Nghệ thuật khỏa thân và cuộc đấu tranh chống lại định kiến

11/11/2022 12:00

Bắt đầu từ cuộc triển lãm của danh họa Amedeo Modigliani hơn 100 năm trước, nghệ thuật khỏa thân trải qua hành trình dài từ không được chấp nhận đến được tiếp cận cởi mở hơn.

Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 100 năm cuộc triển lãm tranh của danh họa người Italy Amedeo Modigliani tại phòng trưng bày Berthe Weill ở Paris, Pháp. Triển lãm mở ra tiền lệ chưa từng có – giới thiệu một số tác phẩm khỏa thân. Đối với nhiều người thời điểm đó, điều này không thể chấp nhận được và triển lãm phải đóng cửa chỉ sau vài giờ khai mạc.

“Nó thực sự khiến mọi người bị sốc và một số bức tranh bị gỡ xuống”, Nancy Ireson, một trong những người phụ trách triển lãm của Modigliani tại Tate Modern (Anh) vài năm trước, cho biết.

kt1-5123.jpg
Hơn 100 năm trước, tranh khỏa thân của Modigliani gây chấn động. Ảnh: Modigliani.

Đi ngược lại truyền thống

Ngày nay, những người phụ nữ khỏa thân của Modigliani không hề gây sốc. Trên thực tế, tư thế của họ cho thấy họa sĩ say mê sự sang trọng và chủ nghĩa cổ điển. Tuy nhiên, khi đi ngược lại với những bức ảnh khỏa thân, Modigliani được coi là đang tấn công trật tự xã hội và ông không hề đơn độc.

Modigliani là một phần của nhóm các nghệ sĩ Belle Époque (tiếng Pháp có nghĩa là “Những ngày tháng tươi đẹp”) cấp tiến. Với mong muốn phá bỏ các quy ước văn hóa, họ chọn cách buộc mọi người phải đối mặt với cách họ nhìn nhận bản thân. Một số họa sĩ, như Modigliani, làm điều đó bằng cách bám sát vào thực tế. Trong khi đó, những người khác, như Picasso, phá hủy và tái tạo nó cho thế giới hiện đại. Do đó, khỏa thân trở thành một chủ đề thách thức và gây tranh cãi.

Lý giải tranh khỏa thân của Modigliani lại gây sốc đến vậy, Nancy Ireson cho rằng những người phụ nữ trong tranh thể hiện tính tình dục quá mức, khiến người ta liên hệ với cách phụ nữ gây rối xã hội vào thời điểm đó. “Những bức tranh này được tạo ra trong Thế chiến thứ nhất, khi nhiều phụ nữ đi làm và sống độc lập hơn ... Thực tế đó dấy lên sự quan ngại trong xã hội”, Ireson phân tích.

Kiểm duyệt tác phẩm khỏa thân


Vào thế kỷ trước, cái nhìn về nghệ thuật khỏa thân khắc nghiệt hơn hiện tại nhiều. Năm 1912, họa sĩ người Áo Egon Schiele phải ngồi tù 24 ngày với cáo buộc có hành vi đồi bại liên quan đến hàng trăm bức phác thảo khỏa thân. Hai nghệ sĩ người Đức là Otto Dix và George Grosz đều bị đưa ra xét xử vì tội dâm ô vào những năm 1920.

Tác phẩm The Rape (Cưỡng dâm) của René Magritte được che phủ sau bức màn nhung khi lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc triển lãm ở Brussels (Bỉ) vào năm 1934. Chỉ những người theo chủ nghĩa siêu thực mới được phép xem nó.

Đối với Modigliani, việc kiểm duyệt tranh khỏa thân khiến ông không bán được hàng. Cuối cùng, ông chết trẻ trong tình trạng không xu dính túi vào năm 1920.

Việc kiểm duyệt gây ra nhiều rắc rối cho các nam nghệ sĩ trên. Dù vậy, danh tiếng của họ được phục hồi sau đó. Họ được người đời ca tụng là những người khác biệt, có tầm nhìn xa trông rộng. Những tác phẩm khỏa thân của họ được đánh giá là dũng cảm về tình dục, nguyên bản và không bị gò bó.

Đấu tranh chống kiểm duyệt


Vào những năm 1960, các nghệ sĩ nữ quyền bắt đầu thể hiện nghệ thuật khỏa thân từ góc độ phụ nữ, phản ánh những ham muốn tình dục của phụ nữ. Loạt cái tên tiêu biểu như Joan Semmel, Judith Bernstein, Dorothy Iannone, Betty Tompkins, Anita Steckel và Penny Slinger sử dụng nội dung nhạy cảm để trình bày câu chuyện khác với những gì được quảng bá bởi ngành công nghiệp tình dục. Tuy nhiên, họ không tránh được kiểm duyệt và quy trình này tác động làm suy yếu sự nghiệp của họ.

Slinger bị các quan chức hải quan đốt tác phẩm vào năm 1978. Bernstein buộc phải giải trình về những bức tranh mô tả cơ quan sinh dục. Trong khi đó, Steckel chịu sức ép từ các nhà kiểm duyệt muốn đóng cửa triển lãm khỏa thân của bà tại Cao đẳng Cộng đồng Rockland ở New York. Ban lãnh đạo của trường phản đối đưa hình ảnh bộ phận sinh dục nam vào triển lãm.

Đáp lại, Steckel thành lập The Fight Censorship Group (tạm dịch: Nhóm đấu tranh chống kiểm duyệt) với tuyên bố đanh thép.

Giống Steckel, Tompkins và Ianonne cũng tìm được cách đối đầu với kiểm duyệt là thông qua sự lên án về tinh thần.

Những bức vẽ của Tompkins lấy chủ đề từ các tạp chí khiêu dâm. Khi một trong những tác phẩm bị tạm giữ khi đang trên đường tới Pháp tham dự triển lãm, lời đáp trả của bà là tạo ra loạt các bức vẽ quy mô lớn, trong đó từ “kiểm duyệt” được làm nổi bật.

Năm 1970, khi bảo tàng Kunsthalle Bern ở Thụy Sĩ cố gắng che bộ phận sinh dục trong các bức tranh của Ianonne, bà phản ứng bằng tác phẩm mô tả chi tiết vụ bê bối, còn nêu tên các nhân vật chính có liên quan.

Đáng nói, đối với những nghệ sĩ nữ, việc đối đầu với pháp luật không dẫn đến tai tiếng như các đồng nghiệp nam. Họ mất dần tên tuổi và một số ngừng giới thiệu những “đứa con tinh thần” công khai.

kt3-948.jpg
Tác phẩm Consider the Lilies của Penny Slinger. Ảnh: Penny Slinger.

Tuy nhiên, thế giới thay đổi trong hơn thập kỷ qua, các họa sĩ như Tompkins và Iannone đang dần hồi sinh nhờ những người tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật cho bảo tàng và nghệ sĩ trẻ hơn. Họ bắt đầu nhận thức được cách các nghệ sĩ nữ quyền tiên phong trên đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc tạo ra thái độ tích cực về tình dục tồn tại trên các phương tiện truyền thông chính thống ngày nay. Thông qua những mô tả nghệ thuật khỏa thân táo bạo và không khoan nhượng của họ, những định kiến cuối cùng cũng sắp lụi tàn.

Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/nghe-thuat-khoa-than-va-cuoc-dau-tranh-chong-lai-dinh-kien-post1485424.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/nghe-thuat-khoa-than-va-cuoc-dau-tranh-chong-lai-dinh-kien-post1485424.tpo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật khỏa thân và cuộc đấu tranh chống lại định kiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO