Cảnh sống khó tin của người dân ở "ốc đảo" giữa lòng đô thị TPHCM

13/07/2022 16:43

Cách trung tâm TPHCM chỉ vài kilomet nhưng bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM) khá hoang hóa. Cuộc sống, sinh hoạt người dân không khác gì ở vùng quê hẻo lánh.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 1

Bán đảo Thanh Đa được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Nhìn từ trên cao, bán đảo này nằm gọn giữa các vùng đô thị của TPHCM.

Hiện trạng bán đảo là một vùng đất rộng hàng trăm héc-ta, thưa thớt dân cư. Hầu như không có công trình hạ tầng nhà ở, hạ tầng xã hội quy mô lớn được xây dựng.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 2

Dù cách trung tâm TPHCM chỉ hơn 10 phút di chuyển bằng xe máy, khung cảnh bán đảo Thanh Đa không khác gì một vùng nông thôn hẻo lánh. Nhà ở của người dân khá tạm bợ, đối lập với khung cảnh phố thị nhộn nhịp phía bên kia bờ sông Sài Gòn.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 3

Phần lớn cư dân trên bán đảo làm nông nghiệp từ nhiều đời nay. Những căn chòi nhỏ mái lợp lá, khu vườn với ao cá, nhiều cây xanh..., dễ liên tưởng đến khung cảnh của một vùng nông thôn.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 4

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (thuộc bán đảo Thanh Đa) được quy hoạch từ năm 1992 với quy mô hơn 426ha nhưng 30 năm nay vẫn chưa có dấu hiệu của việc xây dựng hạ tầng cơ bản.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 5

Theo quy hoạch, đây sẽ là khu đô thị đầy đủ chức năng với dân số khoảng 41.000 người, được xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 6

Sau hàng chục năm, nhiều nhà đầu tư đã đến rồi lại đi vì nhiều nguyên nhân khiến bán đảo Thanh Đa dường như "bất động", chững lại so với sự phát triển năng động của TPHCM.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 7

Ông Hiếu (55 tuổi, sinh ra và lớn lên ở bán đảo Thanh Đa) hiện đang trồng rau, hoa màu  chủ yếu chỉ bán cho hàng xóm trên mảnh vườn rộng 1.800m2.

Ông kể khi còn là một thanh niên tuổi đôi mươi, ông đã nghe quy hoạch khu đô thị mới ở bán đảo Thanh Đa. "Lúc đầu nghe nói nơi này sẽ được đầu tư phát triển, tôi rất vui vì nghĩ bán đảo quê mình sẽ thay da đổi thịt. Nhưng vì dự án treo quá lâu, nên hiện tại tôi không còn hy vọng nữa. Rất lâu rồi tôi cũng không theo dõi tiến độ quy hoạch ở Thanh Đa", ông Hiếu nói.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 8

Cùng tâm tư với ông Hiếu, bà Liên (62 tuổi, đang đạp xe) nói từ lâu bà đã không còn suy nghĩ đến chuyện đổi đời nhờ dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Bà hiện sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, bao quanh là một khu vườn nhỏ vài trăm mét vuông.

Nhiều lúc gia cảnh gặp khó, bà từng có ý định bán mảnh vườn này. Nhưng khi suy nghĩ kỹ, bà quyết định giữ lại phần đất của ông bà. "Không có tiền tôi sẽ đi làm thuê, hoặc buôn bán dạo để kiếm sống. Giờ già rồi tôi cũng không biết phải đi đâu khác", bà Liên nói.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 9

Ở Thanh Đa, nhiều người đang cảm thấy bất an trong chính ngôi nhà cũ kỹ của mình. Một số người chọn phương án nhà hư hỏng đến đâu thì sửa chữa, chắp vá sống tạm đến đó.

"Nhiều năm nay, rất ít hộ dân ở bán đảo xây nhà cửa khang trang. Nếu sắp tới dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa tái khởi động, việc tháo dỡ ngôi nhà mới và chuyển đi nơi khác sẽ rất xót dạ", ông Thành - một người dân sống tại Thanh Đa - nói.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 10

Những ngày hè oi ả, một xóm trọ tạm bợ ở bán đảo Thanh Đa nóng nực không khác gì "chảo lửa". Người dân nơi đây sống trong những căn phòng chật hẹp chỉ vài mét vuông, mái lợp tôn cũ kỹ. Giữa trưa, nhiều người bế trẻ nhỏ ra ngồi trước cửa phòng để "đón gió".

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 11

"Buổi trưa dù không làm việc gì nhưng mọi người xóm trọ ít khi ngủ được. Mọi thứ quá nóng bức, trẻ con thì cứ quấy khóc liên tục", chị Hạnh - người dân xóm trọ - chia sẻ.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 12

Điện lưới quốc gia được kéo về bán đảo từ năm 2000. Hiện nhiều cột điện nghiêng ngả, dây dẫn "sà" xuống khu vực dân cư, tiềm ẩn nguy hiểm.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 13

Nước sạch được đấu nối về bán đảo Thanh Đa năm 2002. Từ đó đến nay, hệ thống cấp nước hầu như không được đầu tư mới, ngành chức năng chỉ duy trì việc sửa chữa. Những ống dẫn nước được lắp đặt lộ thiên khá tạm bợ, mất mỹ quan.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 14

Chiếc cầu cũ kỹ hàng chục năm tuổi ở bán đảo Thanh Đa. Cầu chỉ dành cho xe máy, xe đạp và người đi bộ, ôtô không thể qua lại.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 15

Nhiều khu đất rộng hàng chục héc-ta ở Thanh Đa được dùng làm nơi chăn thả trâu, bò và gia súc. Phía xa là các tòa nhà cao tầng thuộc quận Bình Thạnh.

Cảnh sống khó tin của người dân ở ốc đảo giữa lòng đô thị TPHCM - 16

Nhà ở cũ kỹ của cư dân bán đảo nằm xen kẽ trong những mảng màu ruộng, vườn, ao cá đậm chất thôn quê.

Năm 2004, chính quyền TPHCM giao dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được.

Năm 2010, chính quyền TPHCM thu hồi quyết định. Sau đó, một đơn vị khác được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án.

Cuối năm 2015, liên danh Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng từ giữa năm 2017, Emaar Properties PJSC thông báo rút lui…

Năm 2019, chính quyền TPHCM quyết định tổ chức đấu thầu chọn chủ đầu tư cho dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Việc đầu tư xây dựng bán đảo này lại quay về vạch xuất phát.

Nhiều năm trôi qua, đến nay dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn "bất động" khiến người dân bức xúc.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sống khó tin của người dân ở "ốc đảo" giữa lòng đô thị TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO