2 bệnh viện trung ương thí điểm tự chủ toàn diện thất bại do tự chủ 'nửa vời'

Thùy Linh| 24/08/2022 18:27

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15.9.2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện thì có 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách này. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, thiếu cơ chế, thiếu hành lang pháp lý là một trong những nguyên nhân khiến cho việc triển khai thí điểm... thất bại.

2 bệnh viện trung ương thí điểm tự chủ toàn diện thất bại do tự chủ
Các bác sĩ thực hiện 1 ca phẫu thuật điều trị ung thư bằng robot. Ảnh: BVCC

Chỉ tự chủ trên... danh nghĩa

Theo TS.BS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.

"Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa"- TS.BS Dương Đức Hùng nói. 

Từ đó, Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. 

Tương tự, Bệnh viện K cũng rơi vào "vòng xoáy" thiếu cơ chế khi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện.  

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều.

Hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Giá dịch vụ y tế thanh toán BHYT thì theo quy định chung, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng khung giá cũng chưa được ban hành nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn. Vấn đề tuyển dụng nhân lực cũng gặp những khó khăn nhất định. 

Theo thông tin của Giám đốc Bệnh viện K, đúng trong thời điểm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là lúc xảy ra đại dịch COVID-19 do đó nguồn thu của Bệnh viện K giảm rõ rệt khoảng 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỉ.

"Nếu không có dịch COVID-19, một năm Bệnh viện tích luỹ được khoảng 100 tỉ đồng"- Giám đốc Bệnh viện K thông tin.

Theo đó nếu mang số tiền này để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nhiều khi không đủ bởi các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư rất đắt tiền.

Đặc biệt, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, một năm Bệnh viện K đã phải đóng đã lên đến hàng chục tỉ. Như thế cũng là một bài toán khó đối với bệnh viện.

Các quy định mang tính nửa vời và không có cơ sở thực hiện

Trong khi cùng thực hiện chính sách thí điểm tự chủ, nếu ngành giáo dục thực hiện rất thành công thì ngành y tế lại còn nhiều vướng mắc do chưa có đủ hành lang pháp lý để có thể thực hiện tự chủ.

Bàn luận về vấn đề này, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - cho rằng: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của lãnh đạo bệnh viện về các bất cập trong mô hình tự chủ.

"Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh rằng, dù Nghị quyết 33 ra đời nhưng các văn bản pháp quy để hướng dẫn thực hiện đang bị thiếu rất nhiều, từ cơ chế đến nguyên tắc, xác định đối tượng phục vụ,… Việc đảm bảo sự thông tháo, hiệu quả và thuận lợi trong công tác tự chủ tại bệnh viện đang bị vướng mắc. Ngay cả trong tự chủ một phần và toàn phần cũng đang bị biến tướng, các quy định từ khi ra đời đã không còn phù hợp"- GS Nguyễn Anh Trí nói. 

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: Chúng ta đã thành công trong việc tự chủ bệnh viện một phần tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện công lập của nhà nước. Mong muốn tự chủ toàn diện nhưng lại chỉ thí điểm ở 4 bệnh viện trên tổng số 1.400 bệnh viện công lập và sau 2 năm triển khai chỉ có 2 bệnh viện thực hiện và 2 bệnh viện không thực hiện được bởi chúng ta đã thiếu cơ chế về mặt pháp lý.

"Khi ta cho tự chủ về hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy hay về nguồn tài chính, mua sắm trang thiết bị tài sản công,… thì các quy định lại mang tính nửa vời và không có cơ sở thực hiện. Sau hai năm thực hiện thí điểm, có lẽ đến lúc dừng thí điểm để có những nhận xét, đánh giá và đưa ra những mô phù hợp hơn"- TS Quang nói. 

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/2-benh-vien-trung-uong-thi-diem-tu-chu-toan-dien-that-bai-do-tu-chu-nua-voi-1083628.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/2-benh-vien-trung-uong-thi-diem-tu-chu-toan-dien-that-bai-do-tu-chu-nua-voi-1083628.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
2 bệnh viện trung ương thí điểm tự chủ toàn diện thất bại do tự chủ 'nửa vời'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO