Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt?

21/06/2023 19:18

Dù rất nhiều phương án được đưa ra nhưng đều không khả thi khiến tàu Titanic đến nay vẫn như một "nghĩa trang" khổng lồ để hơn 1.500 nạn nhân được yên nghỉ dưới đáy đại dương.

Con tàu định mệnh

Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua kể từ ngày Titanic vĩnh viễn ngủ yên trong lòng Đại Tây Dương ở độ sâu hơn 3.800m, người ta vẫn không thôi nhắc về "con tàu định mệnh".

Giấc mơ khám phá con tàu huyền thoại ở cự ly gần nhất luôn là điều rất nhiều người mong mỏi trong suốt một trăm năm qua.

Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt? - 1

Tàu Titanic chuẩn bị rời cảng vào ngày 10/4/1912 (Ảnh: News).

Ngày 10/4/1912, chuyến khởi hành đầu tiên xuất phát từ cảng Southampton (Anh), dự kiến tới New York (Mỹ), giới thượng lưu khi ấy phải bỏ ra khoảng 4.350 USD cho một vé ở khoang hạng nhất.

Được mệnh danh là "thành phố nổi không bao giờ chìm", không ai ngờ ngay trong chuyến đi đầu tiên, Titanic đã gặp nạn. Sau khi đâm vào tảng băng trôi, chỉ sau chưa đầy 3 tiếng, con tàu huyền thoại chìm xuống biển, cách hòn đảo Newfoundland ở Canada gần 600km.

Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt? - 2

Vợ chồng ông John Snyder, hành khách đi vé hạng nhất, may mắn sống sót sau vụ đắm tàu (Ảnh: News).

Do thiếu xuồng cứu sinh và không có kinh nghiệm trong cứu hộ khẩn cấp nên chỉ khoảng 700 người được cứu sống. Hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn.

Sau 111 năm, đến nay người ta vẫn nhắc tới Titanic là một trong những tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử ngành hàng hải thế giới.

Sau 73 năm mới tìm thấy xác tàu

Suốt nhiều thập kỷ trôi qua, "đống đổ nát" dưới đáy đại dương mãi không được tìm thấy cho tới năm 1985. Khi đó, một nhóm các nhà khoa học do nhà hải dương học Robert Ballard dẫn đoàn, lần đầu phát hiện được vị trí con tàu đắm dưới bề mặt Đại Tây Dương.

Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt? - 3

Khung cảnh ở khoang hạng nhất (Ảnh: News).

Vào tháng 9/1985, Robert Ballard muốn thử nghiệm tàu ngầm robot - một loại công nghệ mới chuyên dùng để tìm kiếm tàu chiến và tàu ngầm bị chìm. Ông đề nghị hải quân Mỹ cho phép thử xác định vị trí Titanic bằng công nghệ mới và được cấp phép.

Chỉ sau 2 tuần tìm kiếm, xác tàu đã được tìm thấy.

Các cuộc thám hiểm dưới đáy biển sau đó phát hiện ra rằng, Titanic không chỉ ở tình trạng bị phân hủy nặng nề, nó đã bị tách thành 2 mảnh. Một phần thân tàu bị hư hại nặng. Ở mạn phải của mũi tàu cung cấp bằng chứng cho thấy vụ va chạm với tảng băng trôi khá nghiêm trọng.

Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt? - 4

Cảnh đắm tàu Titanic được Hollywood dựng lại trong bộ phim năm 1997 (Ảnh: News).

Việc phát hiện tàu Titanic bị vỡ thành từng mảnh khiến quá trình phục hồi như nguyên vẹn ban đầu là "điều không thể". Nhưng hiện trạng của nó không ngăn nổi "những khối óc phiêu lưu" muốn tìm mọi cách đưa trở lại nền văn minh.

Có ý tưởng đề xuất sẽ thổi phồng những khối bóng khổng lồ bên dưới tàu, đưa nó lên mặt nước. Nhưng điều này không khả thi do áp suất cực lớn có thể dẫn tới việc con tàu bị "nát" thêm.

Tại sao không thể trục vớt xác tàu?

Hoạt động khảo cổ thành công nhất diễn ra vào năm 1998 khi một công ty có tên RMS Titanic đưa tàu cứu hộ Abeille tới hiện trường, nâng một phần bên thân tàu nặng 20 tấn lên trên.

Đây là vị trí từng bị tách khỏi con tàu khi vụ tai nạn xảy ra năm xưa. Họ đã mang về khoảng 5.000 hiện vật gồm nhiều đồ trang sức, bát đĩa và các thiết bị từng dùng trên tàu.

Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt? - 5

Xác của con tàu nằm ở độ sâu hơn 3.800m (Ảnh: Titanic).

Cho đến nay, các cuộc thám hiểm trục vớt chưa thể mang được thứ gì lớn hơn ngoài phần thân tàu. Các hiện vật được trưng bày trong một khách sạn hạng sang ở Las Vegas (Mỹ).

Những nhà hải dương học cho biết, môi trường biển khắc nghiệt đã tàn phá phần còn lại của con tàu sau hơn một thế kỷ nằm dưới mặt nước.

Cũng theo các chuyên gia, tính axit của nước biển làm tổn hại tới tính toàn vẹn của nó tới mức chỉ cần can thiệp Titanic có thể sẽ vỡ vụn. Nước biển đã ăn mòn con tàu khiến cấu trúc của nó càng thêm suy yếu.

Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt? - 6

Một số hiện vật như bát đĩa, đồ trang sức từng dùng trên tàu được trục vớt và trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Premier Exhibitions).

Nội thất của tàu cũng tệ hơn trước rất nhiều. Các boong bị sập "mọi cấp độ" theo thời gian. Trước đó, những lối đi từng để cho tàu ngầm mini tiếp cận, thì nay đã hỏng.

Năm 2016, các nhà khoa học phát hiện ra một sinh vật còn gọi là "vi khuẩn extremophile". Chúng phá hủy những gì còn lại của Titanic. Giới chuyên gia nhận định, con tàu có thể "bị giải thể" vào năm 2030.

Do không thể trục vớt, nhiều ý kiến cho rằng nên coi Titanic là một nghĩa trang khổng lồ, nơi hơn 1.500 nạn nhân xấu số vẫn còn nằm lại.

Tuy nhiên, các nhà hải dương học cho biết, sau hàng trăm lần lặn tìm kiếm họ không thấy bất cứ bộ hài cốt nào. Có thể do những loài sinh vật biển tại đây đã "ăn sạch" nên dấu vết hoàn toàn biến mất.

Chuyến thám hiểm chiêm ngưỡng xác tàu Titanic do công ty OceanGate vận hành với giá vé 250.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng)/khách.

Tàu lặn chở 5 người đã mất tích ở Đại Tây Dương hôm 18/6, đến nay vẫn chưa có thông tin mới.

Hiện dưỡng khí trên tàu cạn dần, chỉ còn khoảng 40 tiếng.

Lực lượng tuần duyên Mỹ và Canada đang gấp rút phối hợp tìm kiếm khi thời gian đang "cạn dần".

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/du-lich/nam-duoi-day-dai-duong-111-nam-vi-sao-xac-tau-titanic-khong-duoc-truc-vot-20230621115013121.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/du-lich/nam-duoi-day-dai-duong-111-nam-vi-sao-xac-tau-titanic-khong-duoc-truc-vot-20230621115013121.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nằm dưới đáy đại dương 111 năm, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO