Hồi tháng trước, Samsung đã hứa sẽ giúp những thiết bị gập trở nên phổ biến. Với mức giá 999 USD và ít đánh đổi hơn bao giờ hết, chiếc smartphone Galaxy Z Flip3 mới của Samsung có thể thay thế cho mẫu Samsung Galaxy S21 Plus. Với cùng một mức giá, cả 2 đều sở hữu màn hình AMOLED 6.7 inch tần số quét 120Hz, bộ xử lý Snapdragon 888 mới nhất, tùy chọn bộ nhớ và lưu trữ tương tự, khả năng chống nước và kích thước gần giống nhau. Điểm khác biệt là Galaxy Z Flip3 có khung nhẹ hơn, viên pin nhỏ hơn và ít hơn 1 camera ở mặt sau.
Trong khi Galaxy Z Flip3 có thể gập lại để có kích thước nhỏ hơn một nửa, thì chiếc Galaxy S21 Plus lại chỉ có thể duy trì một thể trạng phẳng duy nhất. Nếu Samsung đã thực sự cải tiến độ bền của những thiết bị gập này và màn hình với tấm bảo vệ bằng nhựa không mang lại trải nghiệm khác biệt, chắc chắn hầu hết mọi người sẽ muốn chọn chiếc Galaxy Z Flip3 - một thiết bị độc, lạ và khác biệt với thế giới smartphone vốn đã bão hòa.
Tuy nhiên, liệu Samsung có thực sự loại bỏ những mẫu Galaxy S màn hình phẳng của mình để chuyển sang các thiết bị gập? Tương lai đó dường như không quá xa vời bởi sau 2 năm bán nhiều tùy chọn "flagship" đến mức vô lý, những thiết bị Galaxy S đang dần bị thu hẹp lại ở mọi mặt.
Hồi năm 2019, công ty Hàn Quốc đã cố gắng bán đến 10 chiếc flagship khác nhau trên khắp thế giới, bao gồm 4 chiếc Galaxy S10 cùng 4 chiếc Galaxy Note khác biệt nhưng sở hữu thông số kỹ thuật cốt lõi gần như giống nhau. Năm 2020, công ty tiếp tục mang đến 11 tùy chọn flagship khác nhau, nếu tính cả Galaxy S10 Lite và Galaxy Note 10 Lite. 5 chiếc flagship có thể vẫn còn quá nhiều trong năm 2021, nếu 3 trong số chúng không bán chạy.
Dường như, Samsung không có ý định loại bỏ dòng Galaxy S của mình. Dòng smartphone tầm trung Galaxy A mới thực sự là nhà vô địch về doanh số đối với Samsung, sau khi công ty tuyên bố sẽ ưu tiên những thiết bị đó hồi năm 2018. Trong khi đó, doanh số điện thoại Galaxy S của Samsung đã giảm mạnh 47% trong 2 thế hệ qua, thậm chí thế hệ Galaxy S21 còn có doanh số đáng thất vọng hơn so với Galaxy S20 ra mắt hồi năm trước.
Samsung có thực sự cần Galaxy S hơn Galaxy Note không? Đối với những người muốn mọi thứ tốt nhất, bao gồm cả khả năng gập ra để biến thiết bị thành tablet, Galaxy Z Fold đã thay thế Galaxy Note. Với một số nâng cấp cho camera trong năm sau, dòng thiết bị này cũng có thể soán ngôi các biến thể "Ultra" của Samsung. Kế sau dòng Galaxy Z Fold có thể là khoảng trống dành Galaxy Z Flip, trở thành flagship duy nhất thứ hai của Samsung. Thậm chí, có thể coi màn hình gập là "điều lớn tiếp theo" (Next Big Thing) mà Apple chưa thể cung cấp cho khách hàng của mình. Đối với những người dùng khác, dòng Galaxy A đang phát triển mạnh mẽ của Samsung sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh Xiaomi đã vượt qua Samsung ở châu Âu.
Nếu điều đó xảy ra, hi vọng trong tương lai, phân khúc điện thoại flagship sẽ có giá khởi điểm khoảng 700 USD, thay vì mức giá 1.000 USD mà Samsung đang đưa ra cho Galaxy Z Flip3. Thực tế, Samsung vẫn có lý do để duy trì Galaxy S22 FE ở mốc tối thiểu.
Ngay cả khi Samsung quyết định cắt giảm số lượng flagship màn hình phẳng, điều đó không có nghĩa rằng cái tên Galaxy S sẽ biến mất. Nó có thể trở thành cái tên mà Samsung sử đụng dể gọi những chiếc điện thoại gập của mình vào một ngày nào đó. Galaxy S đã là một thương hiệu trứ danh, đưa Samsung trở thành tâm điểm trong hơn 1 thập kỷ qua, thế nên, chúng ta không thể loại trừ việc Samsung chuyển cái tên này cho một thiết kế mới. Khi Samsung lần đầu tiên thử nghiệm màn hình cong, công ty đã chọn cái tên Galaxy Edge, nhưng những cạnh cong đó đã trở thành tiêu chuẩn trên dòng Galaxy S kể từ Galaxy S8. Nếu Samsung làm cho những thiết bị gập trở thành tiêu chuẩn mới, chúng ta cũng có thể thấy điều tương tự trong tương lai.
Rõ ràng, dòng sản phẩm flagship của Samsung đang ngày càng "dồi dào" một cách vô lý và thực tế, Samsung không cần phải phân hóa quá nhiều như vậy.
Lê Hữu(Theo The Verge)