Tâm lý hậu COVID-19
Thời gian qua, nhiều người nói về hậu COVID-19 nhiều đến mức có suy nghĩ không sợ trở thành F0, chỉ sợ hậu COVID-19. Trên mạng xã hội tràn lan những đơn thuốc chữa hậu COVID-19 với lời mời chào hấp dẫn. Điểm chung của những bài viết bán thuốc chữa hậu COVID-19 là đều không có nguồn gốc xuất xứ, bao bì chỉ toàn tiếng nước ngoài. Những loại thuốc thường được đi kèm với chức năng hấp dẫn như "hư chỗ nào, thuốc sẽ chữa chỗ đó", "nếu không uống, tình trạng sẽ nặng hơn nữa", "thuốc này thấm sâu vào tế bào, trị tận gốc hậu COVID-19 mà không cần tập luyện",…
Tại phòng khám hậu COVID-19 của Bệnh viện Thanh Nhàn, ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch COVID-19 cho biết, mỗi ngày có khoảng 100 người đến khám di chứng hậu COVID-19. Đối tượng chủ yếu là người già trên 60 tuổi, cá biệt một số người trẻ, triệu chứng phổ biến là khó thở, hụt hơi, giảm thể lực, mất ngủ, khó tập trung, rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Hường cảnh báo, nhiều người bệnh nói rằng tự ý sử dụng các loại thuốc bổ để chữa hậu COVID-19. Tuy nhiên, bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Trước thông tin "dùng thuốc kháng virus để tránh hậu COVID-19", bác sĩ Hường khẳng định chưa có nghiên cứu nào chỉ ra uống thuốc kháng virus có thể phòng được di chứng hậu COVID-19.
"Nếu có bất thường hậu COVID-19, người dân nên đi khám sớm để phát hiện các tổn thương. Người bệnh nên sử dụng các loại thuốc chính thống, được bác sĩ kê đơn và chỉ định để tránh tiền mất tật mang và những nguy hiểm không đáng có", bác sĩ Hường nói.
Hậu COVID-19, hiểu để không hoang mang
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, thời gian này, người bệnh hay gửi cho ông những toa thuốc, đơn thuốc về hậu COVID-19 không rõ nguồn gốc. Theo ông, trên thực tế, không có đơn thuốc nào gọi là chữa hậu COVID-19, người dân hết sức bình tĩnh, không hoang mang và lo lắng thái quá.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, tùy theo triệu chứng hậu COVID-19, người bệnh chỉ cần tập luyện, nâng cao sức khỏe và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
TS.BS Quan Thế Dân, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị Tích cực Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành cho biết, hậu COVID-19 được định nghĩa là những triệu chứng còn kéo dài sau khi mắc COVID-19 3 tháng. Theo quy luật nói chung, tất cả bệnh của con người sau giai đoạn cấp tính đều cần có thời gian hồi phục, COVID-19 cũng vậy.
Theo bác sĩ Dân, sau một thời gian khỏi COVID-19, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, ho kéo dài, khó thở, chán ăn, mất ngủ, hồi hộp, lo âu. Các triệu chứng này thường là nhẹ và sẽ tự hết sau một vài tháng. Những trường hợp mắc COVID-19 nặng, trước đó phải điều trị trong bệnh viện thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.
Theo bác sĩ Dân, biến chứng hậu COVID-19 thực sự đáng lo ngại nhất là hội chứng viêm đa cơ quan, gặp ở trẻ em. Tuy nhiên số trẻ mắc hội chứng này rất hiếm. Bố mẹ cần chú ý, trẻ khỏi COVID-19 nếu đột nhiên sốt cao trở lại, kèm nổi ban, khó thở, li bì thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
TS.BS Quan Thế Dân cho biết, phần lớn các triệu chứng hậu COVID-19 sẽ tự giảm dần rồi hết, nên người bệnh không cần phải điều trị. Một số trường hợp còn ho kéo dài, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa thì có thể dùng thêm một số thuốc hỗ trợ thông thường như thuốc giảm ho long đờm, thuốc an thần thảo dược, men tiêu hóa…
Trên mạng xã hội xuất hiện những loại thuốc, thực phẩm chức năng đắt tiền với quảng cáo chữa hậu COVID-19, theo bác sĩ Dân là "không giúp ích gì nhiều, chỉ gây tốn tiền vô ích".
Để phục hồi sau COVID-19, bác sĩ Dân khuyến cáo người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống dễ tiêu, uống đủ nước, tập thở nhẹ nhàng. Người trước đó có tổn thương phổi cần có bài tập riêng về thở để phục hồi chức năng hô hấp. Sau một thời gian các triệu chứng sẽ mất dần, người bệnh sẽ dần dần quay lại cuộc sống bình thường như trước.
Thực tế là một phần các rối loạn hậu COVID-19 là các rối loạn về tâm lý, lo âu, gây nên hồi hộp tim đập nhanh, hụt hơi, không có sức, mất ngủ, chán ăn. Người bệnh cần giữ một tâm lý bình tĩnh lạc quan, không lo lắng thái quá sẽ giúp làm giảm các rối loạn.