Bác sĩ chia sẻ cách phát hiện di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em

Trang Thiều| 23/03/2022 17:45

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng COVID-19 ở trẻ em nhẹ hơn so với người lớn, số chuyển nặng và nhập viện ít, nhưng vẫn có nhiều trường hợp trẻ sau mắc COVID-19 xuất hiện triệu chứng kéo dài.

Bác sĩ chia sẻ cách phát hiện di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em
Với trẻ em, hậu COVID-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài. Ảnh: LĐO

Hậu COVID-19 là gì?

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay có rất nhiều thuật ngữ cùng tồn tại như: hậu COVID-19 (post-COVID-19), COVID-19 mạn tính (chronic COVID-19) hay tình trạng COVID-19 kéo dài (long COVID-19). Tuy nhiên, thuật ngữ hậu COVID-19 được sử dụng phổ biến.

Với trẻ em, hậu COVID-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở… trẻ gặp phải sau mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ.

Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Các tổn thương hậu COVID-19

Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân Y 103 đã chia sẻ cụ thể về các tổn thương hậu COVID-19 như sau:

Về hô hấp, trẻ có biểu hiện đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng và ho đờm. Đặc biệt khó thở hơn khi tập thể dục. Theo đó, một số triệu chứng này có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn.

Về tim mạch, trẻ đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều hoặc rối loạn nhịp, hồi hộp trống ngực và mệt mỏi nhanh; huyết áp và nhịp tim thay đổi (cần đo tại cơ sở y tế).

Về vị giác, khứu giác, trẻ có biểu hiện là bỏ bú, bỏ ăn (do không nhận ra mùi vị của sữa mẹ). Giai đoạn hiện nay triệu chứng này ít gặp hơn, thay vào đó là ho kéo dài, đau rát họng và sốt phát ban lành tính.

Về hệ thần kinh - tâm thần, trẻ có thể khó ngủ, ngủ không sâu giấc, khó tập trung, hay lơ đãng, giảm trí nhớ hoặc hay cáu gắt. Có thể đau đầu nhưng tỉ lệ rất thấp.

Về hệ tiêu hóa, COVID-19 có khả năng làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm làm giàu các sinh vật cơ hội (bất lợi) và làm cạn kiệt các chủng vi sinh thường trú (có lợi) dẫn đến bé có thể buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng (thường không lẫn máu), rối loạn đại tràng.

Về da, niêm mạc, tóc và móng tay, trẻ xuất hiện mề đay, mẩn, sẩn đỏ, móng tay móng chân COVID-19, rụng tóc nhiều.

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em do COVID-19 - tình trạng viêm hiếm gặp và nghiêm trọng, có thể xuất hiện vài tuần sau khi trẻ khỏi bệnh COVID-19. Hội chứng này gây ra tình trạng viêm sâu khắp cơ thể trẻ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng lớn trong cơ thể.

Phát hiện di chứng hậu COVID-19 ở trẻ

Theo tài liệu hướng dẫn của Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội thầy thuốc Trẻ Việt Nam, trẻ cần đi khám tại bệnh viện nếu đã từng mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19 hoặc sống trong vùng dịch và có một trong các dấu hiệu sau:

Sốt cao liên tục, nổi ban đỏ hoặc xung huyết kết mạc, phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; nôn, đau bụng, tiêu chảy, lơ mơ, li bì, co giật, tiểu ít; phù chân, phù mí mắt.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, khi cha mẹ thấy trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/ triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý.

Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có). Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4 – 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chia sẻ cách phát hiện di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO