Du lịch nghỉ lễ ngày nắng nóng, đừng quên 'bỏ túi' 6 điều này

28/04/2024 09:17

Nắng nóng gay gắt bao trùm cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Các chuyên gia đánh giá thời tiết khốc liệt bất thường và lưu ý người dân cách bảo vệ sức khoẻ khi đi du lịch dịp này

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết chủ đạo trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 ở cả ba miền đều là nắng nóng. Đáng nói nhiều nơi nhiệt độ dự báo vượt mốc 41 độ C.

Cơ quan này cho rằng trong 10 năm qua, chưa có năm nào cả ba miền Bắc, Trung, Nam cùng xảy ra nắng nóng trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Du lịch nghỉ lễ ngày nắng nóng, đừng quên
Nắng nóng gay gắt có thể tác động xấu cho sức khoẻ

Nắng nóng có hại cho sức khỏe thế nào?

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), các vấn đề sức khỏe thường gặp do nắng nóng là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Ở mức độ nhẹ, cơ thể sẽ mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Ở mức độ nặng, sẽ đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.

Vào những dịp nghỉ lễ kéo dài, đi du lịch được xem là một nhu cầu thiết yếu của nhiều người. Do đó, để có một chuyến du lịch hoàn hảo trong ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế cho rằng việc đảm bảo sức khỏe là một yếu tố quan trọng và cần thiết.

Nếu là người thích đi du lịch, hãy "bỏ túi" 6 điều dưới đây để có thể tận hưởng kỳ nghỉ thật thoải mái.

Mặc quần áo rộng, thoáng mát, sáng màu

Việc mặc quần áo quá dày, bó sát cơ thể hoặc mặc quá nhiều quần áo sẽ không giúp cơ thể hạ nhiệt hiệu quả. Khi đi du lịch nên chọn bộ quần áo có màu sáng để ít hấp thụ ánh nắng hơn và tăng cảm giác mát mẻ.

Uống đủ nước

Hãy uống đủ lượng nước cần thiết để cơ thể không bị thiếu nước. Hãy mang theo một chai nước lớn khi đi du lịch vì một người bình thường cần nạp đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.

Nhu cầu này có thể tăng lên khi ở ngoài nắng lâu. Có thể bổ sung bằng nước lọc, nước khoáng, nước trái cây hoặc các nước uống thể thao chứa nhiều chất điện giải. Hãy uống nước kể cả khi không thấy khát.

Du lịch nghỉ lễ ngày nắng nóng, đừng quên
Bảo vệ cơ thể khỏi tia UV bằng rộng vành khi đi du lịch

Bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím:

Đội một chiếc mũ rộng vành, mang theo ô, mặc áo chống nắng, đeo kính râm, đồng thời sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30 trở lên.

Thoa một lượng vừa đủ kem chống nắng 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài trời. Thoa lại cho toàn bộ cơ thể sau mỗi 2 giờ ở ngoài trời. Nếu đang đi biển, bơi trong hồ hoặc đổ mồ hôi nhiều thì nên thoa lại kem sau mỗi 1 giờ sử dụng.

Tránh đồ uống có cồn và chất caffeine

Cà phê chứa chất caffeine có thể gây mất nước, đồng thời có tác dụng lợi tiểu. Vì vậy, nếu uống cà phê, nên uống thêm nước để bổ sung nước cho cơ thể.

Ngoài ra, với các loại đồ uống có cồn (bao gồm cocktail hỗn hợp, bia, rượu hoặc rượu mạnh...) khiến bạn đi tiểu nhiều, đồng thời làm tăng nguy cơ mất nước.

Du lịch nghỉ lễ ngày nắng nóng, đừng quên
Uống nước nhiều hơn bình thường là cách giảm nhiệt độ của cơ thể giữa trời nắng nóng

Tránh các món ăn có gia vị cay

Đồ ăn cay, nóng khiến cơ thể tăng nhiệt và tốc độ chuyển hóa. Nếu ăn đồ cay nóng trong thời gian dài sẽ khiến bạn bị nổi mụn, lở miệng, nóng rát vùng dạ dày,... Do đó nếu bạn thích ăn cay thì nên hạn chế ăn thường xuyên để không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trong thời tiết oi nóng.

Mang theo một số thuốc thiết yếu

Khi đi du lịch, thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước, điện giải, men tiêu hóa... là những loại thuốc các bạn luôn phải có trong vali. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, nên uống dung dịch điện giải để bù nước cho cơ thể. Sau đó, hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Với mức độ nhẹ cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10-15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.

Nếu nạn nhân biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/du-lich-nghi-le-ngay-nang-nong-dung-quen-bo-tui-6-dieu-nay-196240427232932816.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/du-lich-nghi-le-ngay-nang-nong-dung-quen-bo-tui-6-dieu-nay-196240427232932816.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nghỉ lễ ngày nắng nóng, đừng quên 'bỏ túi' 6 điều này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO