Nước ta có môi trường thuận lợi cho sá sùng sinh sống và phát triển
Dễ thích ứng
Ở nước ta, diện tích rừng ngập mặn vùng ven biển rộng lớn đã tạo môi trường thuận lợi cho sá sùng sinh sống và phát triển. Các mùn bã hữu cơ phân hủy từ xác động, thực vật và các cây thủy sinh khác cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho loài động vật có giá trị này. Cùng đó, hiện nay một số vùng nuôi tôm trên cả nước gặp khó khăn do dịch bệnh, nhiều hộ dân có xu hướng chuyển đổi đối tượng sản xuất. Trong đó, sá sùng được nhiều người lựa chọn; chính vì thế, nhu cầu về sá sùng giống đang tăng lên nhanh chóng.
Sá sùng có thể nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác nhau hoặc nuôi xen canh để giúp cải thiện môi trường ao nuôi. Theo đánh giá, nuôi sá sùng kết hợp vừa không tốn chi phí nuôi, lại góp phần làm sạch môi trường nước, giảm dịch bệnh trong ao… Đây là chu trình nuôi khép kín, các đối tượng nuôi không cạnh tranh lẫn nhau.
Sá sùng có thời gian sinh trưởng 5 – 7 tháng, cỡ thu hoạch khoảng 80 – 120 con/kg (chiều dài 10 – 14 cm). Sá sùng được bán tươi, không cần sơ chế. Trong quá trình phát triển của sá sùng, giai đoạn ấu trùng sá sùng ngắn, sau khoảng 13 ngày ấu trùng biến thành con non, chuyển sang sống đáy, ăn vi tảo và các chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Giai đoạn ấu trùng sá sùng thường ăn tảo nên phải gây màu nước. Chu kỳ sinh sản kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, ngoài thời gian trên việc cho sinh sản không thành công.
Sá sùng hiện được coi là nguồn dược phẩm bổ dưỡng giúp tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể. Giá sá sùng cũng vì thế ngày càng trở nên đắt đỏ, giá sá sùng tươi trên dưới 500.000 đồng/kg; còn sá sùng khô loại rẻ nhất khoảng 1,8 – 2,4 triệu đồng/kg, loại thượng hạng lên tới 4 – 4,5 triệu đồng/kg. Hàng năm, sản lượng xuất khẩu sá sùng sang Trung Quốc và Đài Loan khá lớn.
Đã có con giống nhân tạo
Thịt sá sùng thơm ngon, chứa 18 axít amin (trong đó có 8 axít amin không thay thế) và 17 khoáng chất rất cần thiết cho sự sống (Nguyễn Huỳnh Dạ Thảo và cs, 2004); vì thế, sá sùng còn được mệnh danh là “địa sâm” (sâm đất). Khi giá trị của sá sùng được xác định, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lớn, đặc biệt là việc thu mua từ các thương lái (1,2 – 1,5 tấn/ngày) nên việc khai thác ngày càng mạnh mẽ; không những làm cạn kiệt nguồn lợi mà còn ảnh hưởng đến vùng nuôi và sự sinh trưởng của các đối tượng khác, ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển…
Trước nguy cơ loài sá sùng bị tận duyệt, ngày 5/11/2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 01/2011-BNNPTNT, xếp sá sùng vào loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, thứ hạng nguy cấp (VU) cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Cùng đó, các đề tài, dự án nhằm bảo tồn loài đặc sản này cũng được nhiều đơn vị triển khai và mang lại hiệu quả khả quan. Cụ thể, việc sản xuất nhân tạo giống sá sùng bước đầu đã thành công, mở ra triển vọng trong việc phát triển nuôi thương phẩm loài này. Điển hình như tại tỉnh Khánh Hòa, những năm gần đây Viện Nghiên cứu NTTS III đã nghiên cứu thành công “Quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng”; sau khi được chuyển giao kỹ thuật, một số người dân tại địa phương đã áp dụng và cho hiệu quả khả quan.
Hay đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống sá sùng tại Quảng Ninh” được thực hiện từ tháng 7/2015 – 12/2017 do nhóm nghiên cứu của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản (Bắc Ninh) triển khai. Kết quả, các chỉ tiêu kỹ thuật trong sản xuất giống đã đạt được như: tỷ lệ thành thục ≥70%, tỷ lệ thụ tinh ≥80%, tỷ lệ nở ≥90%, tỷ lệ sống ấu trùng trôi nổi ≥80%, mật độ ra giống (1 – 2 cm/con): 800 – 1.000 con/m2. Các kết quả khả quan này bước đầu đã giúp phục hồi được nguồn lợi thủy sản quý, mở ra nghề nuôi mới, có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, hiện nay, giống sá sùng nhân tạo cũng đang được nuôi tại các bãi triều tự nhiên ở xã Minh Châu (tỷ lệ 5.000 con/250 m2), Quan Lạn (10.000 con/500 m2) và Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long (900 con/30 m2), tổng quy mô 780 m2.
Nhiều mô hình nuôi thành công
Hiện nay, nghề nuôi sá sùng đã và đang phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước với các mô hình nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Như tại Quảng Nam đã thực hiện mô hình nuôi kết hợp rừng ngập mặn ở vùng bãi bồi cửa sông Trường Giang. Kết quả bước đầu kiểm tra cho thấy sá sùng sinh trưởng tốt và có tỷ lệ sống khá cao (>80%). Trên cơ sở này, các điều chỉnh về mật độ và môi trường nuôi sẽ được tối ưu hóa để cho kết quả cao nhất. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên tiến hành thả nuôi sá sùng ngoài điều kiện tự nhiên kết hợp với trồng rừng ngập mặn ở Việt Nam.
Sá sùng cũng được nuôi thành công ở các khu vực huyện Cam Lâm, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) với tỷ lệ sống trung bình các ao nuôi đạt 61,9%, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ông Trần Văn Gần, thôn Tuần Lễ, huyện Vạn Ninh, cho biết với 8.000 m2, ông sử dụng một nửa diện tích để nuôi sá sùng, nửa còn lại nuôi tôm quảng canh, thả với mật độ thưa kèm với nuôi sá sùng tầng đáy. Vụ đầu tiên ông thu 800 kg sá sùng thương phẩm, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Từ đó đến nay việc nuôi sá sùng của gia đình ông chưa hề gặp trở ngại, trung bình cứ nuôi khoảng 7 – 10 tháng là thu hoạch được 1 tấn sá sùng thương phẩm. Hơn nữa, nhờ áp dụng mô hình nuôi sá sùng kết hợp với thả tôm, cá dìa mật độ thưa, nên ngoài nguồn thu sá sùng gia đình ông còn tăng thu nhập nhờ thu tôm, cá. “Nếu so với việc nuôi tôm thì nuôi sá sùng tốt hơn nhiều, không sợ dịch bệnh, không cần đầu tư con giống, thuốc men. Thức ăn của chúng cũng giống như nuôi tôm (gồm thức ăn tôm và cá tạp), nhưng cho ăn với số lượng ít, thường 5 – 7 ngày cho ăn 1 lần… Hơn nữa sá sùng có đầu ra rất mạnh, giá thị trường mỗi năm càng tăng”, ông Gần chia sẻ
Ở Việt Nam, hiện đã biết đến khoảng 21 loài sá sùng, thường gặp ở vùng thủy triều và dưới triều. Những vùng biển có nhiều sá sùng là các bãi triều Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Côn Đảo; các khu rừng ngập mặn ở Cần Giờ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau. Quảng Ninh là địa phương có trữ lượng sá sùng lớn nhất, cho khai thác khoảng 20 tấn mỗi năm. |