Mùa hè ra chợ hay siêu thị đâu đâu cũng nhìn thấy dưa hấu. Giá của loại quả này không chỉ rẻ mà còn rất giàu dinh dưỡng. Những ngày nắng nóng, có đĩa dưa thanh mát để giải tỏa cơn khát thì còn gì tuyệt hơn.
Bạn thường bổ dưa như thế nào? Có một hiện tượng mà nhiều người gặp phải là khi đang bổ bỗng dưng bề mặt quả dưa nứt ra. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những quả đã chín già, vỏ căng, mịn. Tuy không ảnh hưởng tới chất lượng của dưa nhưng vô tình khiến miếng dưa hấu của bạn trở nên xấu xí. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Nguyên nhân khiến dưa hấu bị nứt là do áp suất bên trong ruột của quả dưa quá lớn. Khi tác động lực nhẹ sẽ làm cho dưa nứt vỡ nhanh hơn. Để khắc phục điều này bạn có thể sử dụng đũa ăn cơm.
Trước tiên, hãy xác định phần lỗ tròn ở đáy của dưa hấu. Tiếp đến, bạn dùng đũa xiên nhẹ qua lỗ tròn này. Xoay đũa một vòng sau đó rút nó ra. Chỉ với thao tác trên bạn có thể yên tâm bổ tiếp dưa mà không sợ vỏ quả bị nứt.
Vì sao đũa ăn lại có tác dụng thần kỳ đến thế? Theo lý giải, việc bạn dùng đũa tạo lỗ tròn, nhỏ trên bề mặt sẽ giúp giải phóng áp suất bên trong dưa hấu. Khi áp suất đã được giảm đi thì việc bổ dưa trở nên dễ dàng hơn mà không sợ nứt.
Lúc này, bạn có thể hoàn tất việc bổ dưa để có món tráng miệng thanh mát đãi cả nhà. Với phần dưa không ăn hết bạn cần biết cách bảo quản để giữ dưa tươi lâu lại không làm thất thoát chất dinh dưỡng.
Khảo sát cho thấy, đa phần mọi người đều có thói quen cho dưa vào tủ lạnh. Cách làm này chẳng khác nào thêm cả ổ vi khuẩn cho dưa. Bên cạnh đó, việc ăn dưa hấu để lạnh cũng không được khuyến khích, nhất là với người mắc chứng tỳ vị hư hàn.
Để giữ cho dưa hấu tươi lâu, an toàn cho sức khỏe, bạn hãy làm theo hướng dẫn sau:
Nguyên liệu
- Dưa hấu: 1 quả
- Màng bọc thực phẩm
- Muối
- Nước lạnh
Cách làm
1. Dùng màng bọc thực phẩm phủ kín toàn bộ bề mặt của miếng dưa hấu cần được bảo quản. Chú ý, bước này rất quan trọng, nó sẽ giúp cho miếng dưa của bạn được bảo vệ toàn diện, tránh sự xâm nhập của các loại mùi và vi khuẩn gây hại.
2. Chuẩn bị 1 bát lớn hoặc chậu có kích thước đủ để đặt vừa miếng dưa. Thêm vào đây lượng nước lạnh vừa đủ cùng 1 thìa muối sau đó khuấy đều lên.
3. Cho miếng dưa hấu bạn đã bọc kín vào ngâm. Đặt bát dưa hấu ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, cứ sau 1 ngày thì bạn thay nước. Cách làm này có thể giữ cho dưa hấu tươi roi rói trong suốt 7 ngày mà không hề bị mất nước, úng hỏng hay sản sinh các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
4. Khi ăn, bạn lấy dưa hấu ra cắt miếng như thông thường. Phần dưa còn thừa lại tiếp tục áp dụng cách bảo quản trên.
Sở dĩ, dưa hấu bị hỏng là do bề mặt tiếp xúc với 1 lượng lớn các loại vi khuẩn ngoài môi trường. Lúc này, việc bạn ngâm nó trong nước muối sẽ phần nào ức chế được sự xâm nhập và sản sinh các vi khuẩn gây hại. Nhờ loại bỏ được tác nhân này mà dưa lúc nào cũng tươi roi rói.
Một số lưu ý khi ăn dưa hấu
1. Dưa hấu rất dễ gây kích thích dạ dày, co thắt mạch đường tiêu hóa vì thế không nên ăn quá nhiều cùng một lúc.
2. Dưa mua về nên ăn ngay. Bạn có thể cho dưa vào ngăn mát của tủ lạnh nhưng không nên để quá 2 tiếng.
3. Không ăn dưa hấu trước và sau bữa ăn. Tốt nhất là ăn dưa hấu sau bữa ăn khoảng 2 tiếng.
4. Dưa hấu thuộc nhóm quả có tính lạnh, do đó người mắc chứng tỳ vị hư nhược không nên ăn quá nhiều dễ bị đầy bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
5. Không để dưa hấu quá lâu nhất là vào mùa hè. Ở môi trường nhiệt độ cao dưa hấu rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, không may ăn phải loại dưa hấu này sẽ ảnh hưởng tới đường tiêu hóa.
Theo Thời báo văn học nghệ thuật