Nghiên cứu việc tiêm mũi vaccine thứ 4
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho biết, đến nay, cả nước đã tiêm hơn 201,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.666.030 liều, trong đó mũi 1: 70.943.531 liều; Mũi 2: 69.369.026 liều; Mũi bổ sung: 14.642.702 liều và Mũi 3: 29.710.771 liều.
Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 95%; Còn 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%.
Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.064.397 liều, trong đó mũi 1: 8.751.554 liều; Mũi 2: 8.312.843 liều.
Đến nay, đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; Còn lại 6/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bộ Y tế cho biết, một số hoạt động trọng tâm của bộ trong là triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và chủ động cung ứng vaccine;
Triển khai tiêm vaccine thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3.2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các cháu dưới 5 tuổi…
Hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9.2022
Theo Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 hướng đến mục tiêu bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19, bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9.2022; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Tất cả đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.
Người khỏi bệnh vẫn tái nhiễm, tiếp tục hoàn thành tiêm mũi 3
Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số mắc tiếp tục tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron làm lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít tăng số ca nặng hơn. Do tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Bộ Y tế khuyến cáo người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vaccine mũi 3; triển khai các biện pháp ưu tiên quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao;
Đồng thời, tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; nhất là thực hiện nghiêm thông điệp "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác" là rất quan trọng trong việc kiểm soát ca lây nhiễm, hạn chế ca tăng nặng, tử vong...