Doanh nghiệp quay cuồng giữa 'bão' giá nguyên liệu đầu vào

20/09/2022 07:40

Giá nhiều loại hàng hóa là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất liên tục tăng, có loại tăng tới 50% khiến doanh nghiệp như ngồi trên lửa.

Xem thêm: 'Bão giá' thịt lợn: Người nuôi gồng lỗ, dân mua đắt đỏ, thương lái ăn dày

Hơn một năm nay, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” buộc nhiều doanh nghiệp phải tự bù lỗ, chấp nhận giảm lợi nhuận để cầm cự.

Doanh nghiệp quay cuồng giữa 'bão' giá nguyên liệu đầu vào - 1

Doanh nghiệp chăn nuôi gặp khó vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

Lo thua lỗ, mất thị phần

Ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh F&B cho biết: “Nguyên liệu đầu vào chủ yếu của chúng tôi là bột sữa, cà phê và trà. Trong đó, bột sữa và cà phê là những nguyên liệu tăng giá mạnh nhất.

Từ năm ngoái đến năm nay, sữa đã tăng giá 4-5 lần, mỗi lần khoảng 5-7% đến nay mức tăng đã là gần 50%. Nguyên liệu cà phê cũng ghi nhận mức tăng tương ứng. Ví dụ như cà phê arabica năm ngoái chúng tôi nhập với giá khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg thì nay giá khoảng 135.000 - 140.000 đồng/kg, nghĩa là tăng khoảng 100%, ngoài ra một số nguyên liệu cà phê khác như hàng robusta cũng tăng khoảng 50%”, ông Mạnh nói.

Thời gian đầu, doanh nghiệp này cố gắng làm cầm cự, duy trì mức giá sản phẩm đầu ra ổn định nhưng qua nhiều đợt tăng giá nguyên liệu kèm theo xăng dầu leo cao khiến chi phí vận chuyển tăng, họ buộc phải tăng giá sản phẩm để tránh thua lỗ. Thế nhưng, việc tăng giá sản phẩm cũng mang lại nhiều rắc rối, Maxko đã mất khá nhiều khách hàng quan trọng.

Ở đầu vào, giá nguyên liệu tăng 5 lần mà chúng tôi chỉ dám tăng giá 2 lần ở đầu ra, vậy mà khách hàng đã không đồng ý. Nhất là khi giá xăng giảm, khách luôn thắc mắc rằng tại sao xăng dầu giảm giá mà chúng tôi lại tăng giá bán. Thực chất, giá xăng trong nước tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp và chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng. Còn đối với doanh nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào là quan trọng nhất. Khi mà giá nguyên liệu thế giới tăng thì giá sản phẩm của chúng tôi tăng vì chi phí sản xuất sẽ đội lên", ông Mạnh chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Hải Hậu, Nam Định) cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi - nguyên liệu đầu vào chính của HTX này đã tăng khoảng 10-15%.

Trước sức ép này, chúng tôi buộc phải tăng giá sản phẩm đầu ra. Bởi nếu không tăng giá bán, HTX sẽ lỗ nặng. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi chúng tôi chỉ tăng 5-7% giá bán để tránh không bị lỗ quá, chấp nhận giảm lợi nhuận. Nếu tăng mạnh hơn sẽ mất khách ngay”, ông Bình nói.

Còn theo ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La: “Để ép ra 1kg đường, phân bón chiếm 45%, nguyên liệu chiếm 38%, ngoài ra còn các chi phí về điện, nước, xăng dầu, logistics, nhân công...Việc tất cả các chi phí tăng cao đã khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp không thể không tăng giá đường”.

Cùng với giá logistisc, xăng dầu, nhân công lao động thì giá thuê mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội và TP.HCM đắt đỏ cũng là một trong những lý do khiến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bí.

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc bán hàng chuỗi café Highlands tại khu vực Hà Nội cho biết, Highlands hiện có 150 chuỗi cửa hàng rải đều tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức thuê mặt bằng có giá dao động từ 20 - 100 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Giá thực phẩm tăng cao, giá thuê mặt bằng hiện không còn được giảm khiến chuỗi cửa hàng gặp nhiều khó khăn.

Giá cả nhiều mặt hàng, nhất là nhân công tăng cao, cà phê nguyên liệu, đường cũng tăng mạnh... là khó khăn hiện hữu mà chúng tôi đang phải đối mặt”, ông Dũng bày tỏ.

Giá nguyên liệu đầu vào cao ngất

Theo khảo sát của VTC News, giá nhiều loại hàng hóa được coi là nguyên liệu đầu vào, phục vụ sản xuất ở thời điểm hiện tại vẫn đang rất cao so với đầu năm và không có dấu hiệu giảm. Chẳng hạn như cà phê, ngày 15/9, giá cà phê hạt hiện ở mức 47.100 - 47.700 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, giá sản phẩm này chỉ ở mức 39.600 - 39.800 đồng/kg.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu sữa trên thế giới liên tiếp lập đỉnh khiến nhiều mặt hàng sữa trong nước phải thay đổi giá mới. Các loại sữa chua, sữa nước, sữa bột nội địa và nhập khẩu đều tăng 5-10% trong 6 tháng đầu năm.

Chị Thu Hoài (Đống Đa, Hà Nội), cho biết khá "sốc" khi giá nhiều mặt hàng sữa nhập khẩu tăng cao. Đặc biệt, nhóm hàng xách tay tăng khá mạnh. "Dòng sữa organic của Australia có tuần tăng tới 10%, thậm chí nhiều lúc không có hàng", chị Hoài nói.

Không chỉ sữa bột mà sữa nước cũng tăng giá. Nếu năm ngoái một thùng sữa nước của TH True Milk có giá 345.000 thùng 48 hộp 180ml thì nay lên 380.000 đồng một thùng. Theo báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam, các doanh nghiệp sữa đã tăng thêm 5% giá bán ra trong nửa đầu năm, do nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao.

Nhìn lại trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Chăn nuôi cho biết ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, giá trung bình của ngô tăng từ 6.617 đồng/kg lên 9.048 đồng/kg; khô đậu tương từ 13.091 đồng/kg lên 14.699 đồng/kg; bã ngô (DDGS) từ 8.848 đồng/kg lên 10.187 đồng/kg…

Do đó, giá thức ăn chăn nuôi trung bình 6 tháng đầu năm cũng tăng khá so 6 tháng đầu năm 2021, như thức ăn hỗn hợp lợn thịt vỗ béo từ 10.746 lên 12.648 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu từ 10.885 đồng/kg lên 12.497 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng từ 11.207 đồng/kg lên 13.193 đồng/kg…

Công Hiếu
Theo vtc.vn
https://vtc.vn/doanh-nghiep-quay-cuong-giua-bao-gia-nguyen-lieu-dau-vao-ar700932.html
Copy Link
https://vtc.vn/doanh-nghiep-quay-cuong-giua-bao-gia-nguyen-lieu-dau-vao-ar700932.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp quay cuồng giữa 'bão' giá nguyên liệu đầu vào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO