Theo đó, các hãng xe thường ra mắt những mẫu xe mới hay những phiên bản nâng cấp vào thời gian gần cuối năm để đón đầu mùa mua sắm cao điểm. Mọi người cũng chọn mua xe vào dịp này để chuẩn bị đi chơi Tết hoặc có những chuyến đi đầu Xuân.
Số lượng xe bàn giao tới mỗi đại lý có giới hạn, mà ai cũng muốn lấy xe trước Tết nên khách hàng thường bị ép mua thêm phụ kiện nếu muốn lấy xe sớm. Cụ thể, ngoài tiền mua xe, khách sẽ phải trả thêm từ 30 đến 120 triệu đồng (tùy dòng xe và mức săn đón tại thời điểm đó). Ví dụ như Hyundai Santa Fe thế hệ mới, Honda CR-V thế hệ mới hay Hyundai Accent mới,...
Tuy nhiên, vào năm 2020, điều này đã thay đổi bởi vì các sản phẩm ngày càng cạnh tranh. Thêm vào đó, dịch bệnh bùng nổ khiến sức mua giảm xuống. Nhà nước phải hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe lắp ráp trong nước. Tại nhiều đại lý, khách mua xe còn nhận thêm nhiều ưu đãi bổ sung, từng có mẫu xe được giảm giá tới 300-500 triệu đồng như VinFast Lux SA2.0...
Đến mùa mua sắm cuối năm 2021, lịch sử lặp lại, nhiều mẫu xe được săn đón lại có tình trạng "mua bia kèm lạc" tại đại lý như Toyota Raize hay Ford Ranger.
Theo đó, từ ngày 1/12/2021, những mẫu xe lắp ráp tiếp tục được giảm 50% phí trước bạ như năm 2020. Điều này giúp thị trường ô tô trở lại nhộn nhịp và tăng trưởng hơn.
Được biết, tháng 11/2021, có tổng cộng 290 chiếc Toyota Raize được đưa về Việt Nam, bao gồm 287 chiếc nhập khẩu hoàn tất thủ tục thông quan từ Indonesia và 3 chiếc về nước trước đó cho sự kiện ra mắt. Trong khi đó, số đơn đặt trước đã lên tới 1.500 xe. Điều này dẫn đến cung không đủ cầu.
Khách hàng đặt mua Toyota Raize đang phải trả chênh 20-30 triệu đồng nếu muốn nhận xe sớm, nếu không sẽ phải đợi đến tận quý II/2022.
Ngoài ra, mẫu bán tải của Ford có 6 phiên bản nhưng chỉ bản XLS tăng giá, trong khi đó các phiên bản còn lại giữ nguyên giá bán hoặc có khuyến mãi đi kèm. Riêng bản XLS đang kênh từ 30-45 triệu đồng tiền phụ kiện hoặc phải mua thêm nắp thùng. Trong phân khúc bán tải, Ford Ranger là mẫu xe duy nhất được lắp ráp trong nước và hưởng ưu đãi giảm phí trước bạ từ Chính phủ.
Dù vậy, hiện tượng bán hàng “mua bia kèm lạc” được cho là sẽ tiếp tục diễn ra và không có đại lý nào bị xử lý. Nguyên nhân một phần đến từ tâm lý nôn nóng của khách hàng, muốn lấy xe sớm, thậm chí chấp nhận thêm chi phí, đặc biệt vào thời điểm gần tết Nguyên đán.