Có khoảng một nửa số trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và khoảng 90% số trẻ em khuyết tật sống tại các trung tâm bị khuyết tật nặng, tình trạng đa khuyết tật gặp khá thường xuyên.
Theo các chuyên gia, đối tượng của phát hiện sớm khuyết tật là tất cả trẻ em từ 0 đến 6 tuổi tại cộng đồng (bình thường và khuyết tật đã được chẩn đoán trước đó).
Theo hướng dẫn chẩn đoán, can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật của Bộ Y tế, nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm, nhiều trẻ khuyết tật sẽ phục hồi tốt và trở thành trẻ bình thường như trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường;
Một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường như trẻ chậm phát triển vận động, ngôn ngữ so với tuổi, trẻ bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ.
Một số trẻ khuyết tật nặng cũng được phục hồi không dẫn đến các khuyết tật thứ phát, các kỹ năng được cải thiện nhiều và có thể hội nhập xã hội. Ví dụ, trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp, tuy không đi lại được nhưng ngồi xe lăn vẫn có thể đi học.
Đối với cha mẹ trẻ khuyết tật, can thiệp sớm khiến cha mẹ bị lôi cuốn một cách tích cực vào quá trình can thiệp, nhờ đó họ phát hiện được khả năng và tiềm năng của bản thân.
Cha mẹ có thể chăm sóc trẻ hàng ngày, duy trì tư thế đúng, bế ẵm, tập luyện… Can thiệp sớm khiến cha mẹ phải đương đầu với các vấn đề cảm xúc, giúp họ dễ chấp nhận khuyết tật của trẻ.
Nhờ can thiệp sớm, cha mẹ có kỹ năng xử trí với các vấn đề của trẻ, tăng cường tương tác trẻ - cha mẹ…
Thêm vào đó, can thiệp sớm khiến cha mẹ tiếp cận thông tin tốt hơn về: Chẩn đoán, nguyên nhân khuyết tật, hiểu biết về sự phát triển bình thường của trẻ, hệ thống cung cấp dịch vụ hiện có và làm thế nào để kích thích sự phát triển đang bị chậm hoặc rối loạn của trẻ.
Can thiệp sớm giúp anh chị em ruột có thái độ, hành vi đúng mực với các vấn đề của trẻ; đảm bảo gia đình (ông bà, chú bác, cô dì…) sẽ tham gia mạng lưới và hệ thống, cùng phối hợp đối phó với các khó khăn của trẻ đồng thời làm nhẹ gánh nặng cho gia đình thông qua các hoạt động trợ giúp gia đình, chăm sóc trẻ và các phương tiện khác (vật chất, dụng cụ thích ứng, cải tạo nhà cửa…).
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc can thiệp sớm giúp xã hội nhận thức được thực tế có nhiều trẻ có vấn đề về phát triển trong cộng đồng và quyền được hỗ trợ của chúng; làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ, và do vậy sẽ làm giảm các chi phí xã hội do tội phạm, thất nghiệp, hoặc trợ cấp xã hội.
Bộ Y tế dẫn chứng báo cáo của Tổng cục Thống kê về điều tra quốc gia Người khuyết tật Việt Nam ước tính Việt Nam có khoảng 1,2 trẻ em khuyết tật độ tuổi 0-17 (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này), trong đó trẻ < 6 tuổi có tỉ lệ khuyết tật (chiếm 1,39% trẻ cùng độ tuổi).
Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em trong điều tra tại cộng đồng là khuyết tật về vận động chiếm 22,4% và khuyết tật về nói chiếm 21,4% tổng số trẻ khuyết tật.