn hóa quý giá này.
Cơ chế, chính sách đã tạo đường băng. Du lịch văn hóa TP.HCM sẵn sàng cất cánh!
Ngọc Hương - Phúc Thịnh