Lãi suất huy động tiếp tục giảm, cẩn thận bẫy lãi suất khi vay tiền

Võ Thanh Bình (tổng hợp)| 14/09/2021 16:00

Lãi suất huy động tiếp tục được nhiều ngân hàng giảm trong tháng 9. Tuy vậy, lãi suất vay không giảm đang là gánh nặng cho khách hàng vì ảnh hưởng COVID-19 và giãn cách xã hội.

Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank được xem là nhóm ngân hàng quốc doanh giảm tiếp lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 36 tháng.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm, dự báo kéo dài đến cuối năm

Theo đó, mức giảm dao động từ 0,1% tùy theo kỳ hạn, mức cao nhất ghi nhận hiện chỉ còn 5,5%/năm và 5,6%/năm. Con số này được cho là giảm gần 1% so với những tháng trước thời điểm giãn cách xã hội vì COVID-19.

lai-suat-huy-dong-tiep-tuc-giam-ngan-hang-het-uu-dai-thanh-nguoc-dai-khach-hang-1.jpg
Lãi suất huy động tiếp tục giảm trong tháng 9.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, mức giảm dao động từ 0,1 - 0,3% tùy theo ngân hàng với các kỳ hạn khác nhau.

Điển hình như Sacombank, nhà băng này giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài 36 tháng từ 6,1%/năm xuống còn 5,8%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 9 tháng tại đây cũng giảm 0,4%, hiện ở mức 4,5%/năm. Riêng kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%, còn 3%/năm và kỳ hạn 1 tháng giảm 0,3%, còn 2,9%/năm.

Với MBBank, mức thấp nhất 2,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng được áp dụng, trong khi ở mức 12 tháng trở lên tối đa chỉ 6,2%. Ngân hàng này cũng được xem là có điều chỉnh lãi suất huy động giảm dần thời gian vừa qua.

Lãnh đạo một phòng giao dịch ngân hàng tại Vĩnh Long cho biết, việc điều chỉnh lãi suất huy động trong bối cảnh nguồn tiền gửi tiếp tục tăng và nguồn cho vay bị giảm nên đây được xem là nhu cầu tất yếu để ổn định hoạt động ngân hàng.

lai-suat-huy-dong-tiep-tuc-giam-ngan-hang-het-uu-dai-thanh-nguoc-dai-khach-hang.jpg
Lãi suất huy động giảm khiến người dùng không còn thiết tha gửi tiền.

Số liệu của SSI Research cũng cho thấy một phần nguyên nhân lãi suất huy động giảm đến từ nguồn tiền cho vay bị ảnh hưởng.

Tính đến hết tháng 7, tổng tiền gửi của các ngân hàng chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 4,35% trong năm 2020 và chênh lệch giữa tiền gửi và tín dụng tiếp tục thu hẹp.

Trong bối cảnh mức chênh lệch này chưa tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng khi chỉ số này vẫn cao hơn so với giai đoạn trước COVID-19. Vì vậy, lãi suất huy động được dự báo tiếp tục đi ngang vùng thấp dự báo đến cuối năm 2021.

Lãi suất cho vay hết ưu đãi thành... ngược đãi


Đó là tình cảnh bất hợp lý khi mà lãi suất huy động đã giảm liên tục nhiều tháng qua, nhưng lãi suất cho vay dường như không giảm tương ứng, thậm chí còn tăng so với trước ưu đãi.

Theo anh Xuyên (ngụ Long An), nhiều ngày nay khoản vay 200 triệu sửa nhà từ năm ngoái đã bị quá hạn 10 ngày mà vẫn chưa có tiền đóng vì quán ăn đóng cửa. Nhân viên ngân hàng vẫn giục thanh toán nhưng vẫn chưa thể đóng được khi tiền lãi ngày càng tăng so với ưu đãi trước đó.

Một tài xế chạy Grab cho biết, hơn ba tháng qua, vì giãn cách không chạy xe được nhưng ngân hàng vẫn không hề giảm bất kỳ một đồng nào.

Đáng lưu ý, theo tài xế này, lãi suất cho vay thời điểm đó là 9,7%/năm. Ngay sau khi hết thời hạn ưu đãi, lãi suất bỗng tăng lên 12,7%/năm.

lai-suat-huy-dong-tiep-tuc-giam-ngan-hang-het-uu-dai-thanh-nguoc-dai-khach-hang-2.jpg
Lãi suất cho vay  được nhiều ngân hàng tăng theo thời gian hết ưu đãi.

Tìm hiểu cách mà nhiều ngân hàng áp dụng ưu đãi cho khách hàng khá bất ngờ. Thông thường trong thời gian ưu đãi, thường từ 6 tháng đến 24 tháng đầu tiên, nhà băng áp dụng mức lãi suất mềm hơn trong thời gian ưu đãi tùy theo chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, sau thời gian ưu đãi này là lãi suất thả nổi, được tính toán dựa vào lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng tính tại thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay, cộng với biên độ khoảng 3,5% - 4,5%/năm tùy ngân hàng và khách hàng nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dễ dàng rơi vào bẫy lãi suất.

Ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng trong lúc khó khăn do dịch COVID-19, ngân hàng cũng nên tính toán miễn, giảm lãi suất cho vay, giãn nợ như hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để chia sẻ cùng khách hàng.

"Ngân hàng vẫn có lợi nhuận với hàng trăm đến vài nghìn tỉ đồng trong 6 tháng qua. Do đó, vì lợi ích chung khi cùng chung tay sớm đưa đất nước vượt qua đại dịch, ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay, giãn nợ cho khách hàng, trong đó có các tài xế Grab đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19" - ông Liên cho biết.

Theo ý kiến của nhiều khách hàng, nên chăng ngân hàng cần có chính sách ân hạn nợ gốc và lãi qua thời gian khó khăn này với các khách hàng. Khi được kinh doanh hoặc làm việc trở lại sau giãn cách, khách hàng có nguồn thu sẽ trả nợ đầy đủ. Như thế ngân hàng vừa sống khỏe và khách hàng cũng thoải mái và hợp tình hơn trong bối cảnh điều chỉnh lãi suất tăng giữa mùa dịch như hiện nay.

Trong khi đó, theo  Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào. "Để có sự hỗ trợ thực chất, các ngân hàng phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết", ông Tú khẳng định.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất huy động tiếp tục giảm, cẩn thận bẫy lãi suất khi vay tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO