Sâm Báo được người dân trồng và khai thác ngày càng nhiều. Ảnh: Hoàng Đông
Sâm Báo từng được mệnh danh là “sâm tiến Vua”. Theo người dân xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) chia sẻ, sâm xưa kia mọc hoang trên núi Báo, nên gọi là sâm Báo, được biết đến rộng rãi vào thời nhà Hồ, cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.
Năm 1397, việc xây Thành Nhà Hồ rất tốn nhiều công sức, đã có nhiều binh lính, dân phu lao lực, hy sinh. Trong một lần đi đốc thúc việc xây thành, Hồ Quý Ly chứng kiến nhóm thợ làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi. Tìm hiểu, ông được biết nhóm người này quê ở làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Ninh, thuộc trấn Thanh Đô (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc).
Họ cường tráng là do dùng thức uống nấu từ củ sâm trên núi Báo. Hồ Quý Ly liền sai nhóm ngự y chuyên đi săn tìm loài sâm quý, nhằm thu lượm dược liệu phục vụ cho quan quân tham gia xây thành đắp lũy.
Sau này, cây sâm Báo trở thành dược liệu quý dùng chữa bệnh và là thực phẩm bổ dưỡng chuyên dùng trong cung nhà Hồ, được coi là sản vật quốc gia thời vua Lê, chúa Trịnh sau này. Tuy nhiên, cây sâm suốt nhiều thế kỷ sau này ít được phổ biến hoặc chỉ được sử dụng hạn chế trong các hiệu thuốc đông y trong vùng. Sâm vẫn mọc hoang trên những triền núi Báo ở làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng.
Hiện nay, sâm Báo đã được người dân huyện Vĩnh Lộc khôi phục và mở rộng diện tích, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhiều sản phẩm được chế biến từ sâm báo Vĩnh Lộc như: cao sâm, nước uống bổ dưỡng sâm, trà sâm, rượu sâm, siro sâm, mặt nạ sâm...
Khoảng 5 năm trước, nhận thấy cây sâm Báo có giá trị kinh tế cao, một số gia đình ở địa phương đã tìm lấy hạt, nhân giống. Trung bình mỗi năm, một gia đình thu được 600kg củ, bán được 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.
Sâm Báo là một loại dược quý, rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Hoàng Đông
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Lộc, sâm Báo xuống giống khoảng tháng 2 đến tháng 4 hằng năm và tháng 9 đến tháng 12 thì cho thu hoạch. Trồng cây sâm không quá khó, song cần chú ý một số công đoạn, đặc biệt là không nhổ cỏ dại mà chỉ phủ nilon và diệt cỏ trước khi làm đất để tránh tác động tới củ sâm khi đang mùa sinh trưởng. Sâm cũng thường bị nấm gây thối cổ rễ, hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị nên nông dân chủ yếu bón thêm vôi bột và làm rãnh thoát nước kịp thời để cây không bị úng...
Củ sâm có vị đắng, tính mát, có thể giải nhiệt, được sử dụng làm nước uống, là dược liệu quý hiếm dùng để chữa bệnh và là thực phẩm chức năng bổ dưỡng. Sâm Báo giúp trị ho, sốt, phổi yếu, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, kém ăn, suy nhược cơ thể...
Sâm Báo có hai loại gồm giống hoa đỏ và hoa vàng. Loại hoa vàng được cho có dược tính tốt hơn nên thường có giá trị cao hơn. Sâm Báo (loại hoa vàng) củ tươi bán trên thị trường tự do hiện dao động 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi kg. Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc, thu nhập từ sâm năm nay ước đạt 300-600 triệu đồng/ha tùy sản lượng cao hay thấp.