Tối 16/8 (tức 13/7 Âm lịch), đông đảo người dân đã tập trung về chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TPHCM) để tham dự Đại lễ Vu lan báo hiếu. Mặc dù lượng người đổ về khá đông thế nhưng không có tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Dịp lễ Vu lan diễn ra dịp Rằm tháng bảy âm lịch hàng năm để nhắc nhở mỗi người về lòng hiếu thảo, công ơn của cha mẹ.
Để chương trình được diễn ra trang nghiêm, chùa Diệu Pháp giới hạn số lượng người tham gia. Phật tử, người dân tham dự lễ phải đăng ký trước, nhận thư mời của ban tổ chức và xác nhận thông tin khi vào cổng.
Do có đông người dân tham dự, chùa Diệu Pháp đã bố trí thêm chỗ ngồi ở chánh điện tầng 2 và màn hình LED cỡ lớn.
"Cứ mỗi dịp Vu lan đến, lòng tôi lại bồi hồi nhớ đến những kỷ niệm thời thơ ấu với cha mẹ. Đối với tôi, còn ba còn mẹ là còn tất cả", chị Diệu Huyền (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Bài Sám Vu lan được các phật tử tụng trong buổi lễ như nhắc nhở mỗi người về sự hi sinh cao cả của bậc làm cha, làm mẹ.
Nghi thức cài hoa hồng là một trong những nghi thức quan trọng trong dịp lễ Vu lan. Màu hoa hồng trên ngực áo nhắc nhở chúng ta rằng phận làm con hãy sống hiếu nghĩa với cha mẹ.
Mỗi bông hoa hồng cài lên ngực áo đều mang cho mình một ý nghĩa. Ai còn cả cha và mẹ chọn cài bông hồng màu đỏ; ai mất cha hoặc mẹ cài bông hoa màu hồng, ai mất cả cha và mẹ cài bông hồng màu trắng.
Trong tiếng nhạc du dương cùng lời giảng của các sư thầy, nhiều người dân đã không kìm được nước mắt khi nhớ đến cha, mẹ mình.
"Nhớ đến những lần cãi vã, nói dối cha mẹ, mình không kìm được nước mắt và thấy bản thân thực sự rất ích kỷ. Mỗi mùa Vu lan đến, mình cảm thấy thật hạnh phúc và sung sướng khi được cài lên ngực áo bông hoa hồng đỏ thắm", Ngọc Thảo nói.
Lần lượt các ngọn đèn được thắp sáng với nghi thức thả đèn hoa đăng để cầu cho quốc thái dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc. Đây cũng là khoảng khắc khiến mọi người cảm thấy được sự an yên ở trong suy nghĩ, cầu mong những điều bình an, tốt đẹp đến với bản thân và gia đình.
Những lời chúc, lời cầu nguyện gửi đến các đấng sinh thành được viết lên hoa đăng.
Sau nghi lễ, người dân cùng các sư thầy cầm trên tay những chiếc hoa đăng đã thắp sáng đi thiền hành vòng quanh sân chùa, vừa đi vừa chánh niệm.
Để đảm bảo an toàn và trật tự, những chiếc đèn hoa đăng được tập trung lại một chỗ, sau đó lực lượng tình nguyện sẽ truyền tay nhau thả xuống sông.
Theo quan niệm dân gian, Đại lễ Vu lan báo hiếu là một trong những ngày lễ truyền thống được xem trọng của Phật giáo. Đây cũng là dịp để mỗi người thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ.