Yêu cầu trên được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra khi phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 9, sáng 15/1.
Ghi nhận, biểu dương những thành quả trong lĩnh vực công nghệ số thời gian qua, song Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia.
Tổng Bí thư đánh giá một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế năng lực tự chủ công nghệ Việt Nam. Cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.
Một hạn chế khác được Tổng Bí thư đề cập là trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dẫn số liệu Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, Tổng Bí thư cho rằng đây là những con số có vẻ rất ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào nhưng chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất số liệu này chưa.
Tổng Bí thư đặt câu hỏi: Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong những giá trị xuất khẩu đó, hay Việt Nam đang ở những phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài?
"Một cái áo bán ra, trong đó thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì liệu mình thu lại được bao nhiêu trên những sản phẩm này. Có chăng đóng góp của chúng ta chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi tự hỏi đây liệu có phải là sự ngộ nhận, tự huyễn hoặc, tự ru ngủ hay không?", Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành điện tử, ngành sản xuất điện thoại và linh kiện khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện, nhưng nhập khẩu đến 80% giá trị của những linh kiện này.
Trên thực tế, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp 1 cung ứng cho Samsung thì có tới 55 doanh nghiệp nước ngoài, tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp 1 thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải.
"Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn nhận sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế. Thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến độ khoa học nội địa còn thấp, trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ lạc hậu và khoảng 5% sử dụng công nghệ cao.
Sắp tới đây, chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn, đừng để Việt Nam thành cứ điểm lắp ráp, gia công, bãi rác công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được điều gì", Tổng Bí thư chỉ đạo.
Trên tinh thần của Nghị quyết 57, được ví như "Khoán 10" trong nông nghiệp, Tổng Bí thư mong muốn nhận được các báo cáo là trí tuệ Việt Nam, công nghệ số Việt Nam đóng góp bao nhiêu phần trăm đối với các sản phẩm của ngành công nghệ số, đóng góp bao nhiêu phần trăm để các sản phẩm đó thông minh hơn, hiệu năng hơn, thẩm mỹ hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn; những cái tên Việt Nam nào được vinh danh trong các phát minh, sáng kiến...
Từ đó, Tổng Bí thư gợi mở, trong giai đoạn tới, ngành và các doanh nghiệp công nghệ số phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Cùng đó là đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu phát triển các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo; internet vạn vật; dữ liệu lớn; điện toán đám mây; công nghệ thông tin di động 5G, 6G; công nghệ vũ trụ, không gian...
Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác công - tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tổng Bí thư yêu cầu từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực về kinh tế số như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp cho việc ứng dụng và quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho mọi người dân.
Nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.
"Mỗi doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta phải tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao nhân lực cả về số lượng và chất lượng", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.
Tổng Bí thư cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần có sự đồng lòng, quyết tâm, và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa; cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội, mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết số 57.
Mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung xây dựng các sản phẩm dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự, phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
"Đây là thời cơ vàng để chúng ta khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và phạm vi toàn thế giới", Tổng Bí thư nói.