Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu

04/05/2024 06:43

Suốt thời gian qua, nhiều nhà khoa học và tổ chức y tế đã tham gia vào công tác nghiên cứu, để giải mã nguyên nhân gây ra tình trạng đông máu ở một số trường hợp tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Tháng 4/2021, Kate Scott, một người phụ nữ ở Anh trải qua giai đoạn tồi tệ nhất, khi chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh viện đã 3 lần gọi điện báo tin chồng cô - Jamie Scott - có khả năng tử vong cao.

Trước đó, Jamie Scott đã bị đột quỵ, chảy máu não do một cục máu đông phát triển chỉ một ngày sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Jamie Scott được cứu sống nhưng anh phải rời bệnh viện với tổn thương não không thể phục hồi.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 1

Jamie Scott (trái) được cứu sống nhưng anh phải rời bệnh viện với tổn thương não không thể phục hồi (Ảnh: Andrew Fox).

Ngay sau đó, ông bố 2 con này đã đệ đơn kiện AstraZeneca, mở đầu cho hàng loạt đơn kiện liên quan đến loại vaccine Covid-19 nổi tiếng của hãng dược này.

Tính đến nay, có 51 vụ kiện đã được đưa ra tại Tòa án tối cao. Khoản bồi thường được yêu cầu ước tính lên đến 100 triệu bảng Anh.

Luật sư của Jamie Scott lập luận rằng, vaccine Covid-19 của AstraZeneca bị "lỗi" và hiệu quả của nó đã được "phóng đại rất nhiều". Ở phía ngược lại, AstraZeneca đã phủ nhận cáo buộc này.

Từ "người hùng" của đại dịch đến lùm xùm huyết khối

Mới đây, truyền thông quốc tế và trong nước đồng loạt đưa tin về việc AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao rằng, vaccine Covid-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)".

Khi đó, bệnh nhân sẽ có cục máu đông và số lượng tiểu cầu trong máu thấp.

Tuy nhiên, trong văn bản này cũng nêu rõ cơ chế gây ra tác dụng phụ vẫn chưa được xác định.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 2

Trên thực tế, trước khi AstraZeneca thừa nhận vấn đề này, giới khoa học đã nhận ra mối liên quan giữa vaccine Covid-19 của hãng với nguy cơ huyết khối chỉ vài tháng sau khi chiến dịch tiêm chủng khởi động.

Theo đó, trong thời gian đầu loại vaccine này được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỷ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện huyết khối.

Sau đó, vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã không được khuyến nghị cho những người dưới 40 tuổi ở Anh vì rủi ro của việc tiêm vaccine này cao hơn nguy cơ từ Covid-19.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 3

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiện không còn được sử dụng ở Anh (Ảnh minh họa: Getty).

Các số liệu chính thức của Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) cho thấy, ít nhất có 81 người đã tử vong ở Anh bị nghi liên quan đến phản ứng phụ đông máu sau tiêm chủng.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiện không còn được sử dụng ở Anh.

Quay trở lại với vụ kiện, các nguyên đơn và luật sư của họ nghi ngờ về công tác giám sát và triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 của Chính phủ Anh.

Họ đã chỉ ra rằng, Đức đã tạm ngừng sử dụng vaccine này cho nhóm dưới 60 tuổi vào cuối tháng 3 năm 2021 vì lo ngại về nguy cơ đông máu.

Trong khi đó tại Anh, phải đến 7/4, cơ quan của Chính phủ mới đề xuất sử dụng vaccine thay thế cho sản phẩm của AstraZeneca ở người dưới 30 tuổi (sau được sửa đổi thành người dưới 40 tuổi).

Các con số chính thức cho thấy trong số 148 khoản thanh toán được thực hiện bởi Chương trình Bồi thường Thiệt hại từ Vaccine ở Anh, ít nhất có 144 người liên quan vaccine của AstraZeneca.

Tuy nhiên, những người nhận bồi thường khiếu nại rằng, mức thanh toán là 120.000 bảng Anh là không đủ bù đắp thiệt hại, buộc họ phải kiện Tập đoàn AstraZeneca ra Tòa án Tối cao.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 4

AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông (Ảnh: Getty).

Kate Scott nói với Telegraph: "Thế giới y học đã công nhận từ lâu rằng viêm tiểu cầu máu và huyết khối là do vaccine gây ra. Chỉ có AstraZeneca mới nghi ngờ liệu tình trạng của Jamie có phải là do tiêm chủng không.

Mất ba năm để thừa nhận điều này. Đó là một sự tiến triển, nhưng chúng tôi muốn thấy nhiều hơn từ họ và Chính phủ. Đã đến lúc mọi thứ diễn ra nhanh hơn.

Tôi hy vọng việc thừa nhận của họ có nghĩa là chúng ta sẽ có thể giải quyết vấn đề này sớm hơn. Chúng tôi cần một lời xin lỗi, bồi thường công bằng cho gia đình của chúng tôi và các gia đình khác đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi có sự thật ở phía sau, và chúng tôi sẽ không từ bỏ".

Tránh những hoang mang không cần thiết

Trước thông tin AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông, ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19 của Astra Zeneca cũng đã được cảnh báo.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 5

Việt Nam đã tiêm hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Ngay từ đầu, chúng ta đã rất thận trọng trong tiêm chủng, mọi người đều phải khám sàng lọc rất kĩ trước khi tiêm chủng. Quy trình tiêm chủng được xây dựng chặt chẽ, người dân được kiểm tra trước tiêm, giám sát sức khỏe chặt chẽ sau tiêm", PGS Khuê cho biết.

Mọi người dân trước tiêm chủng đều được kiểm tra huyết áp, theo dõi sau tiêm chủng, đặc biệt với nhóm đối tượng nguy cơ cao việc chỉ định tiêm, theo dõi sau tiêm càng thận trọng hơn.

Sau này, trong quá trình theo dõi, cho thấy nguy cơ tai biến ít nên quy trình tiêm được điều chỉnh, có những bệnh nhân huyết áp cao vẫn được tiêm chủng.

PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khuyến cáo người dân cần hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết.

Theo ông, kết quả kiểm tra của Ủy ban Dược châu Âu cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp và gần như không có ý nghĩa thống kê.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 6

"Cần biết rằng ở cộng đồng châu Âu có tỷ lệ huyết khối tự nhiên cao nếu so với các cộng đồng khác, đặc biệt là châu Á", PGS Thái cho hay.

Theo PGS Thái, đã có hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.

"Đây là một tỷ lệ vô cùng thấp. Tại Việt Nam chưa ghi nhận sự chênh lệch có ý nghĩa trong cộng đồng. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vaccine có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm", PGS Thái phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi dùng vaccine. Hiện tại, Việt Nam cũng đã dừng triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca khá lâu và đến nay không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào có phản ứng bất lợi sau tiêm.

Loạt giả thuyết về thủ phạm gây đông máu

AZD1222 là tên gọi của loại vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển. Đây cũng là một trong những loại vaccine Covid-19 đầu tiên được đưa vào tiêm chủng.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca sử dụng vector chính là virus adeno đã mất khả năng sao chép từ tinh tinh, để vận chuyển protein gai bề mặt của SARS-CoV-2.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 7

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca sử dụng vector chính là virus adeno đã mất khả năng sao chép từ tinh tinh, để vận chuyển protein gai bề mặt của SARS-CoV-2 (Ảnh: Getty).

Các protein gai này cũng là mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch khi mà virus SARS-CoV-2 xâm nhập.

Suốt thời gian qua, nhiều nhà khoa học và tổ chức y tế đã tham gia vào công tác nghiên cứu, để giải mã nguyên nhân gây ra tình trạng đông máu ở một số trường hợp tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Theo The Conversation, ở những người có tình trạng này, có vấn đề xảy ra ở phản ứng miễn dịch. Việc này khiến cơ thể tạo ra kháng thể có thể kết dính vào một trong những protein tự nhiên của cơ thể.

Protein này được gọi là yếu tố tiểu cầu 4 (PF4). Trên thực tế, khi bị nhiễm trùng, nhiều người tạo ra kháng thể có thể dính vào PF4 như một phần của phản ứng miễn dịch, nhưng những kháng thể này thường có độ dính yếu.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 8

Nhiều nhà khoa học và tổ chức y tế đã tham gia vào công tác nghiên cứu, để giải mã nguyên nhân gây ra tình trạng đông máu ở một số trường hợp tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca (Ảnh: Getty).

Với những người bị đông máu khi tiêm vaccine, kháng thể hình thành có thể dính rất chặt vào PF4, tạo thành cấu trúc lớn hơn gọi là "phức hợp miễn dịch".

Những phức hợp này kết dính với nhau và kích hoạt tiểu cầu. Thông thường, tiểu cầu trôi nổi trong máu ở trạng thái không hoạt động, nhưng một khi kích hoạt, chúng sẽ tạo nên một "tấm lưới" hình thành các cục máu đông.

Cuối tháng 5/2021, Guardian đưa tin, một nhóm nhà khoa học ở Đức tin rằng họ dường như đã tìm ra nguyên nhân vì sao một số người tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson bị đông máu.

Theo GS Rolf Marschalek từ Đại học Goethe và các cộng sự, mấu chốt ở đây nằm ở virus adeno.

Các nhà khoa học Đức tin rằng vấn đề nằm ở cơ chế đưa gai protein của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể người sử dụng vector của virus adeno. ADN của gai protein được đưa vào phần nhân tế bào người, thay vì vùng dịch tế bào.

Khi xâm nhập vào nhân tế bào người, một số thành phần của gai protein hoặc liên kết, hoặc tách rời và có nguy cơ tạo nên các chuỗi protein đột biến đi vào cơ thể người và có thể gây ra hiện tượng đông máu.

Những cục máu đông này thường ảnh hưởng đến các tĩnh mạch xung quanh não. Do đó nhiều trường hợp bị tình trạng đông máu sau tiêm vaccine Covid-19 đã báo cáo gặp phải triệu chứng đau đầu dữ dội.

Hàng tỷ tiểu cầu tham gia vào quá trình hình thành nên các cục máu đông này nên dẫn đến tình trạng lượng tiểu cầu trong máu thấp. Ở một số bệnh nhân, điều này dẫn đến chảy máu nặng.

Cán cân rủi ro và lợi ích

Việc đánh giá chính xác về lợi ích và rủi ro của một chủng vaccine vẫn còn là điều đang gây nhiều tranh cãi.

Theo nhà khoa học R Ganga Ketkar, cựu thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR), người có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế phòng chống dịch Covid-19 của Ấn Độ, các triệu chứng của đông máu kèm TTS thường chỉ có thể xảy ra trong cơ thể từ 5 đến 30 ngày sau khi tiêm vaccine.

Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu - 9

Nói cách khác, những người đã khỏe mạnh sau một tháng kể từ khi tiêm vaccine hầu như đều có thể tránh được rủi ro này.

"Lợi ích của vaccine lớn hơn rủi ro", ông Ketkar cho biết trong một phỏng vấn với tờ Economic Times. "Mọi người không nên lo lắng quá mức, vì số ca mắc rất hiếm và TTS chỉ phát triển trong vòng 5-30 ngày sau khi tiêm vaccine", ông Ketkar nhấn mạnh.

Nghiên cứu độc lập cho thấy vaccine AstraZeneca đã rất hiệu quả trong việc đối phó với đại dịch, cứu sống hơn 6 triệu người trên toàn thế giới trong năm đầu tiên được triển khai.

Năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, loại vaccine này "an toàn và hiệu quả cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên" và tác dụng phụ nêu trên "rất hiếm".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Toàn cảnh vụ AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO