Chỉ tính riêng trong ngày 3.5, số bệnh nhân nhập mới là 81 ca, giảm mạnh so với ngày trước đó.
Trong số trường hợp nhập viện, hiện nay đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (352 trường hợp), bệnh viện Cao su Đồng Nai (23 trường hợp). Còn lại là các trường hợp chuyển viện, xuất viện, cấp toa thuốc chữa trị tại nhà do bị nhẹ.
Đáng chú ý, sau 4 ngày xảy ra vụ ngộ độc có 117 trẻ em phải nhập viện. Trong đó, có 8 trường hợp nặng đang chữa trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai (TP Biên Hòa) và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Bình nhận định, số ca ngộ độc liên quan đến tiệm bánh mì Băng đang có xu hướng giảm và hết dần. Dù vậy, đối với 2 ca bệnh nhi nặng đang phải lọc máu, thở máy, ngành y tế đã mời các chuyên gia tại TPHCM xuống hỗ trợ chuyên môn, cứu chữa tích cực.
Báo cáo nhanh của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) cho biết, tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì Băng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh.
Theo đại diện cơ sở bánh mì, nguồn nguyên liệu thực phẩm dùng để chế biến bánh mì được lấy từ nhiều nơi. Trong đó, bánh mì mua tại lò D-M; thịt heo (có hợp đồng) mua thịt; dưa leo, củ cải trắng và cà rốt mua tại chợ Long Khánh (không có hợp đồng); thịt nguội mua từ cơ sở T.K (không có hợp đồng); chả lụa mua từ cơ sở T.C (không có hợp đồng)…
Tiệm bánh mì Băng kinh doanh trên đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh với quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày, bán vào 2 buổi sáng - chiều.
Ngày 3.5, làm việc tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế - cũng đề nghị ngành y tế tỉnh Đồng Nai tập trung cứu chữa người bệnh, huy động tất cả nhân lực, trang thiết bị, đề nghị hỗ trợ gia đình khó khăn để họ yên tâm điều trị.