Nâng lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2 vẫn không 'thấm vào đâu'

Thiều Trang - Phùng Nhung| 25/08/2022 14:48

Trước đề xuất nâng lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2, nhiều người tỏ ra không mặn mà vì lương dù tăng nhưng vẫn ở mức rất thấp.

Nâng lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2 vẫn không
Bộ Y tế đề xuất nâng lương khởi điểm lên bậc 2. Ảnh: Thiều Trang

Không có nhiều ý nghĩa

Theo đề xuất của Bộ Y tế, nếu mức lương khởi điểm của bác sĩ được nâng lên bậc 2 (2,67), số lương (chưa tính phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) sẽ là 3.978.300 đồng, tăng 491.700 đồng/tháng so với mức lương hiện nay.

Tiếp nhận thông tin này, bác sĩ Hùng Võ, hiện đang công tác tại một bệnh viện đa khoa ở khu vực Tây Nguyên cho biết, mức tăng đề xuất như trên không mang nhiều ý nghĩa, vấn đề lương của bác sĩ cần được giải quyết thỏa đáng hơn.

“Tăng mức lương khởi điểm lên 491.700 đồng/tháng có thể là tin vui đối với các bác sĩ mới ra trường. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công, mức lương đó chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Nó chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, cũng chưa cải thiện được là bao. Vấn đề gốc rễ là cơ chế lương vẫn chưa thỏa đáng" - bác sĩ Hùng Võ bày tỏ.

Chia sẻ về chính trường hợp của mình, bác sĩ Minh Hải - công tác tại bệnh viện tuyến tỉnh - bộc bạch: "Ngày thi đại học, điểm của tôi là 29,5 điểm, tôi đỗ vào trường Y. Sau đó, bố mẹ còng lưng nuôi tôi ăn học, cuối cùng sau 6 năm cũng tốt nghiệp. Thế nhưng, sau 4 năm ra trường và phục vụ tại bệnh viện công, lương của tôi chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng".

Bác sĩ Minh Hải cho rằng, đề xuất nâng lương khởi điểm lên bậc 2 rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. 491.700 đồng/tháng không có nhiều ý nghĩa, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Sinh viên không mặn mà

Theo dõi thông tin về lương bác sĩ trong nhiều ngày qua, Hồng Sơn - sinh viên Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) cho rằng, đề xuất nâng lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2 không "thấm vào đâu". Bởi học 6 năm ra trường và mất thêm 18 tháng để có chứng chỉ hành nghề bác sĩ, số tiền mà sinh viên trường y phải bỏ ra để theo học không hề rẻ. Đặc biệt, các trường còn có xu hướng tăng học phí.

“Chi phí đào tạo 1 năm học của trường em rơi vào khoảng 15-16 triệu đồng và mỗi năm sẽ tăng 10% học phí. Chưa kể các khoản khác như đồng phục, giáo trình, đồ dùng để học tập, chi phí ăn ở, sinh hoạt... Mức lương khởi điểm dù tăng nhưng còn thấp hơn tiền học và sinh hoạt phí thời sinh viên” - Hồng Sơn thở dài ngao ngán. 

Sinh viên này cũng cho biết, bản thân đã chứng kiến rất nhiều anh chị  bỏ nghề vì mức lương “rẻ như bèo”. Bố mẹ mong Sơn có nghề nghiệp ổn định để lo cho bản thân và gia đình. Nhưng với mức lương này, nam sinh luôn đặt câu hỏi: Ra trường có nên theo nghề hay không?

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Phương Thúy - sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa cho biết: "Em cứ ngỡ học giỏi, thi đại học điểm cao, vào trường Y là hãnh diện, giờ nhìn các bạn đồng trang lứa đi làm mới biết ai hơn ai".

Thúy cho biết, đối với nhiều ngành đào tạo khác, sau 4 năm học, tốt nghiệp ra trường, các bạn có thể đi làm luôn, mức lương khởi điểm dao động từ 8-10 triệu đồng. Nhưng với sinh viên trường Y sau khi học tập 6 năm và tốt nghiệp ra trường, đó mới tạm gọi là “xóa mù”.

"Sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với đề xuất mới của Bộ Y tế sẽ tăng lên 3.978.300 đồng.

Mức lương này chưa bằng một nửa lương cơ bản của các bạn em. Trong khi đó, mọi người đã đi làm trước em 2 năm, thậm chí là 3-4 năm" - Thúy bộc bạch.

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Đồng thời, sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nâng lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2 vẫn không 'thấm vào đâu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO