Chuyển đổi số ngành y tế: lợi ích cho bệnh viện, thầy thuốc và người dân

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 17/11/2022 20:47

Ngày 17/11/2022, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh”.

GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, thế giới đã có những bước phát triển vũ bão, những bước tiến mạnh mẽ về khoa học, công nghệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, rất nhiều ứng dụng công nghệ đã được triển khai trên thế giới. Thực tế đã cho thấy, nơi nào công nghệ thông tin (CNTT) phát triển, nơi đó sẽ hiện đại hơn, ưu việt hơn, thuận tiện hơn và có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Thứ trưởng cho biết thêm, hai năm qua, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đã ghi nhận những nỗ lực trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Trong những lúc khó khăn đó, chúng ta đã triển khai thành công đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền tổ quốc.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhìn nhận ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển CNTT chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau. An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về CNTT còn chậm triển khai…

Chính những hạn chế này dẫn đến việc phát triển CNTT khác nhau giữa các bệnh viện công lập, tư nhân và giữa các tuyến chưa tương xứng và đạt hiệu quả như mong đợi.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, lĩnh vực y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các Nền tảng số dùng chung quốc gia. Công nghệ giúp các y, bác sĩ thực hiện công việc của mình tốt hơn, người dân được sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn. Quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong các chương trình chiến lược quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định các nền tảng số triển khai rộng khắp sẽ là giải pháp đột phá cho chuyển đổi số. Ngành Y tế hiện đang sở hữu một nguồn tài nguyên vô cùng lớn, đó là dữ liệu liên quan đến công tác khám, chữa bệnh của người dân Việt Nam. Đây chính là yếu tố đầu vào quan trọng để thông minh hóa, tối ưu hóa các dịch vụ y tế.

Thứ trưởng cho biết thêm, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông dự định đề xuất lên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chọn là năm Dữ liệu số quốc gia. Bộ Y tế cần đề xuất những giải pháp, sáng kiến thúc đẩy phát triển dữ liệu số trong lĩnh vực y tế, qua đó góp phần phát triển dữ liệu số quốc gia.

Chuyển đổi số muốn nhanh, bền vững thì an toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời. Chuyển đổi số cần an toàn, an ninh mạng giống như một chiếc xe cần có phanh. Phanh không phải để dừng chiếc xe lại, mà để chúng ta yên tâm nhấn ga đi nhanh hơn, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

“Đơn giản nhất là đơn thuốc hay bệnh án điện tử. Nếu chuyển từ viết tay sang đánh máy, người dân không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc,…” PGS.TS.Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong triển khai đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn; dự trù, lập kế hoạch số lượng thuốc cho từng năm/giai đoạn; quản lý sử dụng kháng sinh, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…

Xu thế công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ khiến các cơ sở y tế của cả hai khu vực trong và ngoài công lập không thể "đứng ngoài cuộc". Thực tế cho thấy ứng dụng CNTT trong quản trị, điều hành và khám chữa bệnh của các bệnh viện là vô cùng cần thiết, giúp cho mọi hoạt động của bệnh viện nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn, từ đó làm tăng sự hài lòng người bệnh nhiều hơn.

Hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay đang chuyển dần sang hướng điều trị cá thể hóa. Muốn làm được điều này, các bệnh viện cần phải có dữ liệu để từ đó phân tích, đưa ra giải pháp điều trị phù hớp với từng cá nhân.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông minh và quản trị thông minh vào y tế đem lại nhiều lợi ích. Đối với chuyên môn, các ứng dụng trên nền tảng số như hội chẩn từ xa, ứng dụng kỹ thuật thông minh như phẫu thuật robot hoặc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định ... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán điều trị.

Đối với người bệnh và thân nhân, công nghệ giúp tăng tiện ích dịch vụ y tế trong quá trình trải nghiệm khám chữa bệnh, tăng cường giao tiếp với nhân viên y tế và giảm thời gian chờ đợi thông qua các tiện ích như đặt lịch hẹn online, thẻ khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm online. Chuyển đổi số cũng giúp các bệnh viện và nhà nước quản lý hoạt động của bệnh viện hiệu quả hơn.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ngành y tế: lợi ích cho bệnh viện, thầy thuốc và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO