Ngân hàng tuyển người truy dấu tài sản thế chấp, hé lộ việc như phim hành động

27/02/2023 13:01

Với những tài sản thế chấp là động sản như ô tô, tàu biển... khách không trả nợ, không hợp tác bàn giao tài sản, ngân hàng phải truy tìm, phục kích như trong phim hành động. Không ít các tình huống bi hài xảy ra

Một ngân hàng mới đây đăng tải thông tin tuyển dụng chuyên viên cao cấp truy dấu tài sản thế chấp, làm việc tại Hà Nội.

Tiêu chí để được tuyển dụng là phải có 1-2 năm kinh nghiệm làm xử lý nợ tại các công ty xử lý nợ, ngân hàng, công ty thu hồi nợ; tốt nghiệp chuyên nghành kinh tế, ngân hàng, an ninh, cảnh sát. Ưu tiên có kinh nghiệm làm việc về truy dấu, xử lý tài sản đảm bảo trong hệ thống ngân hàng hoặc các cơ quan công an, điều tra, thám tử.

Ứng viên phải có kỹ năng phản ứng nhanh; thông thạo đường phố, có xe máy riêng; kiên nhẫn, quyết đoán, nhạy bén và chịu được áp lực công việc cao...

Trên thực tế, các ngân hàng luôn phải đau đầu để chạy theo truy dấu tài sản đảm bảo, phần lớn là xe ô tô, của khách hàng, dù đã có thông báo thu giữ tài sản đảm bảo gửi đến khách hàng từ trước đó.

Anh Quốc Vinh, chuyên viên xử lý nợ làm việc hàng chục năm tại một ngân hàng lớn chia sẻ với VietNamNet, có những tình huống khách hàng không hợp tác khiến nhân viên ngân hàng phải đuổi theo, 'phục kích' để truy dấu vết tài sản, thu nợ. Từ đây cũng có không ít các tình huống bi hài xảy ra.

“Thông thường ngân hàng luôn tạo điều kiện để khách có thể trả nợ. Nhưng khi đã nhiều lần thông báo, nhắc nhở mà khách không hợp tác thì ngân hàng sẽ gửi thông báo thu hồi tài sản đảm bảo.

Với những tài sản là động sản như ô tô các loại, tàu biển, máy xây dựng,… đôi khi còn phải truy tìm rồi mật phục khách hàng như trong phim hành động”, nhân viên này cho biết.

Nhiều khi công việc không khác gì... thám tử tư, chúng tôi phải lần mò tìm dấu vết tài sản, người vay nợ khi không hợp tác bàn giao tài sản cũng nảy ra trăm phương nghìn kế để tẩu tán, di chuyển tài sản.

Cũng theo người nhân viên thu nợ này, việc nhân viên xử lý tài sản đảm bảo phải trực tiếp truy dấu tài sản đảm bảo thường chỉ diễn ra ở các thành phố lớn.

Sau khi ngân hàng thông báo về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản đảm bảo, nếu khách hàng không hợp tác, có dấu hiệu di chuyển, 'tẩu tán' tài sản, thì nhân viên xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản tại bất cứ nơi đâu khi nhân viên thu nợ phát hiện ra.

Anh Mạnh Hùng, nhân viên thu nợ của một công ty cho thuê tài chính thuộc một ngân hàng nhóm Big4 cho biết, chuyện đi thu hồi tài sản đảm bảo nhưng bị khách hàng chống đối là chuyện cơm bữa.

“Có lần, chúng tôi nhận quyết định đi thu hồi tài sản là một chiếc xe ô tô tại huyện Thạch Thất (Hà Nội). Khách hàng biết trước lịch thu hồi tài sản vì được ngân hàng thông báo trước có sự chuẩn bị để đối phó.

Khi nhóm nhân viên thu nợ đến, đón tiếp chúng tôi là cả dàn anh em họ hàng dân làng đông đủ. Họ được huy động đến gây sức ép, không cho người của ngân hàng mang xe đi. Trong tình cảnh ấy, nhóm nhân viên thu nợ của ngân hàng buộc phải rút lui.

Sau đó, chúng tôi phải bố trí người bí mật theo dõi cả gần và xa, 'ăn gió nằm sương', theo nhất cử nhất động của khách hàng, phối hợp chờ thời điểm khách lái chiếc xe này ra khỏi địa bàn cư trú rồi bí mật bám theo.

Đến khi xe gần vào nội thành Hà Nội thì chúng tôi mới dùng biện pháp nghiệp vụ để tiến hành thu giữ. Lúc này khách hàng biết không thể “gọi hội anh em cùng làng” nên chỉ còn biết tuân thủ, giao xe".

Tuy nhiên, anh Hùng cho biết, gặp trường hợp như trên vẫn còn may. Lượng tài sản cần thu hồi thì nhiều, trong khi lực lượng cán bộ thu hồi thì mỏng, tài sản được khách di chuyển hết chỗ này đến chỗ kia, không biết ở đâu mà “rình”.

Thậm chí, có những trường hợp khách hàng không hợp tác bằng cách chủ động tẩu tán tài sản từ trước khi bị thu hồi.

“Không ít trường hợp khách đem xe ô tô đi cầm cố ở hiệu cầm đồ. Dù chủ tài sản không có giấy tờ gốc nhưng tiệm cầm đồ vẫn đồng ý nhận với giá thấp. Khách trong trường hợp này mang xe đi cầm cố có tâm lý được đồng nào hay đồng ấy.

Thậm chí có người còn mang xe đi bán, vẫn có đối tượng mua lại xe không có giấy tờ gốc, sau đó làm giả giấy tờ. Những lúc như thế ngân hàng phải nhờ công an địa phương hỗ trợ, mất nhiều thời gian, công sức, chi phí”.

Nhiều trường hợp khách hàng cư trú ở các tỉnh lẻ, ngân hàng phải nhờ đến sự phối hợp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, xui xẻo cho những cán bộ thu nợ khi gặp phải trường hợp khách hàng có quan hệ họ hàng, thân thiết với cán bộ xã, phường.

“Gặp những trường hợp như vậy, cán bộ địa phương họ không hỗ trợ, thậm chí bao che, rất khó làm việc”, anh Hùng chia sẻ.

Tại ngân hàng đang tuyển nhân viên cao cấp truy dấu tài sản, mới đây nhà băng này cũng thông báo thu giữ một loạt tài sản đảm bảo là xe ô tô của khách hàng đã không còn khả năng thanh toán nợ.

Trong thông báo thu giữ tài sản bảo đảm liên quan đến khoản vay của một công ty có trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, ngân hàng cho biết doanh nghiệp này còn dư nợ số tiền 531 triệu đồng nhưng không hợp tác thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Do đó, ngân hàng đã thông báo thu giữ 02 xe ô tô của công ty gồm: 01 xe ô tô con Honda Accord, 01 xe ô tô nhãn hiệu Ford Explore, đăng ký lần đầu năm 2018 tại Hà Nội.

Tài sản đảm bảo là xe ô tô tại một bãi giữ xe ở phố Linh Đường (Hoàng Mai, Hà Nội) do một ngân hàng thu giữ từ khách vay. 

Trước đó, ngày 01/02/2013, ngân hàng đã có văn bản yêu cầu công ty bàn giao tài sản bảo đảm trước ngày 10/2/2023, tuy nhiên công ty đã không tự nguyện thực hiện, nên ngân hàng buộc phải thông báo thu giữ.

Cũng tại ngân hàng này, một khoản nợ trị giá 370 triệu đồng của công ty Đ.T đã không được trả đúng hạn. Do đó, ngân hàng vừa thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là chiếc xe ô tô con Hyundai biển số Bắc Ninh, được doanh nghiệp thế chấp từ năm 2019.

Trong quá trình thu giữ, nếu khách hàng chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác, ngân hàng sẽ đề nghị cơ quan công an và chính quyền địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm Theo khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu:
Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.
Do đó, chi phí xử lý nợ của các ngân hàng thường bao gồm cả việc phải chi cho công đoạn thu giữ tài sản, sau đó mới đến chi phí cho tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá,…
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng tuyển người truy dấu tài sản thế chấp, hé lộ việc như phim hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO