Sương mù dày đặc, nồm ẩm ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?

Hà Lê| 02/02/2024 11:31

Sáng 2/2, đường phố Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc khiến tầm nhìn bị hạn hẹp, nhiều phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn để đảm bảo an toàn. Độ ẩm trong không khí cao (tới 98%), nồm ẩm làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp và gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh.

Sương mù dày đặc, nồm ẩm ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?
Cửa kính của các gia đình bị đọng hơi nước do thời tiết nồm ẩm. Ảnh: Hương Giang

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong ngày 2/2, khu vực phía Bắc nhiều mây, sáng và đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Mặc dù nền nhiệt độ đã lên trên 20 độ C nhưng độ ẩm không khí rất cao (95%).

Thời tiết nồm ẩm với đặc điểm là nền nhiệt ẩm thấp, không khí ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển. Thời tiết nồm ẩm gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không khí có độ ẩm quá cao sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại virus gây bệnh về đường hô hấp, thủy đậu, sốt phát ban, sởi, rubella phát triển. Trong đó, trẻ nhỏ và người cao tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất vì trẻ em và người già có sức đề kháng kém nên dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.

Ngoài ra, giai đoạn giao mùa như hiện nay cũng là cao điểm của một số bệnh lý về đường hô hấp. Khi mắc bệnh, nếu không được điều trị sớm, virus có thể đi vào phổi và gây suy hô hấp rất nhanh. Đồng thời, các loại nấm mốc, vi nấm phát triển rất nhanh khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu… khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây ra các cơn hen suyễn.

Hà Nội sáng 2/2, sương dày đặc, hạn chế tầm nhìn.

Thời tiết lạnh và ẩm kéo dài cũng khiến nhiều người, nhất là người cao tuổi dễ mắc các bệnh hô hấp, đặc biệt là cúm mùa. Nếu bị cúm, bệnh thường nặng và dễ xảy ra biến chứng viêm phổi và có thể có những diễn biến xấu khó lường.

Cùng với đó, các bệnh mạn tính như xương khớp, viêm loét dạ dày, tá tràng, đau nhức xương khớp, huyết áp, tim mạch và hen phế quản... cũng thường gia tăng và tái phát khi thời tiết ẩm nồm. Thời tiết khó chịu đồng thời khiến nhiều người cảm thấy bức bối, khó ngủ, ăn uống kém.

Cách đối phó với trời nồm:

- Nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất.

- Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

- Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà.

- Giữ sức khỏe trong thời tiết giao mùa, cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học: ngủ đúng giờ và đủ giấc; Chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

- Khi ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang để phòng bệnh.

Hiện tượng trời nồm ẩm là hiện tượng thời tiết đọng sương trên bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, các bề mặt cứng như gỗ, đá... xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao (độ ẩm 90% trở lên). Hơi nước trong không khí rất cao nên nước thường bị ngưng tụ và đọng lại trên bề mặt mọi vật xung quanh chúng ta, đây là một hiện tượng đặc trưng của miền Bắc, thường xảy ra vào cuối mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) gây bất tiện cho sinh hoạt và ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe con người.

Bài liên quan
  • Miền Bắc ấm lên, mưa phùn và sương mù trở lại
    Tình trạng sương mù tái diễn ở miền Bắc vào sáng sớm, kéo theo chất lượng không khí xấu đi trong những ngày giáp Tết. Dù vậy, khu vực sẽ tăng nhiệt nhanh và ấm lên rõ rệt trong những ngày tới.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sương mù dày đặc, nồm ẩm ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO