"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - Hồ Con Rùa nhưng không có… rùa

Hương Hồ| 28/11/2022 11:36

Trên con đường Duy Tân "cây dài bóng mát" nổi tiếng trong thi ca miền Nam trước 1975, có một cảnh quan mà nếu thiếu vắng nó, sẽ bớt đi vẻ lãng mạn nhiều lắm, đó là bùng binh hồ Con Rùa.

"Trước 1956, cái hồ này nhỏ xíu; giữa có tượng... Cái bùng binh (round point) xung quanh hồ xưa gọi là công trường Maréchal Joffre", ông cụ Trần Văn D., người sống từ năm 1945 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần khu vực hồ Con Rùa hiện nay, chia sẻ với chúng tôi những hồi ức xưa, trong lúc hàng trăm bạn trẻ đang tìm đến đây trong một buổi sáng cuối tuần.

Trí nhớ của cụ không sai. Công trường Maréchal Joffre nằm giữa giao lộ, đúng hơn là một ngã tư của ba con đường nay là Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Tần - Trần Cao Vân và là vòng xoay đầu tiên của thành phố Sài Gòn sau khi người Pháp vào. Trước khi có công trường, nơi đây từng là một tháp nước (chateau d'Eau) được xây dựng từ năm 1878 để cung cấp nước cho thành phố Sài Gòn. Những chiếc nắp gang đậy cống thoát nước trên vỉa hè quanh nhà thờ Đức Bà hiện nay vẫn còn thấy rõ năm đúc là 1878, tức cùng thời điểm xây dựng tháp nước.

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương - Hồ Con Rùa nhưng không có… rùa - 1

Tháp nước nhìn từ đường Blancubé (Ảnh: Tư liệu).

Tháp được cấp nước từ 10 giếng, sau tăng lên 20 giếng nằm xung quanh tháp nước trung tâm. Cuối năm 1956, tài liệu của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn ghi nhận xung quanh tháp nước trung tâm có 71 giếng khoan, nhưng thực tế, cũng theo tài liệu này, chỉ 36 giếng còn dùng được.

Tôi tập và dạy võ Karaté ở Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM từ năm 1979. Sân võ của chúng tôi tập nằm bên cạnh một trong những giếng nước này. Nếu đi từ phía cổng phụ mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện hội trường A của Nhà Văn hóa, ta sẽ thấy hiện nay vẫn còn một nắp đậy giếng. Nắp này bằng gang hay thép gì đó bên trên, dầy đến ba, bốn phân (cm), đường kính khoảng trên dưới hai mét rưỡi, nặng có lẽ đến vài trăm ký.

Hồi năm 2017-2018, tôi vẫn còn thấy chiếc nắp giếng này nằm lộ thiên. Hiện nay, nó bị phủ lấp lên trên bằng xi măng. Thỉnh thoảng anh em bảo vệ mở nắp kiểm tra, tôi nhìn xuống thấy sâu lắm, khoảng gần 20 mét. Thành giếng có đoạn xây gạch, có đoạn ống bê tông cốt thép. Cũng theo tài liệu của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, gần đáy giếng có trụ lọc bằng cát - sỏi, nước qua trụ lọc chạy vào các ống ngang về giếng chính, khử trùng sơ bộ rồi bơm vào các hồ chứa, sau đó bơm lên tháp nước để đến từng nhà dân.

Một hồ chứa cách giếng nước này khoảng vài chục mét, cũng trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM, nơi xưa là Trường thi Gia Định. Trường thi xưa vốn có ao hồ cho thí sinh sử dụng khi dựng lều thi. Không rõ hồ chứa này có trùng với ao hồ của Trường thi hay không, chưa nghe tài liệu nào ghi nhận.

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương - Hồ Con Rùa nhưng không có… rùa - 2

Năm 1983, sân võ tôi có tham gia biểu diễn trong Festival Việt - Xô. Trong dịp này, hồ nước được phủ lên bằng những thanh gỗ lớn, dầy đến năm phân để đi qua như qua cầu. Có lúc sân võ của tôi tập ở khu vực sân tennis, nghe anh em bảo vệ lúc đó nói chỗ này khi xưa cũng là một hồ nước. Tài liệu lưu trữ của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết sức chứa ban đầu mỗi hồ này 4.000m3. Anh em bảo vệ ở đây lúc trước thỉnh thoảng leo xuống bắt được cá trê khủng, lên khoe với chúng tôi.

Hồi thập niên 1980, một cầu thang sắt trong hồ nước này được đưa lên làm cầu thang phụ bên hông lên tầng một của Nhà Văn hóa Thanh niên. Hơn trăm năm chìm trong nước, cầu thang sắt đặc này vẫn chắc chắn như mới làm. Cầu thang thời đó hình như không hàn (tôi không thấy vết hàn) mà nung nóng tán rivet. Những con ốc tán gắn kết các chi tiết cầu thang trải qua thời gian như tiệp một khối với cầu thang. Chúng tôi lên xuống thường xuyên, không hề rung lắc.

Trở lại tháp nước, đây là một ngôi tháp xuất hiện trong bưu thiếp khá nhiều và được người Pháp ca ngợi là "Một tác phẩm tuyệt đẹp trên một nền móng rất cao và vững chãi với một cầu thang xoắn ốc gắn vô một cái lồng" (Louise Bourbonnaud - Les Indes et l'Extreme Orient, 1892).

Tuy nhiên, "tác phẩm tuyệt đẹp" này bị chính người Pháp phá bỏ năm 1921 vì không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đang tăng mạnh của thành phố.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/gia-dinh-la-nho-sai-gon-la-thuong-ho-con-rua-nhung-khong-co-rua-20221118122537595.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/van-hoa/gia-dinh-la-nho-sai-gon-la-thuong-ho-con-rua-nhung-khong-co-rua-20221118122537595.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - Hồ Con Rùa nhưng không có… rùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO